Đề xuất cấm người trúng đấu giá vi phạm nghĩa vụ thanh toán tham gia đấu giá 6 tháng đến 1 năm

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Bộ Tư pháp đang xây dựng Dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản. Trong đó, chế tài nào để xử lý vi phạm người trúng đấu giá quyền sử dụng đất đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư, quyền khai thác khoáng sản để hạn chế tình trạng người trúng đấu giá bỏ cọc như thời gian qua khiến cho thị trường bất động sản bị nhiễu loạn đang nhận được nhiều quan tâm.
Ảnh chỉ mang tính minh hoạ: Internet
Ảnh chỉ mang tính minh hoạ: Internet

Tại khoản 41 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản, Quốc hội giao Chính phủ quy định việc xử lý vi phạm người trúng đấu giá quyền sử dụng đất đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư, quyền khai thác khoáng sản.

Nội dung này cũng nhận được nhiều ý kiến thảo luận của các đại biểu Quốc hội trong những kỳ họp gần đây, nhất là kể từ vụ đấu giá bỏ cọc tại Thủ Thiêm (TP.HCM), hay những vụ việc đấu giá có nguy cơ bỏ cọc gần đây như đấu giá đất tại huyện Thanh Oai (Hà Nội), đấu giá mỏ cát tại Quảng Nam…

Theo đó, Dự thảo Nghị định dành riêng 1 chương để quy định về việc xử lý vi phạm đối với người trúng đấu giá. Cụ thể, theo Dự thảo Nghị định, trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày ban hành quyết định huỷ quyết định công nhận kết quả đấu giá quyền sử dụng đất đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư, quyền khai thác khoáng sản do người trúng đấu giá vi phạm nghĩa vụ thanh toán tiền trúng đấu giá, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, cơ quan có thẩm quyền quyết định cấm tham gia đấu giá (quy định tại khoản 3 Điều 70 Luật Đấu giá tài sản) xem xét, ban hành quyết định cấm tham gia đấu giá đối với người trúng đấu giá đối với loại tài sản đó trong thời hạn từ 6 tháng đến 5 năm.

Trong thời hạn 7 ngày làm việc kể từ ngày ban hành quyết định cấm tham gia đấu giá, Dự thảo Nghị định quy định, cơ quan có thẩm quyền quyết định cấm tham gia đấu giá có trách nhiệm gửi quyết định cấm tham gia đấu giá đến tổ chức, cá nhân bị cấm và cơ quan, tổ chức có liên quan; đồng thời gửi đến Bộ Tư pháp để đăng tải trên Cổng Đấu giá tài sản quốc gia.

Dự thảo Nghị định cũng quy định rõ trường hợp tổ chức, cá nhân bị cấm tham gia đấu giá không đồng ý với quyết định cấm tham gia đấu giá thì có quyền khởi kiện ra tòa án theo quy định của pháp luật. Thời hiệu áp dụng biện pháp cấm tham gia đấu giá là 1 năm kể từ ngày ban hành quyết định hủy quyết định công nhận kết quả đấu giá.

Lý giải thêm, tại Tờ trình Chính phủ, Cơ quan chủ trì soạn thảo cho biết, đề xuất này là dựa trên cơ sở tham khảo các quy định Luật Đấu thầu và Nghị định số 24/2024/NĐ-CP ngày 27/2/2024 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu.

Mặc dù cho rằng cần thiết phải có chế tài nghiêm khắc với người vi phạm, song, trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, hiệp hội, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, quy định trên là chưa rõ về chế tài áp dụng, mức độ vi phạm và thời hạn cấm tham gia đấu giá đối với người trúng đấu giá tương ứng. “Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm” là quy định khá chung chung. Điều này có thể dẫn tới nguy cơ áp dụng chế tài tùy nghi của các cơ quan thực thi. “Do đó, đề nghị Ban soạn thảo quy định cụ thể về các mức độ vi phạm và thời hạn cấm tham gia đấu giá tương ứng tại Dự thảo này hoặc chuyển sang quy định tại quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đấu giá tài sản”, VCCI khuyến nghị.

Chuyên đề