Để Việt Nam ghi dấu trên bản đồ AI thế giới

(BĐT) - Trao đổi với Báo Đấu thầu, TS. Bùi Hải Hưng, nhà nghiên cứu của Google DeepMind (Mỹ), luôn tránh nói về vấn đề rộng lớn là cách mạng công nghiệp 4.0. 
Trong vòng 5 - 10 năm trở lại đây, chúng ta đã chứng kiến những tiến triển đột biến trong ngành AI
Trong vòng 5 - 10 năm trở lại đây, chúng ta đã chứng kiến những tiến triển đột biến trong ngành AI

Đối với ông, khái niệm cách mạng công nghiệp 4.0 đang bị lạm dụng và rất khó để diễn đạt chính xác cho cộng đồng hiểu đúng về bản chất. Ông chỉ quan tâm, và hướng sự quan tâm của mọi người về lĩnh vực mà ông là chuyên gia - lĩnh vực nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo (AI).

Ông có thể thông tin để độc giả hiểu hơn rõ hơn về hoạt động nghiên cứu AI?

AI là một nhánh của khoa học máy tính. Thế giới bắt đầu quan tâm đến vấn đề này từ năm 1950. Như vậy, ngành khoa học này đã có lịch sử phát triển gần 70 năm. Nhưng chỉ trong vòng 5 - 10 năm quay trở lại đây, chúng ta mới chứng kiến những bước tiến triển đột biến trong ngành AI. Và những ứng dụng của ngành này đang góp phần dẫn dắt đời sống công nghệ của nhân loại. Ví dụ: vấn đề nhận dạng giọng nói hay vấn đề dịch từ một ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác, nhận dạng hình ảnh... Và sắp tới sẽ có nhiều và nhiều hơn nữa những ứng dụng như vậy từ AI.

Để Việt Nam ghi dấu trên bản đồ AI thế giới ảnh 1
TS. Bùi Hải Hưng
Hiện nay đã có một thế hệ người Việt trẻ ghi dấu ấn trên thế giới bằng trí tuệ và tài năng, như ông chẳng hạn. Và theo ông thì những thành quả này đã nói lên điều gì về triển vọng phát triển công nghệ của đất nước?

Đây là một câu hỏi rất thú vị. Thực ra thì động lực để bản thân tôi làm việc ở nước ngoài, chủ yếu đó là niềm đam mê với công việc. Và cảm giác của tôi luôn là một sự lẫn lộn. Tôi vui vì công việc, vì sự phát triển của bản thân, nhưng thực tế là cũng có một điều gì đó khiến cho tôi cảm thấy hơi chạnh lòng. Thí dụ khi đồng nghiệp hỏi tôi đến từ đâu. Tôi bảo đến từ Việt Nam. Và họ có thể rất là ngạc nhiên bởi tôi là một người Việt Nam. Bởi vì câu chuyện nói về Việt Nam của họ bao giờ cũng chỉ là: Việt Nam là một đất nước rất đẹp, tôi rất thích sang bên đấy du lịch. Điều này khiến tôi muốn để cho họ biết cũng có những người Việt đang làm việc ở tầm thế giới. Tôi hy vọng rằng trong tương lai chúng ta sẽ có những công trình, sản phẩm mang tầm thế giới được làm ra tại Việt Nam, chứ không chỉ có mỗi người Việt hoặc mang dòng máu Việt ngang tầm thế giới như bây giờ. 

Ông nhìn nhận như thế nào về thực tế phát triển ngành AI của Việt Nam, so với thế giới thì chúng ta đang ở đâu, thưa ông?

Đã có rất nhiều người mang dòng máu Việt công bố những công trình về AI rất thành công ở mức độ thế giới. Nhưng bản thân Việt Nam thì tôi nghĩ rằng vẫn chưa có được tiếng nói và dấu ấn trên bản đồ AI của thế giới. Thực tế là ngành nghiên cứu về AI ở Việt Nam bây giờ hầu như là chưa có. Và tôi hy vọng rằng tình hình này sẽ được cải thiện. Cách tốt nhất để cải thiện vấn đề này là Việt Nam cần tạo dựng những trung tâm nghiên cứu về AI mang tính mũi nhọn để có được những công trình nghiên cứu mang tầm thế giới. Không nhất thiết là phải nhiều nhưng ít ra cũng phải có những công trình như thế để thế giới biết được rằng Việt Nam là một đất nước cũng có đóng góp cho sự phát triển của ngành AI. 

Theo ông, để có thể phát triển, đuổi kịp với trình độ công nghệ của thế giới, Việt Nam cần phải làm gì?

Tôi nghĩ những người đang làm việc trong ngành AI hoặc những người nghiên cứu khoa học công nghệ ở Việt Nam đều ôm ấp hoài bão này. Nhưng tôi lại cho rằng, chúng ta cũng nên khôn ngoan hơn một chút. Thế giới có quá ít hiểu biết về Việt Nam. Và chỉ có chúng ta là hiểu đất nước mình, hiểu những nhu cầu về công nghệ của đất nước mình nhất. Vậy chi bằng, chúng ta chọn vấn đề mang đặc thù của Việt Nam mà thế giới chưa quan tâm để nghiên cứu và phát triển. Thí dụ những bài toán về xử lý ngôn ngữ, bài toán về xử lý giọng nói, công cụ dịch thuật tiếng Việt ra các thứ tiếng khác trên thế giới. Bên cạnh đó, những bài toán về y tế với các công nghệ chữa các loại bệnh đang là thách thức của xã hội Việt Nam... Khi chúng ta giải quyết tốt những tồn tại của mình qua công nghệ, qua AI, đó sẽ là cách để chúng ta có được những sản phẩm, những công trình ở tầm thế giới. Chỉ cần giải quyết tốt vấn đề của Việt Nam, thế giới sẽ phải thuê Việt Nam giải quyết những nhu cầu rộng lớn hơn. 

Vậy cần có những giải pháp cụ thể nào để hiện thực những ý tưởng khôn ngoan đó, thưa ông?

Một vấn đề đối với Việt Nam là đào tạo. Đào tạo nhân tài để phục vụ cho những bước phát triển tiếp theo trong lĩnh vực AI là vấn đề rất quan trọng. Đi đôi với đào tạo là vấn đề nghiên cứu cơ bản. Nếu hai vấn đề này được giải quyết thì đây chính là động lực thúc đẩy sự phát triển về AI tại Việt Nam. Tôi muốn nói rõ ý này. Không phải chúng ta sẽ chỉ thay đổi giáo trình, cập nhật kiến thức trên thế giới. Ở Mỹ, 10 năm qua, giáo trình công nghệ của họ không thay đổi nhiều lắm. Nhưng rõ ràng có sự khác biệt giữa người dạy ở Mỹ và ở Việt Nam. Ở Mỹ, sinh viên luôn được tư vấn, định hướng nghiên cứu những vấn đề nhằm giải quyết thách thức của cuộc sống, thậm chí có những định hướng nghiên cứu thay đổi cả chất lượng cuộc sống, thay đổi cả sự phát triển của công nghệ.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần quan tâm làm sao để tạo ra những cơ sở dữ liệu lớn, tạo nên tài nguyên cho điện toán đám mây... Đó là những yếu tố rất cần thiết để phục vụ cho sự phát triển ngành AI ở Việt Nam. 

Nguồn nhân lực thì vậy, còn doanh nghiệp và thị trường thì thế nào, thưa ông?

Tôi thấy rằng doanh nghiệp AI tại Việt Nam đang rất khó thuê người vì các trường đại học không thể đáp ứng được đầu ra theo yêu cầu của doanh nghiệp. Thêm một vấn đề nữa là doanh nghiệp Việt cũng khó tiếp cận được thị trường thế giới nói chung và thị trường vốn của thế giới nói riêng. Tôi nghĩ chúng ta có thể năng động một chút khi giải quyết vấn đề này. 

Có quan điểm cho rằng, không cứ về nước mới là cống hiến, mới là đóng góp cho quê hương. Người Việt ở nước ngoài vẫn có thể góp phần vào việc phát triển mạng lưới đổi mới sáng tạo của Việt Nam. Ông nghĩ sao về vấn đề này?

Đúng là đóng góp thì có nhiều mức. Nếu như ở nước ngoài, chúng tôi sẽ có nhiều mối quan hệ để có thể giới thiệu những cơ sở trong nước kết nối với thế giới. Nhưng thực ra tôi nghĩ mấu chốt của vấn đề nằm ở chỗ, trở về nước được thì mức độ đóng góp sẽ khác hẳn. Và mức độ tạo ra ảnh hưởng sẽ hoàn toàn khác. Cho nên tôi nghĩ, cách tốt nhất vẫn là tạo ra một môi trường làm việc mà có thể kêu gọi được những người có tâm huyết về nước để cùng dựng xây, chứ không chỉ là góp ít công, góp ít của như hiện nay. 

Bản thân ông đã tư vấn cho Chính phủ nên hình thành trung tâm nghiên cứu chuyên sâu về AI ở Việt Nam. Vậy, nếu có một ý tưởng thành lập trung tâm nghiên cứu AI, ông sẽ tham gia ở mức độ nào?

Nếu như Việt Nam có định hướng phát triển một trung tâm như thế, tôi nghĩ đây sẽ là một cơ hội rất thú vị đối với bản thân tôi. Cách dễ nhất là tôi sẽ chia sẻ những kinh nghiệm của mình và kết nối với hệ thống những đồng nghiệp mà tôi biết trong ngành AI. Và tôi cũng hy vọng có thể đóng góp ở mức cao hơn thế nữa. Nhưng đấy còn tùy vào môi trường làm việc ở Việt Nam như thế nào. 

Đây là một lựa chọn an toàn của ông, nếu như ý tưởng thực sự hiệu quả thì ông sẽ tham gia một cách nhiệt tình hơn?

Đúng là như thế. Tôi nghĩ lòng yêu nước là một điều gì đó mà mỗi người phải tự cảm nhận được. Bản thân tôi có thể hoàn toàn dùng thời gian riêng của mình, tự chi trả mọi chi phí đi lại, lưu trú để về làm việc tại quê hương. Nhiệt huyết cống hiến tôi nghĩ ai cũng có. Trước khi về Việt Nam tham gia sự kiện kết nối Mạng lưới đổi mới sáng tạo 2018, tôi đã chủ động lên chương trình. Tôi có liên lạc với Bộ Khoa học và Công nghệ để kết nối với những anh em làm việc trong lĩnh vực AI ở trên thế giới. Thực ra cũng nhân cơ hội này, tôi mong muốn có được sự kết nối giữa những người làm AI ở Việt Nam và nước ngoài. Chúng tôi thấy đây là một tín hiệu khá là lạc quan.      

TS. Bùi Hải Hưng: Học PTTH ở Chuyên toán Đại học Tổng hợp, Khối A0. Năm lớp 11, Bùi Hải Hưng tham gia thi toán quốc tế cùng Ngô Bảo Châu (lớp 12). Tốt nghiệp PTTH, Bùi Hải Hưng nhận được học bổng toàn phần ngành khoa học máy tính tại Australia.

Hiện TS. Bùi Hải Hưng đang là nhà khoa học nghiên cứu về máy học tập cao cấp tại Google DeepMind - Bộ phận nghiên cứu về AI của Google.

Trước khi gia nhập Google DeepMind, ông đã ở Phòng thí nghiệm Nghiên cứu Adobe và Phòng thí nghiệm Ngôn ngữ Tự nhiên Nuance. Và cũng đã dành gần 10 năm lãnh đạo nhóm nghiên cứu đa tổ trong Dự án CALO (dự án AI lớn nhất trong lịch sử, còn được gọi là Dự án Tách Siri).

Chuyên đề