Dự án xử lý cấp bách đê sông Chu do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, thuộc Sở NN&PTNT tỉnh Thanh Hóa làm chủ đầu tư, bằng nguồn vốn dự phòng ngân sách Trung ương. Tháng 5/2020 dự án được nghiệm thu đưa vào sử dụng, nhưng sau một thời gian ngắn nhiều tuyến đê đã bị hư hỏng nghiêm trọng.
Đường vào các mỏ VLXD đều được đổ bê tông. |
Đoạn đê sông Chu do Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư xây dựng Cường Thịnh Thi (có trụ sở tại Ninh Bình) thi công, khoảng 8 km, đi qua xã Xuân Hồng, thị trấn Thọ Xuân, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa là vị trí bị xuống cấp nghiêm trọng nhất.
Nhiều chỗ vừa được thảm nhựa đã nứt nẻ, tạo thành hố sâu tới 30-40 cm, rãnh vệt bánh xe lồi lõm, kéo dài hàng chục mét. Quan ngại hơn, là nhiều vị trí trên thân đê, mặc dù thời điểm này chưa có mưa nhiều, nhưng đã bị xói lở thành vết rãnh sâu.
Mặt đê đã được san gạt tạm thời để các phương tiện có thể đi lại. |
“Từ đầu năm mặt đê cải tạo nhưng quá kém tôi đi qua hàng ngày đường vừa xong đường đã sùi lên hết. Trời mưa chúng tôi phải đổ đá vào những chỗ lún nếu không như xe các anh cũng không đi được. Ngày xưa khi đê chưa làm đường bê tông cũ xe chạy bình thường. Nay đường hỏng là do chất lượng kém”, một người dân ở xã Xuân Hồng, huyện Thọ Xuân cho biết.
Tại khu vực đê sông Chu đoạn qua thị trấn huyện Thọ Xuân có 11 điểm tập kết cát sỏi, vật liệu xây dựng nên xe tải thường xuyên hoạt động. Để tránh tình trạng xe quá tải đi trên đê, trước các điểm tập kết cát sỏi, UBND huyện Thọ Xuân đã cho đổ khung bê tông cố định, chỉ xe tải nhỏ dưới 10 tấn mới có thể đi qua, lắp camera giám sát việc xe vận chuyển cát sỏi trên đê. Cùng với đó, Chi cục Thủy lợi Thanh Hóa đã cho lắp những khung sắt hạn chế chiều cao và cắm biển báo hạn chế tải trọng 12 tấn.
Những rãnh nứt lớn nhìn từ xa. |
Tuy nhiên, Thượng tá Lê Bá Chân, Phó trưởng Công an huyện Thọ Xuân cũng thừa nhận: Với địa bàn như vậy lực lượng còn phải tăng cường đi cơ sở nên đáp ứng 24/24g còn khó khăn nên lái xe và chủ mỏ đã trốn tránh việc xử lý của lực lượng công an nên cũng chưa xử lý hết được.
Năm 2017, tại chính vị trí đê sông Chu đoạn qua xã Xuân Hồng, huyện Thọ Xuân đã bị sạt lở nghiêm trọng do mưa lũ. Để đảm bảo an toàn đề điều trong mùa mưa bão, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định nâng cấp, sửa chữa 6 công trình tại đê sông Chu.
Dự án xử lý cấp bách đê điều do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa làm chủ đầu tư. Thế nhưng, công trình vừa được hoàn thành, nghiệm thu đưa vào sử dụng từ đầu tháng 5 đến nay nhiều đoạn đã bị hư hỏng nặng, nghiêm trọng nhất là tại đoạn đê qua xã Xuân Hồng, huyện Thọ Xuân.
Thị trấn Thọ Xuân là nơi có nhiều xe chở vật liệu xây dựng hoạt động. |
Ông Lê Minh Trường, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Thanh Hóa, cho biết: Không chỉ tại đê sông Chu, vi phạm xe chở vật liệu xây dựng, xe quá tải xảy ra hầu hết tại các tuyến đê trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, như: sông Mã, sông Lèn, sông Lạch Trường.
“Qua phản ánh Sở NN&PTNT đã có văn bản chỉ đạo các huyện xử lý nghiêm tình trạng xe quá tải như huyện Thọ Xuân, Hiệu Hóa, Yên Định, Hoằng Hóa, Hà Trung là những địa bàn có hiện tượng xe quá tải đi trên đê”, ông Trường cho biết.
Sau khi xuất hiện tình trạng mặt đê vừa tu sửa đã xuống cấp, UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo các cấp chính quyền, đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm tình trạng xe quá tải hoạt động trên các tuyến đê. Đồng thời chỉ đạo các đơn vị thi công nhanh chóng tu sửa những vị trí đê bị hư hỏng.
Ông Vũ Xuân Thành, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai Bộ NN& PTNT khẳng định, về việc vì sao tuyến đê vừa mới nâng cấp đã hỏng nhanh chóng như vậy thì chính quyền địa phương phải vào cuộc. Nhiều địa phương vì phát triển kinh tế của mình nên việc kiểm tra, khống chế, xử lý vi phạm còn lơ là.
Đê sông Chu vừa được tu sửa, đưa vào sử dụng đã bị xuống cấp nghiêm trọng, cùng với việc xử lý nghiêm vi phạm xe quá tải, các ngành chức năng cũng cần kiểm tra, làm rõ chất lượng công trình của các đơn vị thi công nhằm đảm bảo an toàn đê điều khi mùa mưa bão đang đến gần./.