Để giảm thiểu kiến nghị trong đấu thầu, đội ngũ làm công tác đấu thầu phải chuẩn

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Từ thực tế đấu thầu cho thấy, các kiến nghị dai dẳng trong đấu thầu bắt nguồn từ việc hồ sơ mời thầu thiếu rõ ràng, thiếu minh bạch, không bảo đảm cạnh tranh, công bằng; công tác đánh giá hồ sơ dự thầu chưa thực sự khách quan, đúng quy trình. Một trong những nguyên nhân chính không thể bỏ qua là do hạn chế về trình độ, nhận thức của đội ngũ làm công tác đấu thầu.
Luật sư Hoàng Vũ Tưởng Giám đốc Công ty Luật TNHH MTV Minh Phương

Luật sư Hoàng Vũ Tưởng Giám đốc Công ty Luật TNHH MTV Minh Phương

Trong khi đó, số lượng kiến nghị trong đấu thầu phát sinh ở một số địa phương khá lớn, có những kiến nghị rất gay gắt, nhưng nhân sự có thể tham gia vào Hội đồng giải quyết kiến nghị lại hạn chế, khó bảo đảm chất lượng giải quyết kiến nghị.

Do đó, để giảm thiểu phát sinh kiến nghị trong đấu thầu, đội ngũ cán bộ, người làm công tác đấu thầu phải thực sự “tinh nhuệ”. Nhân sự lập hồ sơ mời thầu có đầy đủ kiến thức pháp luật về đấu thầu, được cập nhật quy định thường xuyên các văn bản pháp luật liên quan để xây dựng hồ sơ mời thầu tuân thủ đúng quy định của pháp luật. Việc đánh giá hồ sơ dự thầu đảm bảo đúng quy trình, khách quan, công bằng và minh bạch (nhân sự chấm thầu và thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu).

Hơn nữa, lĩnh vực đấu thầu rất rộng, liên quan đến nhiều quy định pháp luật khác nên đòi hỏi nhân lực tham gia công tác đấu thầu phải thường xuyên tự nâng cao trình độ, cập nhật kiến thức, quy định mới của pháp luật, đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn đấu thầu phong phú và phức tạp.

Theo tôi, cần tiếp tục cơ chế giám sát, sát hạch, thi cử để “loại bỏ” các nhân lực “yếu”, hạn chế về trình độ và nhận thức tham gia vào công tác đấu thầu (bao gồm nhân sự lập hồ sơ mời thầu, tổ chuyên gia, tổ thẩm định) nhằm giảm thiểu các vụ việc khiếu nại, khiếu kiện phát sinh trong đấu thầu, làm mất thời gian, tốn kém chi phí cũng như ảnh hưởng đến tiến độ lựa chọn nhà thầu và tiến độ dự án/công trình…

Chuyên đề