Ảnh Internet |
Tuy nhiên, việc Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) tích cực đầu tư vào lĩnh vực hàng không mới đây đang đặt ra những câu hỏi về việc tuân thủ quy định của NHNN cũng như an toàn hoạt động của ngân hàng này.
Hàng nghìn tỷ đồng “rót” vào hàng không
Mới đây, phía Techcombank con đã góp vốn thành lập Công ty CP Hàng không SKYVIET với tỷ lệ góp vốn 49%. Trước đó, ngân hàng này mua 25,7 triệu cổ phần, chiếm 52% số cổ phần đăng ký mua, qua đó trở thành nhà đầu tư tổ chức lớn nhất trong phiên đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) của Vietnam Airlines. Ngoài việc góp vốn mua cổ phần, Techcombank còn cho Vietnam Airlines vay ngắn hạn và dài hạn xấp xỉ 1.500 tỷ đồng.
Để có thêm thông tin cung cấp cho độc giả, ngày 15/4/2016, Báo Đấu thầu đã gửi Công văn số 103/BĐT-BTPV đến NHNN Việt Nam - cơ quan quản lý nhà nước đối với các ngân hàng thương mại - đề nghị cung cấp thông tin về việc đầu tư ngoài ngành của Techcombank. Cụ thể, Công văn của Báo Đấu thầu đề nghị cung cấp thông tin: “NHNN đã đồng ý cho Techcombank được phép đầu tư vào ngành hàng không hay chưa? Techcombank được phép đầu tư bao nhiêu % vốn điều lệ của một DN ngành hàng không? Ngoài Vietnam Airlines, Techcombank có được đầu tư thêm vào DN khác trong ngành hàng không hay không?”. Tuy nhiên đến nay, Báo Đấu thầu vẫn chưa nhận được hồi âm từ NHNN liên quan đến việc trả lời nội dung trong công văn này.
Bài học còn đó
Thực hiện tái cấu cơ cấu nền kinh tế, mà một trong các trọng tâm là tái cơ cấu các tổ chức tín dụng, từ năm 2012 đến nay đã có hàng chục ngân hàng thực hiện hợp nhất, sáp nhập, NHNN mua lại với giá 0 đồng.
Điển hình như trường hợp Ngân hàng TMCP Nhà Hà Nội (HBB) đã phải sáp nhập vào Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) do nợ xấu quá cao, kinh doanh thua lỗ. Nguyên nhân sâu xa là do HBB đã tập trung dư nợ cho vay các công ty thuộc Tập đoàn Vinashin trước đây. Cụ thể, tổng dư nợ cho vay và trái phiếu cho các công ty thuộc Vinashin lên đến 3.345 tỷ đồng. Theo đánh giá tại Đề án sáp nhập, việc tập trung cho vay nhóm khách hàng thuộc Vinashin từng được coi là chính sách “đón đầu” của Ngân hàng. Tuy nhiên, việc tập trung quá nhiều vào nhóm khách hàng này (tương đương 83% vốn điều lệ của Ngân hàng) dẫn đến khi suy thoái kinh tế, HBB đã bị ảnh hưởng nặng nề từ việc tập trung tín dụng. Riêng chi phí huy động vốn hàng năm để duy trì dư nợ này đã làm HBB phát sinh chi phí đến 500 tỷ đồng/năm. Hậu quả nặng nề để lại, đến nay Ngân hàng nhận sáp nhập (SHB) vẫn phải tiếp tục xử lý.
Không chỉ riêng HBB, một số ngân hàng khác đã phải sáp nhập hoặc bị mua lại 0 đồng do làm ăn yếu kém, nợ xấu tăng cao.
Trở lại trường hợp của Techcombank, hiện dư nợ của ngân hàng này đối với Vietnam Airlines có thể vẫn nằm trong hạn mức cho phép. Tuy nhiên, từ quan hệ là cổ đông dẫn đến quan hệ tín dụng có thể tiềm ẩn những rủi ro đòi hỏi sự giám sát chặt chẽ của NHNN nhằm đảm bảo an toàn của tổ chức tín dụng này nói riêng và hệ thống các tổ chức tín dụng nói chung.
Tại phiên họp ĐHĐCĐ Techcombank mới đây, ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch HĐQT Techcombank cho biết, Ngân hàng và Vietnam Airlines có quan hệ hơn 10 năm, trước đây Techcombank là cổ đông lớn và hiện còn tham gia một phần vào vốn của Vietnam Airlines. Techcombank tham gia vốn vì kỳ vọng sự phát triển của Vietnam Airlines và quan hệ này mang về lợi nhuận rất lớn cho Ngân hàng.