Đầu tư đổi mới để vươn xa

(BĐT) - Để “thắng” các đối thủ cạnh tranh, không ít doanh nghiệp, nhà thầu nội địa đang mạnh dạn đề ra những chiến lược táo bạo, sẵn sàng “bơm vốn” đầu tư đổi mới từ công nghệ, nhà xưởng cho đến nhân lực nhằm đón đầu hội nhập.    
Đầu tư công nghệ mới và phát triển nguồn nhân lực là lựa chọn số 1 của nhiều doanh nghiệp lớn. Ảnh: Đức Thanh
Đầu tư công nghệ mới và phát triển nguồn nhân lực là lựa chọn số 1 của nhiều doanh nghiệp lớn. Ảnh: Đức Thanh

Hướng đến ngang tầm ASEAN

71.735 tỷ đồng (tương đương 3 tỷ USD) là chỉ tiêu tổng doanh thu từ kế hoạch doanh số bán ra năm 2016 sẽ là 112.336 xe (tăng 40% so với năm 2015) mà Đại hội cổ đông Công ty CP Ô tô Trường Hải (Thaco) vừa thông qua.

Mục tiêu “khủng” này, theo như giải thích của ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Thaco, là để chuẩn bị cho tiến trình hội nhập khu vực ASEAN với mục tiêu bán ra 150.000 xe, doanh thu trên 95.000 tỷ đồng trong năm 2018. Đặc biệt, trong giai đoạn 2016 - 2018, Thaco rót số vốn 20.372 tỷ đồng để đầu tư phát triển Khu công nghiệp Cơ khí ô tô Chu Lai - Trường Hải (tỉnh Quảng Nam) có quy mô ngang tầm ASEAN và rót 9.738 tỷ đồng cho hệ thống phân phối và showroom bán lẻ. Và dự kiến quy mô nhân sự đến cuối năm 2016 của Thaco là 17.873 người, tăng 31% so với cuối năm 2015.

Ngoài ra, Thaco còn phát triển tổ hợp các nhà máy công nghiệp hỗ trợ bằng giải pháp kết nối các DN nhỏ và vừa trong nước với các nhà sản xuất linh kiện nước ngoài để cung ứng cho các nhà máy lắp ráp nhằm gia tăng tỷ lệ nội địa hóa. Qua đó triển khai sản xuất động cơ, máy móc phục vụ nông nghiệp nhằm phát triển Chu Lai trở thành trung tâm cơ khí đa dụng miền Trung.

Thaco cũng đầu tư mở rộng cảng Chu Lai - Trường Hải, lập tuyến vận tải biển trực tiếp từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc về Chu Lai để giảm giá thành vận chuyển, tiết kiệm thời gian, nâng cao năng lực logistics cho miền Trung.

Trụ vững trên sân nhà

Một thương hiệu mạnh khác của Việt Nam cũng được xem là tiên phong trong việc mạnh dạn đầu tư đổi mới là Tập đoàn Hoa Sen, với một loạt dự án xây dựng nhà xưởng sản xuất các loại sản phẩm ống thép, ống nhựa và phụ kiện…

Hội nhập đã đến ngay cửa nhà, là sức ép để doanh nghiệp Việt phải thay đổi nếu muốn tồn tại và phát triển trong sân chơi khắc nghiệt mới. Điều quan trọng là trước khi hướng đến thị trường nước ngoài thì các nhà thầu nội phải trụ vững trên sân nhà trước các nhà thầu ngoại. 
Ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch HĐQT Hoa Sen Group, cho biết, khi tham gia TPP, phải tập trung nâng cao, cải tiến chất lượng sản phẩm nhằm đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật cũng như thị hiếu của người tiêu dùng tại thị trường các quốc gia thành viên. Trong đó, quan trọng là hệ thống máy móc thiết bị hiện đại được đầu tư theo công nghệ mới, bảo đảm cho ra mắt những sản phẩm có chất lượng tốt, đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật.

Hồi giữa tháng 4/2016, Hoa Sen Group đã khánh thành Nhà máy Ống nhựa Hoa Sen Bình Định tại tỉnh Bình Định với tổng vốn 367 tỷ đồng. Đây là dự án thứ 3 Hoa Sen đầu tư tại tỉnh Bình Định. Đầu năm 2016, Tập đoàn này đã động thổ Dự án Xây nhà máy thép Hoa Sen Nhơn Hội - Bình Định với vốn đầu tư khoảng 2.000 tỷ đồng, có công suất 200.000 tấn/năm, dự kiến hoạt động vào tháng 1/2017. Hồi giữa tháng 3/2016, Hoa Sen cũng khởi công xây dựng Nhà máy Hoa Sen Hà Nam tại tỉnh Hà Nam với dây chuyền công nghệ hiện đại, có tổng vốn đầu tư hơn 3.000 tỷ đồng.

Còn theo ông Lê Bá Thông, Tổng giám đốc Công ty CP Xây dựng và Thương mại TTT (một nhà thầu tư nhân hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực thiết kế, sản xuất và cung cấp sản phẩm nội thất, từng là nhà thầu thi công nội thất công trình Nhà Quốc hội, Trung tâm Hội nghị Quốc gia), trong một thế giới phẳng thì mọi doanh nghiệp đều bình đẳng và công nghệ sẽ giúp nhà thầu nội vươn xa.

Ông Lê Bá Thông cho rằng, chiến lược tiên phong đầu tư công nghệ mới và phát triển nguồn nhân lực đã đưa TTT từ chỗ chỉ là nhà thầu phụ cho một số dự án trong nước, đã trở thành nhà thầu chính của nhiều dự án lớn ở trong và ngoài nước trên lĩnh vực thiết kế, trang trí và thi công nội thất, nhất là ở phân khúc các dự án khách sạn 5 sao.

Ông Thông nhấn mạnh, hội nhập đã đến ngay cửa nhà, là sức ép để doanh nghiệp Việt phải thay đổi nếu muốn tồn tại và phát triển trong sân chơi khắc nghiệt mới. Điều quan trọng là trước khi hướng đến thị trường nước ngoài thì các nhà thầu nội phải trụ vững trên sân nhà trước các nhà thầu ngoại. Đơn cử như TTT, khi thị trường nội địa đã củng cố vững chắc thì công ty hoàn toàn tự tin khi đầu tư mở rộng sản xuất. Đến nay, TTT đã trở thành nhà thầu cung cấp mặt hàng nội thất chính cho hàng loạt dự án lớn của 2.000 khách hàng ở 17 quốc gia trên thế giới.                                                                                   

Chuyên đề

Kết nối đầu tư