Đấu thầu thuốc tập trung quốc gia năm 2023: Đột phá về tiến độ lựa chọn nhà thầu

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Nếu năm 2022, Kế hoạch lựa chọn nhà thầu các gói thầu cung cấp thuốc thuộc Danh mục thuốc đấu thầu tập trung cấp quốc gia phải mất gần 1 năm mới hoàn tất, thì năm 2023, việc lựa chọn nhà thầu đã hoàn thành sau 3 tháng triển khai. Hai nhân tố cơ bản rút ngắn thời gian lựa chọn nhà thầu là công tác đấu thầu năm nay được thực hiện qua mạng và hệ thống pháp luật về mua sắm, đấu thầu thuốc được sửa đổi, kịp thời tháo gỡ nhiều vướng mắc, khó khăn.
Danh mục thuốc đấu thầu tập trung cấp quốc gia 2023 có tổng dự toán hơn 734,054 tỷ đồng, được chia thành 3 gói thầu. Ảnh: Lê Tiên
Danh mục thuốc đấu thầu tập trung cấp quốc gia 2023 có tổng dự toán hơn 734,054 tỷ đồng, được chia thành 3 gói thầu. Ảnh: Lê Tiên

Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc Quốc gia thuộc Bộ Y tế vừa ký thoả thuận khung với các nhà thầu trúng thầu cung cấp thuốc thuộc danh mục đấu thầu tập trung cấp quốc gia năm 2023. Đây là dự toán mua sắm thuốc tập trung quốc gia có quy mô lớn nhất từ trước đến nay được Trung tâm tổ chức lựa chọn nhà thầu qua mạng, hoàn thành trong 3 tháng, kể từ ngày Kế hoạch được phê duyệt.

Danh mục thuốc đấu thầu tập trung cấp quốc gia năm 2023 có tổng dự toán hơn 734,054 tỷ đồng, được chia thành 3 gói thầu dựa theo khu vực. Cụ thể, Gói thầu số 01 Cung cấp 18 mặt hàng thuốc cho các tỉnh miền Bắc (mã hiệu: ĐTTT.01.2023, gồm 25 địa phương), có giá 259,672 tỷ đồng; Gói thầu số 02 Cung cấp 19 mặt hàng thuốc cho các tỉnh miền Trung và khu vực Tây Nguyên (mã hiệu: ĐTTT.02.2023, gồm 19 địa phương), có giá 208,797 tỷ đồng; Gói thầu số 03 Cung cấp 18 mặt hàng thuốc cho các tỉnh miền Nam (mã hiệu: ĐTTT.03.2023, gồm 19 địa phương), có giá 265,585 tỷ đồng.

Theo Biên bản mở thầu ngày 25/7/2023, Gói thầu số 01 và Gói thầu số 03 có 13 lượt nhà thầu tham dự. Gói thầu số 02 có 12 lượt nhà thầu (một số nhà thầu tham dự cùng lúc nhiều lô/phần của các gói thầu).

Về kết quả lựa chọn nhà thầu, Gói thầu số 01 có 3 nhà thầu trúng thầu, Gói thầu số 02 có 4 nhà thầu trúng thầu, Gói thầu số 03 có 3 nhà thầu trúng thầu, tổng hợp lại cả 3 gói thầu có 5 nhà thầu trúng thầu. Trong đó, nhà thầu có tổng giá trúng thầu lớn nhất là Công ty TNHH MTV Dược Sài Gòn với 154,688 tỷ đồng, cung cấp mặt hàng Cefoxitin (101,265 tỷ đồng Gói thầu số 1 và 53,423 tỷ đồng Gói thầu số 03). Đứng thứ hai là Công ty TNHH Dược phẩm Tự Đức (86,82 tỷ đồng cung cấp Cefoxitin tại Gói thầu số 02). Vị trí thứ ba là Công ty CP Dược phẩm Hà Nam (85,85 tỷ đồng, cung cấp Cefoxitin tại cả 3 gói thầu).

Hai nhà thầu còn lại là Công ty CP Dược liệu Trung ương 2 (11,115 tỷ đồng, cung cấp Oxaliplatin tại cả 3 gói thầu); Công ty CP Dược phẩm Imexpharm (5,632 tỷ đồng, cung cấp Cefuroxim tại Gói thầu số 02).

Trong số các nhà thầu tham dự, có 2 nhà thầu được đánh giá không đạt yêu cầu về kỹ thuật. Trong đó, Công ty CP Dược phẩm Thiết bị y tế Hà Nội trượt thầu do mặt hàng dự thầu Amlodac 5mg có dạng bào chế không phù hợp với phạm vi chứng nhận GMP của cơ sở sản xuất do Cục Quản lý dược công bố.

Công ty TNHH SK Quốc tế trượt thầu do mặt hàng dự thầu Oramycin 1,5g (GC-343-22, do Công ty TNHH Medochemie (Viễn Đông) sản xuất gia công theo hợp đồng với Công ty Medochemie Ltd của Cyprus) không chứng minh được sản phẩm đạt tiêu chuẩn thuốc Nhóm 2.

Đối với Công ty CP Dược phẩm Quốc tế (UK Pharma) có mặt hàng dự thầu Cefoxitin Panpharma (VN2110-18, 101,446 tỷ đồng tại Gói thầu số 01), khi được mời tham gia thương thảo, Nhà thầu đã từ chối hoàn thiện Thoả thuận khung. Nhà thầu còn lại - Công ty CP Dược phẩm Hưng Phúc, mặc dù tham dự thầu mặt hàng Cefoxitin tại cả 3 gói thầu nêu trên, nhưng vì không được xếp hạng thứ nhất nên bị loại.

Đáng chú ý, một số mặt hàng được mời thầu lần này không có nhà thầu tham dự như: Amlodipin; Amoxicilin + Acid Clavulanic; Omeprazol... Do không có nhà thầu tham dự trong 2 năm tổ chức đấu thầu liên tiếp, nên ngay sau khi mở thầu, Trung tâm đã ban hành quyết định hủy thầu và dừng đấu thầu đối với 5 mặt hàng thuốc. Tổng giá trị của 5 mặt hàng bị dừng là 182,057 tỷ đồng.

Đại diện Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc Quốc gia cho biết, Kế hoạch lựa chọn nhà thầu các gói thầu cung cấp thuốc thuộc Danh mục thuốc đấu thầu tập trung cấp quốc gia giai đoạn 2022 - 2023 được khởi động từ tháng 9/2021, nhưng đến đầu tháng 8/2022 mới có kết quả lựa chọn nhà thầu. Trong khi đó, việc lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc thuộc Danh mục đấu thầu tập trung cấp quốc gia năm 2023 hoàn thành nhanh hơn rất nhiều, chỉ sau 3 tháng triển khai.

Việc cải thiện tiến độ, như đại diện Trung tâm chia sẻ, là do hệ thống pháp luật liên quan đến mua sắm, đấu thầu thuốc đã cơ bản được sửa đổi và hoàn thiện, kịp thời tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc thực tế. Cùng với đó, thực hiện đấu thầu qua mạng cũng góp phần đẩy nhanh tiến độ chọn lựa các nhà thầu.

Chuyên đề