Công ty CP Dược liệu Trung ương 2 trúng thầu hơn 4.200 tỷ đồng tại 1 gói thầu. Ảnh: Lê Tiên |
Theo đó, Công ty TNHH MTV Vimedimex Bình Dương (gọi tắt là Vimedimex Bình Dương) và Công ty CP Dược liệu Trung ương 2 (gọi tắt là Dược liệu TW2) trúng lớn, với tổng giá trúng thầu gần 7.000 tỷ đồng.
Hai nhà thầu trúng gần 7.000 tỷ đồng
Tại Gói thầu số 1 Cung cấp biệt dược gốc hoặc tương đương điều trị năm 2019 - 2020 cho các cơ sở y tế trên toàn quốc, chỉ có 2 nhà thầu trúng thầu là Vimedimex Bình Dương và Dược liệu TW2. Đây cũng chính là hai nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu (HSDT) trong cả 3 lần mời thầu đối với gói thầu này.
Theo thông báo mời thầu ban đầu, Gói thầu số 1 được mở thầu vào ngày 23/10/2018. Tuy nhiên, do Bên mời thầu sửa đổi hồ sơ mời thầu (HSMT) nên thời điểm đóng thầu được lùi lại đến ngày 30/10/2018. Đến thời điểm đóng thầu, do chỉ có 2 nhà thầu tham dự nên Bên mời thầu quyết định gia hạn thời điểm đóng thầu đến ngày 6/11/2018. Đến thời điểm đóng thầu ngày 6/11/2018, vẫn chỉ hai nhà thầu này tham gia nên Bên mời thầu quyết định mở thầu.
Theo đó, Vimedimex Bình Dương trúng thầu hơn 2.717 tỷ đồng (2.708 tỷ đồng theo KHLCNT đã được phê duyệt và 9,602 tỷ đồng mua tăng số lượng theo yêu cầu phát sinh của cơ sở y tế).
Dược liệu TW2 trúng thầu 3.994 tỷ đồng (3.994 tỷ đồng theo KHLCNT đã được phê duyệt và 262,88 triệu đồng mua tăng số lượng theo yêu cầu phát sinh của cơ sở y tế).
Nếu xét về giá trúng thầu, mặt hàng thuốc có giá trúng thầu cao nhất là Alimta 500mg (hoạt chất Pemetrexed, hãng Eli Lilly & Company của Mỹ sản xuất), do Vimedimex Bình Dương trúng thầu với hơn 24,217 triệu đồng/lọ và số lượng cung cấp 7.210 lọ.
Sốt ruột về kết quả lựa chọn nhà thầu
Ngoài Gói thầu số 1 nêu trên, 3 gói thầu còn lại đã có kết quả lựa chọn nhà thầu (KQLCNT), gồm: Gói thầu số 8 Cung cấp một số thuốc nhóm 3 năm 2019 cho các tỉnh miền Bắc, Gói thầu số 9 Cung cấp một số thuốc nhóm 3 năm 2019 cho các tỉnh miền Trung và khu vực Tây Nguyên và Gói thầu số 10 Cung cấp một số thuốc nhóm 3 năm 2019 cho các tỉnh miền Nam.
Tại 3 gói thầu này, chỉ có 2 nhà thầu trúng thầu là Công ty TNHH Thương mại và Công nghệ Hà Minh và Công ty CP Dược - Trang thiết bị y tế Bình Định. Trong đó, tổng giá trúng thầu tại 3 gói thầu của Công ty TNHH Thương mại và Công nghệ Hà Minh là hơn 13,437 tỷ đồng; của Công ty CP Dược - Trang thiết bị y tế Bình Định là hơn 42,884 tỷ đồng.
Như vậy, tính đến nay, vẫn còn 6 gói thầu thuộc KHLCNT cung cấp thuốc năm 2019 - 2020 được đóng thầu vào ngày 21/11/2018 nhưng chưa được công bố KQLCNT (các gói thầu số 2, 3, 4, 5, 6, 7).
Sốt ruột về KQLCNT, chia sẻ với Báo Đấu thầu, một cán bộ Khoa Dược của Bệnh viện Nhi Trung ương đã bày tỏ băn khoăn là không biết vì sao có sự chậm trễ như vậy. Trong khi đó, gần như các gói thầu mua thuốc đấu thầu tập trung cấp quốc gia được mở thầu cùng thời điểm với các gói thầu do Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia tổ chức LCNT nêu trên, nhưng Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cơ bản đã hoàn tất việc ký kết thỏa thuận khung với các nhà thầu.
Theo tìm hiểu, đây là năm thứ hai Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia tổ chức đấu thầu tập trung thuốc cấp quốc gia. Tuy nhiên, trong quá trình lựa chọn nhà thầu, vào khoảng tháng 12/2018, đơn vị này đã phải xử lý một rắc rối liên quan đến Công ty TNHH Dược phẩm Văn Lang - nhà thầu được lựa chọn trúng thầu cung cấp thuốc Xalvobin 500mg ở cấp quốc gia. Theo đó, Cục An ninh chính trị nội bộ (A03) thuộc Bộ Công an có văn bản đề nghị Bộ Y tế hủy KQLCNT đối với công ty này và có hình thức xử lý vi phạm thỏa đáng. Bởi theo Cục A03, nhà thầu này đã có sai phạm nghiêm trọng, làm giả hồ sơ tài liệu của Cục Quản lý dược thuộc Bộ Y tế để trúng thầu tại Cần Thơ năm 2014.