Một gói thầu thuốc có thể có hàng trăm nhà thầu tham gia, hàng chục nhà thầu trúng thầu. Ảnh: Lê Tiên |
“Nét riêng” của gói thầu thuốc
Thông tin trong thông báo kết quả lựa chọn nhà thầu, Gói thầu cung ứng thuốc các đơn vị trực thuộc Sở Y tế năm 2016 của Sở Y tế Ninh Thuận cho thấy, Gói thầu số 1 - Thuốc theo tên Generic có giá là 340.036.684.060 đồng, nhưng giá trúng thầu chỉ là 250.456.255.290 đồng.
Tương tự, bên mời thầu là Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Nam cho biết, Gói thầu số 01 - Thuốc theo tên Generic thuộc Dự án Cung ứng thuốc, hóa chất, vật tư y tế cho các cơ sở y tế công lập năm 2016, có giá gói thầu là 229.682.617.751 đồng, nhưng giá trúng thầu chỉ là 183.061.576.489 đồng.
Có sự chênh lệch lớn giữa giá trúng thầu so với giá gói thầu tại một số gói thầu, theo Dược sĩ Lê Thị Thương, một chuyên gia về đấu thầu thuốc, là do trong một gói thầu thuốc thường có rất nhiều mặt hàng chào thầu. Tại những bệnh viện lớn, do nhu cầu thuốc phục vụ việc chữa bệnh cao, một gói thầu thuốc có thể lên tới hàng nghìn mặt hàng, nếu là gói thầu nhỏ cũng khoảng vài trăm mặt hàng.
Do có rất nhiều mặt hàng như vậy, không phải lúc nào bên mời thầu cũng có thể lựa chọn đủ các nhà thầu trúng thầu. Từ đó, tạo ra sự chênh lệch lớn ở giá gói thầu và giá trúng thầu. Đặc biệt, đối với các gói thầu thuốc generic, do đây không phải là thuốc phát minh nên giá thành thường không cao bằng các loại thuốc khác.
Cho biết thêm về quy trình xây dựng giá cho gói thầu thuốc khi đấu thầu, bà Thương phân tích, các bệnh viện thường căn cứ vào một số tiêu chí chính, như giá trúng thầu thuốc của năm ngoái mà đơn vị đã thực hiện, giá kê khai thuốc được đăng tải trên trang web của Cục Quản lý dược, Bộ Y tế. Nếu cơ quan này không có loại thuốc đơn vị cần mời thầu năm nay thì phải dựa vào 3 báo giá cạnh tranh của 3 công ty thuốc.
Ngoài ra, cũng có thể căn cứ vào giá thuốc của các bệnh viện ngang cấp, ví dụ như bệnh viện thuộc tuyến trung ương thì có thể căn cứ vào giá thuốc của các bệnh viện khác cùng tuyến…
Như vậy, với những tiêu chí khắt khe nêu trên, nếu một gói thầu có đủ nhà thầu trúng thầu cung cấp các mặt hàng, thì tỷ lệ chênh lệnh giữa giá gói thầu và giá trúng thầu cũng không thể quá cao.
Một gói thầu có hàng ngàn mặt hàng
Khác với nhiều gói thầu thiết bị y tế là thường chỉ có ít nhà thầu tham gia đấu thầu và chỉ có một nhà thầu trúng thầu, ở các gói thầu thuốc, do có nhiều mặt hàng nên có thể có đến vài trăm nhà thầu cùng tham gia đấu thầu ở một hoặc nhiều mặt hàng.
Đối với gói thầu nêu trên của Sở Y tế Ninh Thuận, Sở này cho biết, có tổng cộng 1189 mặt hàng mời thầu, 70 nhà thầu tham gia dự thầu. Nhưng, chỉ có 886 mặt hàng lựa chọn được 65 nhà thầu trúng thầu. Trong đó, Nhà thầu Công ty THHH Dược phẩm Phan Rang có số lượng mặt hàng trúng thầu là 149/380 mặt hàng dự thầu, tổng số tiền trúng thầu là hơn 78 tỷ đồng; nhà thầu Công ty CP Gon Sa có số lượng mặt hàng trúng thầu là 33/55 mặt hàng dự thầu, tổng số tiền trúng thầu hơn 13 tỷ đồng…
Lý do chính khiến một số gói thầu không chọn đủ nhà thầu trúng thầu, được một chuyên viên của Viện Mắt Trung ương cho biết, là có trường hợp không có đủ nhà thầu tham gia đấu thầu các mặt hàng; nhà thầu không đáp ứng đủ số lượng cung ứng; nhà thầu không có thuốc cung cấp theo danh mục; chủ đầu tư không thỏa thuận được giá với nhà thầu... Do đó, việc chọn đủ nhà thầu trúng thầu tại một gói thầu thuốc cũng không đơn giản và số lượng nhà thầu trượt thầu tại các gói thầu này cũng không ít.