Đấu thầu tại Công ty CP Nhiệt điện Hải Phòng: Hợp đồng tương tự giới hạn nhà thầu?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Gói thầu Nâng cấp hệ thống quan trắc tự động, liên tục môi trường khí thải, nước thải và lắp mới hệ thống giám sát nước thô Nhà máy Nhiệt điện Hải Phòng vừa bước vào giai đoạn đánh giá kỹ thuật. Trước đó, quá trình mời thầu kéo dài tới gần 4 tháng do nhà thầu có đơn kiến nghị, chủ yếu xoay quanh yêu cầu về hợp đồng tương tự được quy định tại hồ sơ mời thầu (HSMT).
Gói thầu Nâng cấp hệ thống quan trắc tự động, liên tục môi trường khí thải, nước thải và lắp mới hệ thống giám sát nước thô Nhà máy Nhiệt điện Hải Phòng vừa bước vào giai đoạn đánh giá kỹ thuật. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Gói thầu Nâng cấp hệ thống quan trắc tự động, liên tục môi trường khí thải, nước thải và lắp mới hệ thống giám sát nước thô Nhà máy Nhiệt điện Hải Phòng vừa bước vào giai đoạn đánh giá kỹ thuật. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Gói thầu có giá dự toán 18,457 tỷ đồng, được đấu thầu rộng rãi, qua mạng, phát hành HSMT từ ngày 26/8 - 15/12/2021, thời gian thực hiện hợp đồng 150 ngày, do Công ty CP Nhiệt điện Hải Phòng làm chủ đầu tư, trực tiếp mời thầu.

Lần lượt trong ngày 6 và 13/9, 2 nhà thầu gồm Công ty CP Đầu tư dịch vụ Truyền thông số Việt Nam và Công ty CP Lý Gia Đại Việt có văn bản đề nghị Chủ đầu tư làm rõ, điều chỉnh hàng loạt tiêu chí tại HSMT.

Theo đó, HSMT yêu cầu hợp đồng tương tự là “hợp đồng cung cấp, lắp đặt thiết bị cho hệ thống quan trắc nước thải tự động (WWMS) và cung cấp, lắp đặt thiết bị cho hệ thống quan trắc khí thải tự động (CEMS) cho các nhà máy nhiệt điện”. Theo các nhà thầu, xét về tính chất, hiện nay, tất cả các nhà máy, khu công nghiệp, để có đủ điều kiện hoạt động theo quy định pháp luật, đều phải lắp đặt hệ thống quan trắc tự động, liên tục. Theo đó, công nghệ và quy mô của hệ thống quan trắc nước thải, khí thải trong nhà máy nhiệt điện hoàn toàn tương tự các nhà máy công nghiệp khác như xi măng, dầu khí, phân đạm, hóa chất, thép... Thậm chí, hệ thống quan trắc trong nhà máy nhiệt điện có quy mô và tính chất đơn giản hơn. Như vậy, việc HSMT giới hạn hợp đồng tương tự được thực hiện tại các nhà máy nhiệt điện là chưa bao hàm hết phạm vi tương tự của Gói thầu, không bảo đảm tính cạnh tranh trong đấu thầu.

Thêm vào đó, các nhà thầu cho rằng, kỹ thuật quan trắc môi trường và quản lý thông tin, dữ liệu quan trắc môi trường đang được áp dụng theo quy định tại Thông tư số 10/2021/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường thay thế Thông tư số 24/2017/TT-BTNMT. Do đó, việc HSMT xây dựng hàng loạt tiêu chuẩn đánh giá theo quy định tại Thông tư số 24/2017/TT-BTNMT là không phù hợp với quy định pháp luật hiện hành.

Hơn 2 tháng kể từ thời điểm các nhà thầu có yêu cầu làm rõ HSMT, ngày 24/11, Chủ đầu tư có công văn phúc đáp. Theo đó, cập nhật, sửa đổi nhiều tiêu chí chưa phù hợp với các quy định chuyên ngành đã hết hiệu lực tại HSMT. Đối với các nội dung phản ánh về hợp đồng tương tự, Chủ đầu tư lý giải rằng, dựa trên tính chất đặc thù về vận hành, vị trí lắp đặt, quy mô, đặc tính kỹ thuật đặc thù của nhà máy nhiệt điện, do đó đặt ra yêu cầu chọn nhà thầu có năng lực thực hiện các công trình tương tự cho riêng nhà máy nhiệt điện.

Trao đổi với Báo Đấu thầu, ông Phan Xuân Dương, chuyên gia trong lĩnh vực năng lượng cho biết, các thông số quan trắc sẽ không tương đồng một cách hoàn toàn giữa các ngành công nghiệp khác nhau. Đơn cử, tại nhà máy nhiệt điện, đối tượng cần quan trắc là khí thải, nước thải như Cox, Nox, NO2, Clo, bụi... Tại nhà máy lọc dầu, thông số quan trắc là O2, CO, SO2, NOx... Tuy nhiên, trường hợp nhà thầu chứng minh được hợp đồng tương tự đã thực hiện tại các nhà máy thuộc ngành công nghiệp khác nhưng có chi tiết thông số quan trắc tương tự gói thầu đang xét, thì vẫn được xem là đáp ứng yêu cầu.

Hiện tại, Gói thầu đang bước vào giai đoạn đánh giá hồ sơ dự thầu của 4 nhà thầu, gồm: Công ty TNHH Máy và Thiết bị công nghiệp hóa chất môi trường MECIE (giá dự thầu 17,668 tỷ đồng); Công ty CP Kỹ thuật Môi trường Việt An (giá dự thầu 17,819 tỷ đồng); Công ty CP Kinh doanh thương mại và Sản xuất SEIKI (giá dự thầu 18,313 tỷ đồng); Công ty CP Dịch vụ kỹ thuật Phateco (giá dự thầu 18,456 tỷ đồng).

Chuyên đề