Muôn mặt yêu cầu về hợp đồng tương tự

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Hợp đồng tương tự (HĐTT) là một trong những tiêu chí then chốt nhằm xác định năng lực, kinh nghiệm của nhà thầu. Nếu điều kiện tương tự về quy mô có thể được xác định cụ thể, ít gây tranh cãi, thì điều kiện tương tự về tính chất lại đa dạng hơn trong cả cách hiểu và áp dụng. Đây cũng chính là căn nguyên phát sinh nhiều biến tướng trong yêu cầu về HĐTT, làm giảm hiệu quả cạnh tranh tại không ít cuộc thầu.
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Phản ánh với Báo Đấu thầu, một nhà thầu tại tỉnh Quảng Bình cho biết, hồ sơ mời thầu (HSMT) của Gói thầu Xây lắp thuộc Dự án Ngầm tràn thôn 3 Thanh Long, xã Quy Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình, HSMT xuất hiện yêu cầu đánh giá độc, lạ đối với HĐTT mà nhà thầu chưa từng gặp trước đó. Cụ thể, bên cạnh các điều kiện về quy mô, cấp công trình (cấp IV), loại công trình (nông nghiệp và phát triển nông thôn), HSMT “cài” thêm điều kiện về tiến độ thực hiện. Theo đó, đây phải là hợp đồng có thời gian thực hiện không quá 15 tháng, kể từ ngày trao hợp đồng đến ngày nghiệm thu, bàn giao công trình. Theo Nhà thầu, đây là tiêu chí không được pháp luật về đấu thầu quy định bắt buộc khi đánh giá năng lực, kinh nghiệm của nhà thầu. Với các điều kiện đã đưa ra, Chủ đầu tư hoàn toàn có thể chọn được nhà thầu phù hợp, mà không làm giảm đi tính cạnh tranh.

Tại Gói thầu Tư vấn giám sát thi công thuộc Dự án Nâng cấp, mở rộng các trường mầm non trên địa bàn huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh (giai đoạn 2021 - 2025), HSMT quy định HĐTT là hợp đồng thỏa mãn điều kiện đã thực hiện công việc giám sát công trình có 2 hạng mục (trong đó: hạng mục cải tạo khối phòng học gồm 1 tầng trệt, 1 tầng lầu; hạng mục xây dựng khối phòng học gồm 1 tầng trệt, 1 tầng lầu).

Tương tự, tại Gói thầu Xây lắp thuộc Dự án Trường Tiểu học thị trấn Đăk Glei, huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum, HSMT quy định “HĐTT là hợp đồng thi công công trình dân dụng từ cấp III trở lên; loại công trình giáo dục, gồm các hạng mục: nhà học 9 phòng; sân đường nội bộ; hệ thống cấp điện, cấp nước…”.

Điểm chung dễ nhận thấy tại 2 gói thầu này, đó là HSMT nêu yêu cầu về HĐTT quá chi tiết, gây phản ứng từ các nhà thầu. Theo lý giải của nhà thầu, về bản chất, đây đều là công trình dân dụng cơ bản, không bao hàm tiêu chuẩn, quy chuẩn đặc thù, do đó, việc quy định đóng khung chi tiết hạng mục như trên rất dễ dẫn đến cục diện chỉ một nhà thầu đáp ứng điều kiện.

Nhắc đến các biến tướng trong yêu cầu về HĐTT, không thể không kể đến các điều kiện mang tính địa phương, khi đây là một trong những tiêu chí thường xuyên bị nhà thầu phản ứng. Theo đó, các yêu cầu như HĐTT đã được triển khai tại một địa bàn, vùng miền, khu vực giới hạn nào đó là những tiêu chí có thể tạo lợi thế cho nhà thầu đã thực hiện gói thầu tại địa bàn đó.

Bên cạnh đó, các yêu cầu đối với HĐTT như: phải là công trình sử dụng vốn ngân sách nhà nước; hợp đồng được ký kết thông qua hình thức đấu thầu rộng rãi… cũng không hiếm gặp tại các HSMT.

Chia sẻ với Báo Đấu thầu, nhiều nhà thầu chung quan điểm, mặc dù tiêu chí đánh giá về HĐTT đã được cụ thể hóa bằng những quy định chi tiết tại các thông tư hướng dẫn lập HSMT do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành, nhưng thực tế áp dụng cho thấy, nhiều chủ đầu tư, bên mời thầu lại quy định HĐTT theo những cách khác nhau, một mặt xuất phát từ cách hiểu, mặt khác, không loại trừ mục đích “đo ni” cho nhà thầu đã được định hướng.

Trong khi đó, một chuyên gia đấu thầu cho rằng, trên cơ sở các quy định pháp luật, chủ đầu tư/bên mời thầu nên xây dựng yêu cầu về HĐTT phù hợp với yêu cầu thực tế của gói thầu, nhằm tạo điều kiện thu hút tối đa số lượng nhà thầu tham dự tại mỗi cuộc thầu.

Chuyên đề