14% cổ phần Vissan đã thuộc về ANCO sau cuộc đua đầy kịch tính |
Phiên đấu giá kết thúc với chiến thắng thuộc về ANCO khiến cho việc công ty này và Proconco “tìm hiểu về thủ tục rút đơn đăng ký đấu giá và hoàn trả tiền đặt cọc” trước đó giống như đánh trận giả khiến đối thủ “chủ quan”.
Kết quả bất ngờ
Kết quả tương đối bất ngờ khi CJ Cheiljedang - đối tác chi đậm 337 tỷ đồng với mức giá cao nhất trong phiên IPO Vissan - đã thất bại trước ANCO, một trong những công ty con của Masan. Cũng nhắc lại sơ bộ kết quả IPO ngày 7/3: 11,33 triệu cổ phiếu Vissan đã được chào bán thành công với mức giá bình quân trên 80.000 đồng/CP, gấp 4,5 lần giá khởi điểm. Chưa rõ Proconco và ANCO đã trả mức giá bao nhiêu, nhưng do không trúng giá, có thể kết luận mức giá 2 tổ chức này đưa ra thấp hơn 67.000 đồng/CP.
Được biết, 3 ứng viên trực tiếp trong cuộc đua làm cổ đông chiến lược của Vissan là Proconco, ANCO và CJ. Mức giá 3 tổ chức này đưa ra lần lượt là 125.000 đồng, 126.000 đồng và 120.600 đồng/CP. Như vậy, mức giá CJ đưa ra thấp hơn ANCO là 5.400 đồng/CP, nghĩa là ít hơn 61 tỷ đồng cho cả lô cổ phiếu. Trong mối tương quan với số tiền CJ đã bỏ ra để nắm giữ 3,3 triệu cổ phần Vissan trong phiên IPO, 61 tỷ đồng nói trên chỉ tương đương 18%.
Diễn biến “như phim” trước cuộc đua
Cuộc đua làm cổ đông chiến lược sở hữu 14% CP Vissan tương đối thú vị khi có tới 3 ứng viên nhưng thực chất chỉ có 2 đối thủ - khi Proconco và ANCO đều là công ty con của Masan. CJ là 1 tập đoàn đến từ Hàn Quốc.
Sau 3 ngày Ban Chỉ đạo cổ phần hóa Vissan đưa ra danh sách 3 tổ chức, Proconco đã chính thức có văn bản gửi tới UBND TP.HCM và Ban Chỉ đạo cổ phần hóa với nội dung “tố” CJ không đủ điều kiện làm nhà đầu tư chiến lược của Vissan theo quy định. Lý do phía Masan đưa ra là chỉ tiêu Nợ/Vốn chủ sở hữu cao hơn con số 1,5 lần (tiêu chuẩn). Mặc dù sau đó, đại diện Vissan đã cho biết CJ đủ điều kiện, căn cứ vào hồ sơ pháp lý và báo cáo kiểm toán mà Vissan có được. Tất nhiên, khó khẳng định thông tin phía Masan đưa ra có thực sự chính xác hay không, khi CJ là một tập đoàn hùng mạnh từ Hàn Quốc, chắc hẳn không thiếu những chuyên gia tài chính tư vấn cẩn trọng cho thương vụ này.
Thông tin “tố” CJ nhằm loại tổ chức này ra khỏi cuộc chơi cuối cùng không nhận được sự chấp thuận của các cơ quan chức năng.
Sau thông tin “tìm hiểu về thủ tục rút đơn đăng ký đấu giá và hoàn trả tiền đặt cọc” được đưa ra, bất ngờ không kém là cả 2 tổ chức này vẫn tiếp tục tham gia buổi đấu giá, và 1 trong 2 thắng cuộc, như thông tin đã đưa. Văn bản của Proconco và ANCO vì vậy giống như một hành động “hờn dỗi” hơn là kế hoạch rút lui thực sự.
CJ, với mong muốn thực sự về việc phát triển chuỗi chăn nuôi gia súc, gia cầm tại Việt Nam, đã thể hiện thiện chí khi đưa ra mức giá không hề thấp trong phiên IPO và cả phiên đấu giá làm cổ đông chiến lược. Thất bại trong việc trở thành cổ đông chiến lược của Vissan, hiện tổ chức này vẫn tiếp tục im lặng trước câu hỏi sẽ làm gì với số lượng CP đã nắm giữ của Vissan, cũng như kế hoạch tiếp theo trong việc chinh phục thị trường Việt Nam giàu tiềm năng.