Anco và Proconco bất ngờ muốn rút tiền cọc đấu giá Vissan ​

Ngay trước thềm đầu giá lựa chọn nhà đầu tư chiến lược của Công ty TNHH MTV Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan) diễn ra vào 24/3, hai đối tác là Anco và Proconco đã đồng loạt gửi thư muốn xin rút đơn đăng ký đấu giá và tiền cọc.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Không được thuyết phục và không được tôn trọng

Cụ thể, thư gửi Ban chỉ đạo cổ phần hoá Vissan ngày 23/3 của CTCP Dinh dưỡng Nông nghiệp Quốc tế (Anco) cho biết, doanh nghiệp này “cảm thấy không được thuyết phục” trong cách thức mà Ban chỉ đạo cổ phần hoá Vissan đánh giá và lựa chọn Nhà đầu tư chiến lược.

Do đó, Anco gửi thư lên Ban chỉ đạo Cổ phần hoá để tìm hiểu về thủ tục rút đơn đăng ký đấu giá và hoàn trả tiền đặt cọc cho buổi đấu giá lựa chọn nhà đầu tư chiến lược mua cổ phần của Vissan.

Cùng với đó, CTCP Việt – Pháp Sản xuất thức ăn gia súc (Proconco) cũng gửi thư ngay sau khi tham dự buổi họp sáng nay (23/3) và bày tỏ “sự thất vọng về cách Ban chỉ đạo cổ phần hoá đối xử với một nhà đầu tư chiến lược tiềm năng như trong buổi họp sáng nay tại văn phòng Vissan”.

Theo đơn thư của Proconco, trong buổi họp này, Ban chỉ đạo cổ phần hoá chỉ cho phép một mình Tổng giám đốc Proconco phải tham dự buổi họp với hàng chục người khác mà không được giới thiệu bất cứ thông tin gì về những người dự họp và yêu cầu các thành viên khác của Proconco phải rời phòng họp ngay lập tức.

Hơn nữa, Proconco còn cho biết sau buổi họp chính thức theo thư mời, ban tổ chức họp không lập bất cứ biên bản nào, không có cơ chế cho người được mời họp phát biểu ý kiến hay sau đó thông báo chính thức về nội dung cuộc họp cho người được mời họp.

Những lý do trên khiến Proconco “cảm thấy không được tôn trọng và không thoả mãn về kết quả trả lời và nội dung họp của Ban chỉ đạo đối với thắc mắc của nhà đầu tư” nên Proconco có thể hoài nghi về tính minh bạch trong quá trình lựa chọn nhà đầu tư chiến lược của Vissan.

Cùng nguyện vọng với Anco, Proconco muốn tìm hiểu về thủ tục rút đơn đăng ký đấu giá và hoàn trả tiền đặt cọc.

“Lo ngại khi thương hiệu Vissan có thể gắn liền với thương hiệu CJ CheilJedang”

Cùng với đơn thư này, Proconco cũng gửi đi một kiến nghị tiếp theo về việc CJ CheilJedang không thoả mãn tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư chiến lược mua cổ phần Vissan.

Buổi họp diễn ra hôm nay cho biết ngày 18/3, tức là sau 1 ngày khi Proconco gửi văn bản thì CJ đã có thư phản hồi cho rằng Proconco đã dùng những thông tin sai lệch nhằm gây tổn hại đến hình ảnh của CJ CheilJedang và gây nhiễu thị trường bằng những thông tin không có căn cứ. “Đồng thời sau đó không hiểu bằng cách nào mà ông Tổng lãnh sự Hàn Quốc tại TP.HCM có thể thay mặt Chính phủ Hàn Quốc yêu cầu Thành uỷ, Thường trực Uỷ bản Nhân dân TP.HCM có những chỉ đạo nghiêm khắc, phù hợp, kịp thời ngăn chặn những sự việc đáng tiếc như trên”, văn bản kiến nghị của Proconco nêu rõ.

Bằng văn bản này, Proconco tiếp tục khẳng định các nội dung và số liệu đã đưa ra ngày 17/3 hoàn toàn dựa trên những nguồn tin công khai, Proconco không dùng những thông tin sai lệch như CJ phản hồi. Công ty này cũng khẳng định: “Bất cứ phát ngôn chính thức nào cho rằng Proconco đã bịa đặt hoặc cung cấp thông tin sai lệch sẽ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật”.

Proconco cho biết, bên cạnh các công ty con ở nhiều quốc gia, CJ CheilJedang cũng có hàng loạt công ty con hoạt động trong lĩnh vực Feed – Farm – Food như công ty tự giới thiệu, như vậy CJ đã thể hiện tính bất nhất khi giới thiệu về năng lực và quy mô kinh doanh ở quy mô tập đoàn bao gồm các công ty con, nhưng khi cung cấp thông tin về năng lực tài chính thì chỉ sử dụng báo cáo tài chính riêng lẻ.

Proconco khẳng định công ty có thể nghi ngờ việc CJ chỉ cung cấp cho Ban chỉ đạo cổ phần hoá các thông tin tài chính trong Báo cáo riêng lẻ thay vì báo cáo hợp nhất.

Ngoài ra, công ty này còn “muốn bày tỏ sự quan ngại sâu sắc khi thương hiệu Vissan có thể gắn liền với thương hiệu CJ CheilJedang” bởi doanh nghiệp này liên tục trong nhiều năm gần đây bị các cơ quan quản lý cạnh tranh và toà án Hàn Quốc phạt với các án phạt hàng triệu, hàng tỷ Won liên quan đến các hành vi lạm dụng hoặc thao túng cạnh tranh.

Trước đó, thương vụ lựa chọn nhà đầu tư chiến lược cho Vissan thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư lớn. Trong đó, có rất nhiều đối tác muốn trở thành nhà đầu tư chiến lược của Vissan như Proconco, Anco, tập đoàn CJ của Hàn Quốc. Proconco và Anco đều thuộc CTCP Tập đoàn Masan (MSN).

Ngày 17/3, Proconco đã có đơn kiến nghị về việc CJ không đủ điều kiện để trở thành nhà đầu tư chiến lược của Vissan do không đáp ứng được các tiêu chí về năng lực tài chính.

Chuyên đề