Đấu giá tài sản: Ngăn “bỏ cọc” bằng giải pháp “trao quyền”

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Thời gian qua, hoạt động đấu giá tài sản liên tiếp ghi nhận tình trạng người tham gia đấu giá trả giá cao bất thường rồi không nộp tiền trúng đấu giá, ảnh hưởng đến hiệu quả của hoạt động này. Luật sư, Đấu giá viên Quản Văn Minh, Chủ tịch Hội Đấu giá viên TP. Hà Nội kỳ vọng, tình trạng này sẽ giảm bớt khi Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản bổ sung thẩm quyền của người có tài sản đấu giá.
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản bổ sung thẩm quyền của người có tài sản trong việc xét duyệt điều kiện của người tham gia đấu giá. Ảnh minh họa: Lê Tiên
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản bổ sung thẩm quyền của người có tài sản trong việc xét duyệt điều kiện của người tham gia đấu giá. Ảnh minh họa: Lê Tiên

Thưa ông, hiện nay có những chế tài nào cho việc trúng đấu giá nhưng không nộp tiền?

Về mặt pháp luật, Luật Đấu giá tài sản đã có nhiều chế tài ràng buộc trách nhiệm của người tham gia đấu giá, người trúng đấu giá như: không được nhận lại khoản tiền đặt trước trong trường hợp không nộp tiền trúng đấu giá; bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự kèm theo hủy kết quả đấu giá nếu có hành vi nâng giá, dìm giá… Nghị định số 39/2023/NĐ-CP về thí điểm đấu giá biển số xe ô tô quy định, số tiền đặt trước, số tiền trúng đấu giá mà người trúng đấu giá đã nộp không được hoàn trả lại và được nộp vào ngân sách nhà nước trong trường hợp người trúng đấu giá không nộp đủ tiền trúng đấu giá trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày có văn bản phê duyệt kết quả đấu giá; biển số xe ô tô trúng đấu giá được đưa ra đấu giá lại. Nghị định số 22/2012/NĐ-CP ngày 26/3/2012 về đấu giá quyền khai thác khoáng sản quy định, tổ chức, cá nhân trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản mà từ chối không nhận kết quả trúng đấu giá thì không được tham gia bất kỳ phiên đấu giá nào trong thời hạn 1 năm kể từ ngày kết thúc phiên đấu giá đó...

Ông Quản Văn Minh

Ông Quản Văn Minh

Có ý kiến cho rằng, đang tồn tại “lỗ hổng” pháp lý trong hoạt động đấu giá tài sản và đề nghị bổ sung quy định cấm tham gia đấu giá đối với trường hợp người trúng đấu giá không nộp tiền trúng đấu giá; sửa đổi, bổ sung quy định về điều kiện của người tham gia đấu giá đảm bảo chặt chẽ, nhất là trường hợp đấu giá để lựa chọn nhà đầu tư dự án sử dụng đất. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Cần nhận thức rằng, Luật Đấu giá tài sản chỉ quy định mang tính nguyên tắc về những loại tài sản bắt buộc phải bán thông qua đấu giá (Điều 4). Đối với loại tài sản cụ thể phải bán thông qua đấu giá, điều kiện đối với tài sản bán đấu giá, điều kiện đối với người mua tài sản (người sở hữu, khai thác, sử dụng tài sản đấu giá) đã được pháp luật chuyên ngành trong từng lĩnh vực quy định cụ thể.

Ví dụ, pháp luật về tần số quy định các loại băng tần, kênh tần số được đấu giá, các tổ chức có đủ điều kiện cấp phép thiết lập mạng viễn thông nào được tham gia đấu giá... Đối với quyền sử dụng đất, Điều 58 Luật Đất đai và Điều 14 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai, Nghị định số 10/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai đã quy định cụ thể các điều kiện đối với người được giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư.

Trên thực tế, Luật Đấu giá tài sản đã quy định các trường hợp không được tham gia đấu giá để đảm bảo tính khách quan, minh bạch, tránh tình trạng thông đồng, dìm giá; quy định ràng buộc trách nhiệm, chế tài đối với người tham gia đấu giá như truất quyền tham gia đấu giá và không được nhận lại khoản tiền đặt trước nếu có hành vi vi phạm; bị xử phạt vi phạm hành chính kèm theo hủy kết quả đấu giá nếu có hành vi thông đồng, dìm giá, làm sai lệch kết quả đấu giá; không được nhận lại khoản tiền đặt trước trong trường hợp không nộp tiền trúng đấu giá...

Tuy nhiên, cần tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp lý để hạn chế những tồn tại trong công tác đấu giá. Trong Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản, tôi thấy Bộ Tư pháp đã tiếp thu nhiều ý kiến, rà soát các quy định liên quan đến điều kiện của người tham gia đấu giá, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất với các quy định về các điều kiện riêng, đặc thù về người tham gia đấu giá của các luật chuyên ngành.

Chính phủ đã trình Quốc hội Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản, trong đó bổ sung thẩm quyền của người có tài sản trong việc xét duyệt yêu cầu, điều kiện của người tham gia đấu giá, nhất là điều kiện về năng lực tài chính; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, nâng cao vai trò, trách nhiệm của người tham gia đấu giá, người có tài sản, cơ quan, tổ chức có liên quan trong hoạt động đấu giá tài sản… Từ đó kỳ vọng sẽ ngày càng hạn chế tiêu cực trong hoạt động đấu giá tài sản.

Đã có không ít cuộc đấu giá quyền khai thác khoáng sản nói chung, khai thác cát nói riêng có tình trạng trả giá cao rồi “bỏ cọc”. Trong khi hoạt động đấu giá quyền khai thác khoáng sản có tính đặc thù về chuyên môn, kỹ thuật, liệu có cần quy định cho phép thành lập hội đồng đấu giá tài sản để tổ chức đấu giá đối với quyền khai thác khoáng sản?

Các nội dung mang tính đặc thù của quyền khai thác khoáng sản như chuẩn bị lập hồ sơ mời đấu giá, quy định các yêu cầu, điều kiện đối với tổ chức, cá nhân đủ điều kiện tham gia đấu giá và phê duyệt kết quả trúng đấu giá… thuộc giai đoạn trước và giai đoạn sau đấu giá.

Đối với khâu ban hành hồ sơ, xét duyệt yêu cầu, điều kiện của tổ chức, cá nhân tham gia đấu giá, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản đã quy định, người có tài sản với kiến thức chuyên môn trong lĩnh vực của mình ban hành hồ sơ liên quan đến tài sản đấu giá với các yêu cầu, điều kiện cụ thể của người đăng ký tham gia đấu giá và trực tiếp thực hiện việc xét duyệt, đánh giá các yêu cầu, điều kiện đó. Đối với các vấn đề về trình tự, thủ tục đấu giá như ban hành quy chế cuộc đấu giá, niêm yết, thông báo công khai việc đấu giá, tổ chức, điều hành cuộc đấu giá… không mang tính chuyên môn, kỹ thuật thì do các tổ chức đấu giá tài sản thực hiện nhằm đảm bảo tính độc lập, chuyên nghiệp, công khai, khách quan, minh bạch.

Chuyên đề