Để đảm bảo thị trường bất động sản trong thời gian tới phát triển ổn định, lành mạnh, Bộ Xây dựng kiến nghị sớm hoàn thiện thế chế, pháp luật liên quan đến lĩnh vực bất động sản. Ảnh: Ngô Bảo Tín |
Theo Bộ xây dựng, vừa qua nhiều địa phương thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất đạt kết quả, góp phần bổ sung vào nguồn thu lớn cho địa phương.
Báo cáo đánh giá của các địa phương cũng cho biết, việc tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất được thực hiện công khai, khách quan, trung thực, bình đẳng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia đúng theo quy định của pháp luật.
Kết quả trúng đấu giá với giá bình quân ở nhiều địa phương không quá cao so với giá khởi điểm. Đơn cử như Cần Thơ tối đa cao hơn 53%, Đồng Tháp tối đa cao hơn 24%, Bến Tre bình quân cao hơn 20%, Đắk Nông tối đa cao hơn 50%, Tuyên Quang bình quân cao hơn 34,4%, Phú Yên tối đa cao hơn 17%, Sơn La tối đa cao hơn 85,68%, Lai Châu cao hơn khoảng 20%...
Tuy nhiên, một số trường hợp trúng đấu giá với giá cao hơn gấp nhiều lần so với giá khởi điểm, có trường hợp cao bất thường, thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội, mà trường hợp đấu giá đất tại Thủ Thiêm là một ví dụ điển hình.
Liên quan đến vấn đề này, ngày 21/12/2021 Thủ tướng Chính phủ đã có công điện số 1767 gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Ủy ban nhân dân các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương yêu cầu thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp để tăng cường hiệu quả đối với công tác quản lý đất đai, bất động sản, nhà ở, đảm bảo thị trường phát triển ổn định.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Xây dựng đã có văn bản số 5370 ngày 24/12/2021 gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương yêu cầu tổng hợp báo cáo tình hình đấu giá đất, đánh giá tình hình, nguy cơ xảy ra bong bóng bất động sản,... đồng thời khẩn trương thực hiện các giải pháp để ổn định thị trường.
Để đảm bảo thị trường bất động sản trong thời gian tới phát triển ổn định, lành mạnh, Bộ Xây dựng kiến nghị sớm hoàn thiện thế chế, pháp luật liên quan đến lĩnh vực bất động sản.
Cụ thể, đề nghị trình Quốc hội cho ý kiến 2 Dự án Luật: Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) để tạo khung pháp lý cho hoạt động kinh doanh bất động sản, tăng cường hiệu quả quản lý thị trường bất động sản.
Đồng thời, đề nghị trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) để tạo cơ sở pháp lý đối với hoạt động kinh doanh quyền sử dụng đất.
Các Bộ, ngành khác theo chức năng, nhiệm vụ được giao tiếp tục nghiên cứu trình cơ quan có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các cơ chế, chính sách pháp luật về đầu tư, quy hoạch, xây dựng, đất đai, thuế, tín dụng, kinh doanh bất động sản… để tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển thị trường bất động sản.
Bộ Xây dựng cũng đề nghị các địa phương thực tập trung tháo gỡ pháp lý, thủ tục chuẩn bị đầu tư các dự án bất động sản, dự án nhà ở để tăng nguồn cung, tạo điều kiện phát triển các dự án nhà ở thương mại giá phù hợp cho đối tượng thu nhập trung bình, điều chỉnh cơ cấu thị trường nhà ở, bất động sản cho phù hợp nhu cầu của thị trường.
Mặt khác, tổ chức thực hiện giao đất, lựa chọn chủ đầu tư thực hiện các dự án bất động sản, dự án nhà ở theo quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về nhà ở, pháp luật về đầu tư tạo thúc đẩy phát triển nhà ở, bất động sản trên địa bàn.