Năm 2022, vấn đề sửa đổi chính sách, hoàn thiện pháp luật về đấu giá quyền sử dụng đất được đặt ra bức thiết hơn bao giờ hết |
Đầu năm 2022, vụ việc đấu giá 4 lô đất tại Thủ Thiêm tạo sóng trong dư luận và tốn nhiều giấy mực của báo chí nhất từ trước tới nay. Trong và sau quá trình diễn ra vụ việc, giới chuyên gia, luật sư, dư luận đã phân tích, mổ xẻ nhằm lý giải nguyên nhân giá trúng đấu giá cao bất thường, người trúng đấu giá dễ dàng bỏ cọc mà không có chế tài ràng buộc trách nhiệm… Các ý kiến đều cho rằng, cần phải sửa đổi, bổ sung quy định liên quan tới hoạt động đấu giá tài sản, đặc biệt là đấu giá đất, trong đó tập trung vào các quy định về điều kiện lựa chọn người tham gia đấu giá, xác định giá khởi điểm, tiền đặt cọc, chế tài xử lý đối với nhà đầu tư trúng đấu giá rồi bỏ cọc…
Trong một vụ việc khác, cuộc đấu giá 52 ô đất ở nông thôn tại các xã Dân Quyền, Lam Sơn và Tề Lễ (huyện Tam Nông, Phú Thọ) đã phải dừng vì nghi vấn gian lận. Theo thông tin được công khai, tại phiên đấu giá tổ chức ngày 24/10, trong quá trình công bố giá trúng đấu giá 10 lô đất đầu tiên (hình thức đấu giá là bỏ phiếu gián tiếp), Hội đồng giám sát phát hiện trong một số phiếu trả giá có hai loại mực và hai loại chữ khác nhau. Hội đồng giám sát đã dừng cuộc đấu giá, lập biên bản và yêu cầu công an niêm phong hơn 400 bộ hồ sơ đăng ký để điều tra.
Chia sẻ với báo chí, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng, việc đấu giá đất cao hơn mức bình thường sẽ tạo ra mức giá ảo cho cả thị trường ở khu vực đó. Điều đó sẽ làm bất ổn thị trường và gây thiệt hại cho các nhà đầu tư chân chính. Theo đó, Hội Môi giới bất động sản Việt Nam đề nghị trước mỗi cuộc đấu giá đất phải xem lại năng lực của các nhà đầu tư. Nhà đầu tư phải chứng minh nếu thắng thì nguồn tiền ở đâu. Cùng với đó, cần có chế tài nghiêm minh cho trường hợp bỏ cọc.
PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh nhận định, việc trả giá cao bất thường chính là phá giá, làm lũng đoạn thị trường. Cần phải có cơ chế để hạn chế khả năng bị làm giá và đánh giá năng lực nhà đầu tư khi tham gia hoạt động này.
Những bất cập từ thực tiễn thúc đẩy Bộ Tài nguyên và Môi trường tiến hành xây dựng Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai. Trong văn bản dự thảo gửi đi lấy ý kiến công chúng, Bộ đã bổ sung Điều 17a Đấu giá quyền sử dụng đất khi Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất, quy định điều kiện, trách nhiệm, quyền và nghĩa vụ của người tham gia ĐGQSDĐ .
Tại Dự thảo mới nhất đang được Bộ Tư pháp thẩm định có nội dung yêu cầu tổ chức tham gia ĐGQSDĐ phải thuộc đối tượng được Nhà nước giao đất, cho thuê đất theo quy định tại Điều 55 và Điều 56 của Luật Đất đai. Các tổ chức này không được liên doanh, liên kết để tham gia đấu giá. Bên cạnh đó, tổ chức tham gia đấu giá không vi phạm quy định của pháp luật về đất đai đối với trường hợp đang sử dụng đất do Nhà nước giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư khác; phải nộp tiền đặt trước bằng 20% tổng giá trị thửa đất, khu đất tính theo giá khởi điểm để đấu giá…
Ngoài ra, người trúng đấu giá phải nộp tiền đặt cọc bằng 20% giá trị của thửa đất tính theo giá trúng đấu giá ngay tại phiên đấu giá và trước khi lập biên bản đấu giá. Khoản tiền đặt trước được khấu trừ vào tiền đặt cọc. Người trúng đấu giá bị hủy kết quả trúng đấu giá quy định tại Điểm d Khoản 5 Điều 68 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP thì không được nhận lại tiền đặt cọc và không được tham gia ĐGQSDĐ trong thời gian 3 năm kể từ ngày bị hủy kết quả trúng đấu giá.