Đấu giá đất tại Kon Tum: Có dấu hiệu trốn thuế khi chuyển nhượng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tại hầu hết các dự án đấu giá quyền sử dụng đất (QSDĐ) trên địa bàn tỉnh Kon Tum có hiện tượng một số người trúng đấu giá từ hàng chục đến hàng trăm lô đất và chờ thời cơ bán kiếm lời. Đất trúng đấu giá để hoang hóa, mất mỹ quan, hạ tầng cơ sở xuống cấp, lãng phí nguồn tài nguyên đất. Các lô đất trên khi chuyển nhượng với giá thấp hơn giá trúng đấu giá, có dấu hiệu trốn thuế.
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Đó là những tồn tại trong công tác giao đất thông qua đấu giá vừa được Thanh tra Chính phủ (TTCP) nêu ra tại Kết luận thanh tra về thực hiện pháp luật quản lý, sử dụng đất đai và quản lý, đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh Kon Tum giai đoạn 2016 - 2019.

Nhiều sai phạm, tồn tại trong đấu giá

TTCP cho biết, hoạt động đấu giá đất tại các dự án như: Dự án đầu tư hạ tầng khai thác quỹ đất phường Ngô Mây; Khu sân bay, Khu Tây Bắc Duy Tân, Khu đất nhỏ, lẻ TP. Kon Tum; Dự án đường Nguyễn Sinh Sắc, TDP6, Dự án khai thác quỹ đất phát triển hạ tầng TDP 7 (huyện Đắk Hà); Dự án Trung tâm thương mại và Dự án điểm dân cư thôn 1 (huyện Sa Thầy); Dự án Khu đất thôn 6, thị trấn Plei Kần; và việc đấu giá trên địa bàn huyện Kon Plông còn để xảy ra các vi phạm. Cụ thể là, tổ chức đấu giá đất khi chưa hoàn thành GPMB, chưa đầu tư cơ sở hạ tầng; đấu giá đất không phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; chậm nộp tiền trúng đấu giá nhưng không hủy kết quả đấu giá…

Riêng tại Dự án Khu đô thị phía Nam cầu Đăk Bla do Trung tâm Phát triển quỹ đất Tỉnh tổ chức đấu giá có nhiều sai phạm, tồn tại. Đơn cử, UBND Tỉnh không tập trung nguồn lực, không phân kỳ đầu tư, chia giai đoạn đầu tư cơ sở hạ tầng cho từng khu vực để tổ chức đấu giá QSDĐ cho phù hợp với thực tế đã dẫn đến thời gian kéo dài, làm hạn chế hiệu quả đầu tư. Việc cho phép triển khai đấu giá đất ồ ạt, dàn trải toàn bộ dự án khi chưa đầu tư cơ sở hạ tầng, dẫn đến nhiều cuộc đấu giá có số lượng người tham gia rất ít, hiệu quả thấp, tỷ lệ tăng sau đấu giá bình quân đạt 3,42%.

Ngoài ra, hội đồng đấu giá được thành lập không đúng quy định; hình thức đấu giá trong phương án và quy chế đấu giá không thống nhất, sử dụng chứng thư thẩm định giá hết thời hạn… có nguy cơ làm thất thu ngân sách với số tiền lớn do giá khởi điểm thấp, không sát giá thị trường, tạo điều kiện cho việc đầu cơ đất đai của một số cá nhân tổ chức. Việc cho phép nộp tiền sử dụng đất sau đấu giá thành nhiều đợt, giãn tiến độ nộp tiền sử dụng đất là không đúng quy định. Thực tế, có 379 hồ sơ đấu giá QSDĐ cho phép nộp tiền nhiều lần (8 đợt, 4 đợt, 3 đợt) tạo cơ hội để người trúng đấu giá chậm nộp tiền, không phát huy được hiệu quả kinh tế của đấu giá đất.

Khi xem xét điểm 45/379 hồ sơ nêu trên, cá biệt có một số trường hợp trong các đợt nộp tiền chậm nộp từ 1 - 3 năm tập trung tại hồ sơ đấu giá của các doanh nghiệp (như: Công ty TNHH Tuấn Dũng, Công ty CP Trường Long, Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Tiến Dung…) đủ điều kiện hủy kết quả đấu giá và thu hồi tiền đặt cọc nhưng Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Kon Tum không tham mưu xử lý theo quy định.

Có dấu hiệu trốn thuế khi chuyển nhượng

Theo TTCP, tại hầu hết các dự án đấu giá QSDĐ trên địa bàn tỉnh Kon Tum có hiện tượng một số người trúng đấu giá từ hàng chục đến hàng trăm lô đất và chờ thời cơ bán kiếm lời, đất trúng đấu giá để hoang hóa, mất mỹ quan, hạ tầng cơ sở xuống cấp, lãng phí nguồn tài nguyên đất.

TTCP dẫn ra điển hình là 464 lô tập trung tại 10 dự án, khu đất: Dự án Khu đô thị phía Nam cầu Đăk Bla, TP. Kon Tum có 63 lô; Dự án Khu Tây Bắc Duy Tân, phường Duy Tân, TP. Kon Tum có 89 lô đất; Dự án Khu quy hoạch phường Ngô Mây, TP. Kon Tum có 103 lô; Dự án Khu sân bay cũ, phường Thắng Lợi, TP. Kon Tum có 2 lô; các khu đất nhỏ lẻ, TP. Kon Tum có 1 lô; Dự án Khai thác quỹ đất phát triển hạ tầng khu vực Tổ dân phố 7, thị trấn Đắk Hà có 11 lô; Dự án Khai thác quỹ đất phát triển kết cấu hạ tầng khu vực Tổ dân phố 9, thị trấn Đắk Hà có 21 lô.

Các khu đấu giá thuộc huyện Kon Plông có 77 lô; Dự án đấu giá thôn 6, thị trấn Plei Kần, huyện Ngọc Hồi có 59 lô; các khu đấu giá thuộc huyện Sa Thầy có 38 lô.

Các lô đất trên sau khi trúng đấu giá đã được chuyển nhượng cho người có nhu cầu với giá chuyển nhượng thấp hơn giá trúng đấu giá (có lô đất đã được chuyển nhượng từ 2 - 4 lần) nhưng cơ quan thuế căn cứ vào giá bán trong hợp đồng chuyển nhượng để tính thuế thu nhập cá nhân (2%) và lệ phí trước bạ (0,5%), không áp dụng giá trúng đấu giá đã được UBND Tỉnh phê duyệt để làm căn cứ tính thuế, phí. Điều này thể hiện sự thiếu trách nhiệm, vi phạm quy định của Chính phủ tại một số điều thuộc Luật Thuế thu nhập cá nhân.

Mặt khác, hành vi kê khai giá trị chuyển nhượng thấp hơn giá trúng đấu giá có dấu hiệu trốn thuế, nhưng các cơ quan chuyên môn, cơ quan thuế không kịp thời tham mưu, xử lý theo thẩm quyền; từ đó gây nguy cơ làm thất thu ngân sách nhà nước số tiền thuế, phí do kê khai giá trị chuyển nhượng thấp hơn giá trúng đấu giá của 464 lô đất (chuyển nhượng 498 lần) là gần 78,5 tỷ đồng (tổng giá trị trúng đấu giá là 148,3 tỷ đồng; tổng giá kê khai chuyển nhượng gần chỉ 70 tỷ đồng).

"Việc chuyển nhượng sau đấu giá của 464 lô đất có dấu hiệu trốn thuế, cần phải có biện pháp xử lý tránh thất thu ngân sách nhà nước", TTCP kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum.

Chuyên đề