Đấu giá cổ phần Dệt 19/5 Hà Nội: Giật mình với khoản nợ khủng

(BĐT) - Ngày 4/2, Công ty TNHH MTV Dệt 19/5 Hà Nội (Dệt 19/5) đấu giá 8,989 triệu cổ phiếu (CP) lần đầu ra công chúng với giá khởi điểm 10.100 đồng/CP. 
Dệt may đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc cạnh tranh thị trường. Ảnh: Nhã Chi
Dệt may đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc cạnh tranh thị trường. Ảnh: Nhã Chi

Hoạt động trong lĩnh vực được hưởng lợi từ TPP, có vị thế trong ngành dệt may, sở hữu một số tài sản đất đai tại Hà Nội, nhưng nhìn vào con số nợ nần nhà đầu tư rất cần cân nhắc khi bỏ giá trong cuộc IPO này.

Lợi thế và cạnh tranh

Theo Bản Công bố thông tin bán đấu giá lần đầu, tính đến thời điểm cổ phần hóa, Dệt 19/5 có tổng giá trị 1.073 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn góp nhà nước là 267,3 tỷ đồng. Doanh nghiệp (DN) có nhà máy đặt tại Hà Nội và Hà Nam với lịch sử 55 năm hoạt động trong ngành sản xuất, kinh doanh vải, sợi. Thị trường kinh doanh của Dệt 19/5 chủ yếu là xuất khẩu sang Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan, Nhật Bản chiếm khoảng 30% doanh thu, phần còn lại tiêu thụ tại thị trường nội địa phục vụ các nhà máy sản xuất giày vải xuất khẩu; sản xuất chăn, ga, gối, đệm; sản xuất vải phục vụ quốc phòng và phục vụ dân sinh.

6 tháng đầu năm 2015, cơ cấu hàng tồn kho của Công ty Dệt 19/5 phần lớn là thành phẩm, tổng giá trị thành phẩm tồn kho lên đến hơn 488 tỷ đồng

Bên cạnh rất nhiều DN lớn cùng sản xuất các mặt hàng sợi vải như: Haproximex, Công ty Dệt Hà Nam, Công ty CP Dệt gia dụng Phong Phú,…, Công ty còn chịu sự cạnh tranh lớn với các làng nghề sản xuất khăn lâu năm như: Làng nghề La Cả (Hoài Đức), Làng Mẹo (Thái Bình); Làng nghề Phùng Xá (Mỹ Đức)... với giá thành rẻ, mẫu mã đa dạng, chất lượng tốt, các sản phẩm xuất cả sang các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc. Vì vậy, Nhà máy hiện gặp rất nhiều khó khăn trong việc cạnh tranh thị trường để đẩy mạnh bán hàng, mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh.

6 tháng đầu năm 2015, cơ cấu hàng tồn kho của Công ty phần lớn là thành phẩm, tổng giá trị thành phẩm tồn kho lên đến hơn 488 tỷ đồng, chứng tỏ Công ty đang gặp khó khăn trong quá trình lưu thông hàng hóa đầu ra, hàng hóa thành phẩm sản xuất ra không bán được nhiều, gây ứ đọng lớn. Điều đó phản ánh tình hình hoạt động của Công ty không hiệu quả, mức độ tiêu thụ hàng hóa sản xuất chậm làm gia tăng nhiều chi phí, không tạo được lợi nhuận cho DN. Chỉ tiêu các khoản phải thu ngắn hạn là 347,7 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khá lớn trong mục tài sản ngắn hạn của Công ty, thể hiện khả năng quản lý vốn của DN chưa được tốt. 

Nợ phải trả hơn 805 tỷ đồng

Nguồn vốn sử dụng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh lên đến hơn 1.131 tỷ đồng, nhưng tỷ lệ nguồn vốn tự có của Công ty chỉ đạt 325 tỷ đồng, còn lại phần lớn hoạt động bằng nguồn vốn đi vay. Khoản mục nợ phải trả của Công ty hiện rất cao, chiếm hơn 70% tổng nguồn vốn. Tính đến ngày 30/06/2015, chỉ số nợ phải trả của Công ty lên đến hơn 805,9 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là nợ ngắn hạn với tổng giá trị là 637,8 tỷ đồng, khoản mục nợ dài hạn là 168,1 tỷ đồng. Công ty phần lớn đi vay ngắn hạn của các ngân hàng để phục vụ việc sản xuất, kinh doanh. Trong đó, vay ngắn hạn của Agribank là gần 130 tỷ đồng, vay Ngân hàng Quân đội hơn 151 tỷ đồng, Techcombank 32,6 tỷ đồng, Vietinbank 40,33 tỷ đồng và Vietcombank 40 tỷ đồng...

Theo đánh giá của đơn vị tư vấn Công ty Chứng khoán Phố Wall, việc sử dụng nợ có ưu điểm là chi phí lãi vay sẽ được trừ vào thuế thu nhập DN. Tuy nhiên, Công ty gặp rủi ro về mặt thanh toán cao, phải hoàn trả một khoản chi phí lãi vay vào cuối năm, áp lực trả nợ buộc DN phải có những bước đi đúng đắn trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh để tạo ra lợi nhuận và bỏ ra một khoản tiền lớn dành cho việc trả nợ đúng hạn cho các khoản vay ngắn hạn. Do đó, DN cần phải cân nhắc giữa rủi ro về tài chính và ưu điểm của vay nợ để đảm bảo một tỷ lệ hợp lý nhất.

Trên thực tế, khoản lãi vay chi trả hàng năm ảnh hưởng không nhỏ đến lợi nhuận của Công ty. Theo báo cáo kết quả kinh doanh, năm 2013 chi phí lãi vay là hơn 32 tỷ đồng, năm 2014 là 46,46 tỷ đồng. Trong khi đó, riêng 6 tháng đầu năm 2015, chi phí lãi vay đã là 41,4 tỷ đồng. Chi phí tài chính tăng qua mỗi năm nhưng lợi nhuận sau thuế cũng phần nào được cải thiện. Năm 2012 lỗ 48,9 tỷ đồng; năm 2013 lợi nhuận sau thuế đạt 2,7 tỷ đồng; năm 2014 đạt 8,2 tỷ đồng; 6 tháng đầu năm 2015 đạt 39,235 tỷ đồng. Theo kế hoạch sau CPH, lợi nhuận trước thuế năm 2016 đạt 9 tỷ đồng, năm 2017 đạt 12 tỷ đồng, năm 2018 đạt 18 tỷ đồng.

Về tài sản đất đai, hiện Công ty có 8.715 m2 tại 89 Lĩnh Nam, phường Mai Động, Hoàng Mai, Hà Nội (thuê đất trả tiền hàng năm), 14.513 m2 đất tại Thanh Liệt, Thanh Trì, Hà Nội (thời hạn thuê từ năm 1996 đến 31/12/2029), 60,759 m2 tại Khu công nghiệp Đồng Văn, Hà Nam (thuê đất trả tiền hàng năm thời hạn 50 năm bắt đầu từ 10/12/2004). Theo kế hoạch sử dụng đất sau CPH, toàn bộ các diện tích trên được làm cơ sở sản xuất kinh doanh, không chuyển đổi sang mục đích sử dụng khác.

Theo phương án CPH Dệt 19/5, sau khi CPH Nhà nước sẽ nắm giữ 30% tương ứng hơn 8 triệu CP, người lao động được mua 2,95% (giá mua bằng 60% giá đấu IPO), 33,43% bán cho nhà đầu tư chiến lược và 33,62% đấu giá công khai. Vốn điều lệ dự kiến sau CPH là 267,400 tỷ đồng.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư