Đấu giá cổ phần Công ty Môi trường đô thị Nha Trang: “Cửa hẹp” đến thành công

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Theo thông tin từ Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), vào ngày 4/3/2024, HNX sẽ tổ chức phiên bán đấu giá công khai 641.000 cổ phần Công ty CP Môi trường đô thị Nha Trang do UBND tỉnh Khánh Hòa sở hữu, tương ứng 10,68% vốn điều lệ của doanh nghiệp này. Đây là cuộc đấu giá cổ phần đầu tiên được tổ chức trong năm Giáp Thìn.
Đấu giá cổ phần Công ty Môi trường đô thị Nha Trang: “Cửa hẹp” đến thành công

Môi trường đô thị Nha Trang có gì?

Công ty CP Môi trường đô thị Nha Trang chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ công ích đô thị như vệ sinh môi trường (quét, thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt, chất thải rắn) trên địa bàn TP. Nha Trang và các đảo trong vịnh Nha Trang. Hoạt động này đóng góp trên 50% doanh thu và lợi nhuận gộp hàng năm của Công ty. Bên cạnh đó, Công ty cũng quản lý, vận hành, sửa chữa hệ thống điện chiếu sáng công cộng cho TP. Nha Trang và một phần huyện Diên Khánh và huyện Cam Lâm (tỉnh Khánh Hòa); quản lý và chăm sóc cây xanh đường phố, công viên, vườn hoa và 2 nghĩa trang (Phía Bắc và Phước Đổng) của TP. Nha Trang, đồng thời cung cấp dịch vụ tang lễ, hỏa táng…

Tháng 1/2024, Công ty trúng gói thầu duy trì hệ thống chiếu sáng đô thị TP. Nha Trang năm 2024 - 2026 với giá trúng thầu 72,005 tỷ đồng, giảm 2,935 tỷ đồng sau đấu thầu. Trước đó, Công ty từng trúng hàng loạt gói thầu lĩnh vực dịch vụ công ích tại TP. Nha Trang như: Gói thầu Duy trì, phát triển hệ thống cây xanh đô thị khu vực trung tâm và phía Tây TP. Nha Trang năm 2022 - 2024; Gói thầu Thi công trồng cây xanh dải phân cách đường Võ Nguyên Giáp; Gói thầu Duy trì hệ thống chiếu sáng đô thị phía Bắc TP. Nha Trang năm 2021 - 2023; Gói thầu Duy trì, phát triển hệ thống cây xanh đô thị khu vực phía Nam TP. Nha Trang năm 2021 - 2023…

Theo báo cáo tài chính gần nhất, tính đến 30/6/2023, quy mô tài sản - nguồn vốn của Môi trường đô thị Nha Trang là 122,5 tỷ đồng. Công ty sở hữu cơ cấu tài chính khá tốt với tổng nợ vay ở mức thấp, chỉ 1,4 tỷ đồng. Chất lượng tài sản được đánh giá tốt với tỷ trọng lớn nhất là khoản phải thu với Ban Quản lý dịch vụ công ích TP. Nha Trang (54,9 tỷ đồng) và các khoản tiền mặt, tiền gửi ngân hàng (21,2 tỷ đồng).

Lợi nhuận sau thuế trong giai đoạn 2019 - 2022 dao động ở mức hơn 6 tỷ đồng mỗi năm. Trong nửa đầu năm 2023, doanh thu thuần đạt 99,4 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 2,2 tỷ đồng. Có thể thấy hiệu suất sinh lời trên quy mô tài sản, nguồn vốn chưa cao. Mức cổ tức tiền mặt chi trả hàng năm cho cổ đông khoảng 6 - 8% vốn điều lệ.

Đáng chú ý, Môi trường đô thị Nha Trang đang quản lý 12 khu đất với tổng diện tích 163.766,7 m2 và 2.332,2 m2 nhà. Trong đó, 4 lô đất với tổng diện tích 16.212,9 m2 và 2.304,2 m2 diện tích nhà đã có quyết định và thời hạn thuê đất 30 năm (2015 - 2045); 6 lô đất với tổng diện tích 35.277,8 m2 là đất thuê của Nhà nước trả tiền hàng năm và 2 khu đất nghĩa trang với tổng diện tích 112.276 m2 được Nhà nước giao, không thu tiền sử dụng đất. Ngoài ra, Công ty còn đang giữ hộ phần tài sản cố định phục vụ công cộng là hệ thống điện chiếu sáng, hệ thống cây xanh và các công trình hạ tầng kỹ thuật khác với nguyên giá đến 31/12/2022 là 306,89 tỷ đồng, giá trị còn lại là 24,2 tỷ đồng.

Thách thức đấu giá thành công

Trong câu chuyện thoái vốn nhà nước những năm gần đây, đã có nhiều phiên đấu giá tổ chức thành công, thu hút nhà đầu tư mua cổ phần bất chấp giá khởi điểm cao hơn nhiều lần thị giá cổ phiếu khi các nhà đầu tư nhìn thấy triển vọng khai thác những tài sản doanh nghiệp đang sở hữu.

Tuy vậy, riêng với nhóm doanh nghiệp cung ứng dịch vụ công ích (như môi trường đô thị, cây xanh, chiếu sáng…), việc cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại nhiều doanh nghiệp lại gặp khó khăn. Bởi theo đánh giá, dù sở hữu nhiều đất đai và khối lượng tài sản lớn nhưng các tài sản này khó được chuyển đổi mục đích sử dụng để cải thiện hiệu suất hoạt động. Nhiều loại sản phẩm, dịch vụ mà doanh nghiệp cung ứng phải thực hiện theo đơn giá Nhà nước quy định, chậm được điều chỉnh. Một số loại phí có mức thu thấp, thậm chí không thu phí mà phụ thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước với mức hỗ trợ thấp, không đảm bảo giá thành, dẫn đến thu không đủ bù chi hoặc hiệu quả không cao.

Bên cạnh đó, mục tiêu hoạt động ban đầu của các doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực dịch vụ công ích chủ yếu phục vụ cho mục tiêu an sinh xã hội, trong khi các nhà đầu tư tư nhân khi tham gia mua cổ phần lại có mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận. Điều này dễ dẫn đến phát sinh mâu thuẫn, xung đột về lợi ích giữa các nhóm cổ đông. Nhà nước có xu hướng giữ lại tỷ lệ sở hữu vốn lớn tại nhiều doanh nghiệp khiến cho nhà đầu tư e ngại bị hạn chế tham gia quyết định các vấn đề quan trọng của doanh nghiệp, dẫn đến khó thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư.

Với tỷ lệ bán vốn chỉ 10,68%, UBND tỉnh Nha Trang dự kiến vẫn sở hữu 51% vốn điều lệ và vẫn giữ tiếng nói quyết định trong quản trị, điều hành Công ty Môi trường đô thị Nha Trang sau bán vốn. Mức giá khởi điểm là 21.179 đồng/cổ phần, gấp 2,55 lần thị giá cổ phiếu trên sàn UPCoM, được đưa ra tương ứng với giá trị doanh nghiệp được xác định ở mức 127 tỷ đồng. Đây là yếu tố thách thức với triển vọng thành công của phiên đấu giá lần này.

Chuyên đề