Đấu giá biển số, sim số đẹp: Chờ đợi khung pháp lý

(BĐT) - Mặc dù đã được đề xuất nhiều lần nhưng đến nay vẫn chưa có căn cứ pháp lý để thực hiện đấu giá sim và biển số đẹp...
Đấu giá sim, biển số đẹp sẽ mang lại nguồn thu lớn cho ngân sách. Ảnh: Minh Anh
Đấu giá sim, biển số đẹp sẽ mang lại nguồn thu lớn cho ngân sách. Ảnh: Minh Anh

Tại phiên thảo luận vừa qua của Quốc hội về Dự thảo Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi), nhiều đại biểu đã có đề nghị coi biển số xe đẹp, số điện thoại, tên miền đẹp cũng là tài sản công để đưa ra đấu giá, đem lại nguồn thu đáng kể cho ngân sách.

Thu nghìn tỷ nếu cho đấu giá

Đề xuất đấu giá biển số xe đẹp đã được Cục Cảnh sát giao thông đề xuất nhiều năm qua. Thời điểm đó, mặc dù chưa có quy định, căn cứ pháp lý rõ ràng nhưng nhiều địa phương như Hải Phòng, Bình Thuận, Nghệ An đã tổ chức đấu giá biển số xe và thu được hàng tỷ đồng để hỗ trợ người nghèo. Có không ít biển số xe bán đấu giá được tới 900 triệu đồng.

Tuy nhiên, công tác đấu giá tài sản đối với loại tài sản là “biển số xe đẹp” bị bế tắc vì Luật Đấu giá tài sản không đưa biển số xe vào danh mục tài sản đấu giá, khiến các cơ quan liên quan không có căn cứ pháp lý để triển khai. Do đó, Bộ Tài Chính, Bộ Công an liên tục "tuýt còi" việc đấu giá này vì vướng mắc thủ tục pháp lý.

Tại phiên thảo luận của Quốc hội góp ý cho Dự thảo Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) đã ước tính về giá trị thu về của kho biển số xe và số điện thoại nếu đem ra đấu giá ngay trong giai đoạn 2018 - 2020. Theo ông Cảnh, trong 3 năm 2018 - 2020 sẽ có thêm 1,8 triệu xe. Chỉ cần 25 triệu đồng/biển thì sẽ có thêm 45.000 tỷ đồng. Với xe máy, con số này còn lớn hơn nhiều.

"Với 63 tỉnh, thành thì kho số tiềm năng là 160 triệu biển số, tương ứng có 14.400 số ngũ linh có 5 số giống nhau. Nếu 1 tỷ đồng/số thì chúng ta sẽ có 14.400 tỷ đồng”, ông Cảnh tính toán.

Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cũng đồng thuận với quan điểm nên coi biển số xe, số điện thoại, tên miền đẹp… là tài sản công và nên đấu giá để tránh lãng phí nguồn lực cho ngân sách. Ông Vân cho rằng, ở Việt Nam cũng như một số nước, người dân có tâm lý muốn dùng các số được cho là đẹp. Như vậy, để đảm bảo công bằng, bình đẳng, nếu ai muốn hưởng lợi thì phải có nghĩa vụ tương xứng với quyền được hưởng. “Lâu nay, chúng ta đã bỏ qua một nguồn thu rất thích đáng để huy động vào ngân sách cho đầu tư phát triển”, ông Vân nêu quan điểm. 

Chờ cơ sở pháp lý

Dự thảo Luật vừa được Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 2 và dự kiến thông qua tại Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV. Dự thảo đã đưa nguồn tài nguyên này vào danh sách tài sản công.

Theo quy định tại Khoản 6 Điều 4 Dự thảo Luật, tài sản công được phân loại theo tài nguyên bao gồm: đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời, kho số viễn thông và kho số khác phục vụ quản lý nhà nước, tài nguyên Internet, phổ tần số vô tuyến điện, quỹ đạo vệ tinh và các tài nguyên khác.

Việc bán tài sản công sẽ được thực hiện theo Khoản 2 Điều 43 của Dự thảo Luật, theo hình thức đấu giá. Đấu giá tài sản công là hình thức bán tài sản công, có từ hai người trở lên tham gia đấu giá theo nguyên tắc và trình tự, thủ tục quy định tại Luật Đấu giá tài sản.

Đại biểu Lê Thanh Vân cho biết, Dự thảo Luật QLSDTSNN lần này có nhiều nội dung đổi mới quan trọng. Trong đó, đáng chú ý là phạm vi định nghĩa tài sản công mở rộng hơn, không chỉ là tài sản do Nhà nước đầu tư, mà bao gồm cả những tài sản mà Nhà nước xác lập chủ quyền. Nhà nước khẳng định những lợi ích, tài sản đó là của công, do Nhà nước làm chủ đại diện như quyền khai thác vùng trời, vùng biển, hay tài sản sở hữu trí tuệ, kho số viễn thông…

“Trước đây, loại tài sản này chưa được xác lập nhưng đã đến lúc Nhà nước phải đưa nhóm tài sản này vào luật để quản lý, với hình thức giao cho các chủ thể tương ứng quản lý khai thác, nhằm mục đích phục vụ cho sự nghiệp phát triển của đất nước”, đại biểu Lê Thanh Vân nhấn mạnh.

Chuyên đề