Hành vi trả giá cao rồi rút lại giá đã trả trong đấu giá trực tuyến ngày càng phổ biến. Ảnh minh họa: Nhã Chi |
Mức giá này bất ngờ được rút lại vào những giây cuối và sau đó chỉ 1 khách hàng thực hiện 4 lệnh trả giá liên tiếp chênh nhau 1 bước giá và trúng đấu giá. Cuộc đấu giá kết thúc chóng vánh trong sự “ngỡ ngàng” của khách hàng tham gia.
Tài sản đấu giá có giá khởi điểm 9,881 tỷ đồng, được đấu giá trực tuyến từ 9h00 đến 10h00 ngày 12/7/2024, bước giá là 10 triệu đồng. Cục Thi hành án dân sự TP. Hà Nội là người có tài sản, chấp hành viên thi hành án là Hà Thanh Hồng.
Có 3 khách hàng đủ điều kiện tham gia đấu giá gồm: Tạ Văn Trung, Đỗ Khắc Phong, Vũ Bắc Sơn. Vào thời điểm 09:58:57.948, khách hàng Tạ Văn Trung trả mức giá 10,451 tỷ đồng. Sau đó (09:59:00.796), khách hàng Đỗ Khắc Phong trả mức giá 80,451 tỷ đồng (chênh 7.057 bước giá so với giá khởi điểm) và duy trì tới 09:59:50.231 thì bất ngờ rút lại. Vài giây sau, cuộc đấu giá chỉ ghi nhận thêm 4 lần trả giá liên tiếp của khách hàng Tạ Văn Trung và kết thúc với giá trúng đấu giá 11,481 tỷ đồng.
Bức xúc với diễn biến của cuộc đấu giá, khách hàng Vũ Bắc Sơn đã có phản ánh về quá trình tổ chức đấu giá tài sản nêu trên. Khách hàng này cho biết, trong 2 phút đầu tiên của cuộc đấu giá, hệ thống đấu giá trực tuyến của Công ty ĐGHD Trường Sơn bị mất tín hiệu kết nối dẫn đến không thể thực hiện được việc trả giá. Ông Sơn đã phải liên hệ tới Công ty để yêu cầu xử lý sự cố. Theo ông Sơn, trong quá trình đấu giá, việc trả giá ở mức 80,451 tỷ đồng của khách hàng Đỗ Khắc Phong có dấu hiệu bất thường, phá rối cuộc đấu giá, cản trở khách hàng tham gia đấu giá. Việc trả giá cao bất thường, kéo dài trong thời khắc quan trọng của cuộc đấu giá, rồi bất ngờ rút lại giá đã trả vào những giây cuối ảnh hưởng tới tính công bằng, minh bạch, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của khách hàng khác và gây thiệt hại cho người có tài sản.
Liên quan tới cuộc đấu giá trên, ngày 13/7/2024, khách hàng Vũ Bắc Sơn đã có đơn gửi Cienco1 cung cấp thông tin cuộc đấu giá “bất thường” và đề nghị phối hợp ngăn chặn hành vi nêu trên. Được biết, tài sản đấu giá là tài sản cưỡng chế kê biên, xử lý tài sản theo hợp đồng thế chấp giữa Cienco1 và Ngân hàng TMCP Tiên Phong - Chi nhánh Hà Nội.
Ông Sơn còn đặt nghi vấn về kỹ thuật của hệ thống đấu giá trực tuyến khi khách hàng Tạ Văn Trung có thể trả giá liên tiếp 4 lần (chưa đến 3 giây/lần) vào những giây cuối cùng (sử dụng công cụ phần mềm đặt lệnh trả giá mặc định hoặc có sự can thiệp bằng công nghệ trong việc trả giá) và trúng đấu giá. Việc can thiệp bằng công nghệ này khiến máy chủ đấu giá bị nghẽn, các lệnh trả giá của khách hàng khác không thể được đẩy lên máy chủ, ảnh hưởng tới quyền và lợi ích của khách hàng cùng tham gia đấu giá.
Thông tin tới Báo Đấu thầu, Công ty ĐGHD Trường Sơn cho biết, quy chế đấu giá của cuộc đấu giá chỉ quy định bước giá, không quy định giới hạn số bước giá trên một lần trả giá. Việc khách hàng trả giá với số lượng bước giá lớn trên một lần trả giá rồi sau đó rút lại giá đã trả là ý chí chủ quan của khách hàng. Do pháp luật hiện hành không quy định giới hạn số bước giá trên một lần trả giá, nên việc khách hàng rút lại giá đã trả, sau đó có khách hàng khác trả giá vào thời điểm cuối cùng trước khi kết thúc thời gian trả giá và trúng đấu giá là các tình huống vẫn xảy ra bình thường khi đấu giá theo hình thức trực tuyến. Vì vậy, Công ty ĐGHD Trường Sơn không có căn cứ pháp lý để kết luận tình huống trên là hành vi bất thường, gây rối cuộc đấu giá.
Công ty ĐGHD Trường Sơn thông tin, hệ quả pháp lý của việc rút lại giá đã trả trong hình thức đấu giá trực tuyến hiện chưa được pháp luật quy định rõ ràng. Tại Điều 50 Luật Đấu giá tài sản 2016 quy định việc rút lại giá đã trả đối với 3 hình thức đấu giá: đấu giá trực tiếp bằng lời nói tại cuộc đấu giá, đấu giá bằng bỏ phiếu trực tiếp tại cuộc đấu giá, đấu giá bằng bỏ phiếu gián tiếp; không đề cập tới việc rút lại giá đã trả đối với hình thức đấu giá trực tuyến. Khoản 6 Điều 39 Luật Đấu giá tài sản 2016 quy định các trường hợp người tham gia đấu giá không được nhận lại tiền đặt trước cũng không có quy định đối với trường hợp rút lại giá đã trả trong hình thức đấu giá trực tuyến.
Theo chuyên gia đấu giá, thực tế nêu trên là điểm bất cập, kẽ hở pháp lý lớn trong đấu giá trực tuyến hiện nay. Hành vi trả giá cao rồi rút lại giá đã trả trong đấu giá trực tuyến ngày càng phổ biến, nguy cơ lợi dụng để trục lợi, phá rối cuộc đấu giá vì mục đích cá nhân. Cần có giải pháp hoàn thiện trong các quy định của pháp luật để xử lý hành vi trên, tránh trường hợp người tham gia đấu giá lợi dụng việc “rút lại giá đã trả nhưng không mất tiền đặt trước” để thông đồng, móc nối làm ảnh hưởng đến kết quả của cuộc đấu giá, quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng tham gia đấu giá khác.