Dấu ấn những người mở đường cho tương lai thịnh vượng

(BĐT) - Trên những đại công trường vẽ nên hình hài các công trình bề thế, hoàn thiện hạ tầng khang trang, hiện đại của đất nước có mồ hôi, sự nỗ lực, trí tuệ xen lẫn niềm tự hào của các nhà thầu thi công. Báo Đấu thầu ghi nhận những câu chuyện thực tế trên công trường, cảm nhận của một số nhà thầu - nhân tố đóng góp trực tiếp vào “quả ngọt” hạ tầng cho đất nước và những kỳ vọng của địa phương, doanh nghiệp.
Niềm vui, niềm tự hào lớn nhất của nhà thầu giao thông là để lại dấu ấn trên những công trình hạ tầng tầm cỡ đóng góp cho sự phát triển của đất nước . Ảnh: Tường Lâm
Niềm vui, niềm tự hào lớn nhất của nhà thầu giao thông là để lại dấu ấn trên những công trình hạ tầng tầm cỡ đóng góp cho sự phát triển của đất nước . Ảnh: Tường Lâm

Vinh dự lớn lao nhưng trách nhiệm cũng rất cao

Ông Phạm Văn Khôi, Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư và Xây dựng giao thông Phương Thành

Được Nhà nước tin tưởng giao cho thi công các công trình giao thông trọng điểm quốc gia như các đoạn tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông là vinh dự của bất kỳ nhà thầu nào. Công ty CP Đầu tư và Xây dựng giao thông Phương Thành đang tham gia thi công Gói thầu số 43 Thi công xây lắp, lắp đặt thiết bị công trình đoạn từ Km17+240 đến Km31+280 (bao gồm khảo sát, thiết kế bản vẽ thi công) của Dự án thành phần 1 thuộc Dự án Đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1; Gói thầu Xây lắp 01 Thi công xây dựng đoạn Km285+000 ÷ Km337+500 (bao gồm khảo sát, thiết kế bản vẽ thi công) của Dự án thành phần đoạn Vân Phong - Nha Trang thuộc Dự án Cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025…

Bên cạnh đó, thông qua đấu thầu rộng rãi, Phương Thành và đối tác đã trúng thầu và thi công hàng loạt công trình nghìn tỷ như: Gói thầu số 15 Xây dựng cầu Bến Rừng thuộc Dự án Đầu tư xây dựng cầu Bến Rừng nối huyện Thủy Nguyên, TP. Hải Phòng và thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh; Gói thầu số 08 Thi công xây dựng công trình thuộc Dự án Đường ven sông kết nối từ đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đến thị xã Đông Triều (đoạn từ nút giao Đầm Nhà Mạc đến Đường tỉnh 338) - giai đoạn 1…

Đây là những công trình giao thông lớn kết nối vùng miền, sau khi hoàn thành chắc chắn sẽ đem lại nhiều giá trị, hiệu quả kinh tế - xã hội cho địa phương và đất nước. Tuy nhiên, vinh dự lớn lao cũng đòi hỏi trách nhiệm rất cao từ phía nhà thầu. Những công trình này có đường găng tiến độ gấp gáp, yêu cầu cao về chất lượng (công trình giao thông cấp 1 hoặc cấp đặc biệt), áp dụng công nghệ tiên tiến, có tính thẩm mỹ rất cao. Quá trình thi công phải đảm bảo vệ sinh môi trường. Nhà thầu phải có tài chính mạnh, có kinh nghiệm quản lý tốt thì mới tổ chức thi công bài bản, chuyên nghiệp, kịp thời xử lý tình huống phát sinh ngoài hiện trường, đảm bảo tiến độ đề ra.

Hạnh phúc và tự hào với dự án hạ tầng đầu tiên

Ông Huỳnh Kim Lập, Anh hùng Lao động, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thiên Tân

Với các nhà thầu xây lắp hạ tầng giao thông, những dự án đầu tiên hoàn thành luôn đem lại cảm giác khó tả. Đó là những lo lắng, trăn trở để thi công đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng theo quy định, mang tính mỹ thuật cao để có thể phát triển bền vững, không bị lạc hậu, là điểm nhấn cho một đô thị phát triển và hơn hết là gây dựng niềm tin với người dân, chính quyền cho một thương hiệu ngành xây dựng đang bắt đầu những bước đi đầu tiên.

Nói điều này để ôn lại một dấu mốc quan trọng của Thiên Tân Group từ hơn 20 năm trước tại Dự án đường Thành Cổ - Núi Bút (nay là đường Phạm Văn Đồng) ở trung tâm TP. Quảng Ngãi. Dự án cho đến nay vẫn là tuyến có mặt đường rộng, đẹp, phát huy vai trò trục xương sống giúp tỉnh Quảng Ngãi quy hoạch không gian phát triển đô thị về phía Đông, hình thành những khu dân cư, khu đô thị có chất lượng sống vượt trội.

Để có công trình bền mãi với thời gian là những gian nan mà chúng tôi phải trải qua. Dự án khởi công năm 2000, hoàn thành khoảng 60% thì đơn vị liên danh với Thiên Tân gặp khó khăn, xin rút chân. Cái khó ló cái… liều, Thiên Tân đề nghị và được tỉnh Quảng Ngãi chấp thuận cho tiếp tục thực hiện Dự án. Cũng từ đây, doanh nghiệp mang tên Thiên Tân ra đời để tiếp tục phần việc còn lại. Sau nhiều tháng loay hoay huy động vốn, thuê phương tiện, nhân công, cuối cùng công trình cũng về đích đúng tiến độ trong niềm vui, tự hào của người lao động Thiên Tân.

Nhà thầu trưởng thành hơn sau mỗi công trình giao thông lớn

Ông Đặng Đắc Tùng, Phó Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Tự Lập

Niềm vui, niềm tự hào lớn nhất của mỗi nhà thầu giao thông là để lại dấu ấn trên những công trình hạ tầng tầm cỡ đóng góp vào sự phát triển của đất nước. Quá trình thi công các công trình lớn này giúp nhà thầu trưởng thành hơn về mọi mặt, từ công tác chuẩn bị khởi công, tổ chức bộ máy thi công trên công trường đến áp dụng các công nghệ thi công tiên tiến, công nghệ mới để đẩy nhanh tiến độ. Những kinh nghiệm thi công này sẽ giúp nhà thầu nâng dần tầm vóc bản thân, trên mỗi công trình được hoàn thành là mồ hôi, sự nỗ lực và trí tuệ của nhà thầu, đánh dấu sự trưởng thành và bản lĩnh của mỗi nhà thầu.

Trên các công trình giao thông lớn dọc dài đất nước, mỗi gói thầu đều phát sinh những khó khăn riêng. Chẳng hạn, thi công các tuyến cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang, Tuyên Quang - Phú Thọ thì phải đương đầu với khó khăn về vật liệu xây dựng, phải tìm cách xoay xở cho đủ nguồn vật liệu phục vụ thi công. Với những tuyến cao tốc như Chí Thạnh - Vân Phong, Hàm Nghi - Vũng Áng thì thời tiết mưa nắng thất thường, nền địa chất yếu đòi hỏi phải thực hiện các biện pháp gia cố nền đất mất rất nhiều thời gian, đảm bảo đạt yêu cầu thì mới có thể thi công. Trong khi đó, tiến độ thực hiện rất gắt gao, không cho phép nhà thầu trì hoãn ngày nào. Do đó, nhà thầu phải hết sức nỗ lực, vượt lên chính mình, thi công công trình bằng cả ý chí và danh dự để có thể về đích đúng tiến độ.

Phát huy truyền thống của những người đi trước mở đường

Thiếu tướng Nguyễn Hữu Ngọc, Tư lệnh Binh đoàn 12 - Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn

Binh đoàn 12 - Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn (Bộ Quốc phòng) vừa hoàn tất 2 gói thầu thuộc 2 dự án thành phần Quốc lộ 45 - Nghi Sơn và Nghi Sơn - Diễn Châu. Phát huy truyền thống của những người đi trước mở đường, biến “nguy” thành “cơ”, huy động sức mạnh tổng lực, phát huy phẩm chất, tinh thần, ý chí của người lính thợ, “vượt nắng, thắng mưa”, hăng say lao động sản xuất, Binh đoàn đã góp phần đưa công trình về đích đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng. Mặc dù gặp không ít khó khăn, nhưng chúng tôi đã đầu tư mới hàng trăm thiết bị hiện đại, có công suất lớn; tổ chức thi công 3 ca, 4 kíp, cử đội ngũ cán bộ, kỹ sư có kinh nghiệm bám công trường; tổ chức phát động nhiều đợt thi đua nhằm bù lại tiến độ vì phải giãn, dừng thi công do mưa bão, dịch bệnh. Những nỗ lực đã được chứng minh trên thực tế.

Năm 2023, hoạt động sản xuất kinh doanh của Binh đoàn có nhiều thuận lợi hơn khi Bộ Quốc phòng vừa phê duyệt Chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh và kế hoạch đầu tư phát triển giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó, quỹ việc làm của Binh đoàn chuyển tiếp từ năm 2022 sang năm 2023 với giá trị hơn 21.000 tỷ đồng, đảm bảo việc làm ổn định trong 3 năm. Đây là thời cơ bứt phá cho Binh đoàn. Với năng lực, uy tín khẳng định tại nhiều dự án, sở hữu lợi thế có 33 đầu mối trải dài ba miền Bắc - Trung - Nam, Binh đoàn 12 sẽ phối hợp với chủ đầu tư thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng những công trình làm giàu mạnh cho đất nước.

Tự hào vì góp phần vào Dự án cầu Mỹ Thuận 2 do người Việt làm chủ thi công

Ông Bùi Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Công ty CP Xây dựng và Lắp máy Trung Nam (Trungnam E&C)

Là nhà thầu có mặt trong liên danh trúng Gói thầu XL03B Thi công thân trụ (T14 - T17) và kết cấu nhịp chính dây văng của cầu Mỹ Thuận 2, Trungnam E&C cùng thành viên liên danh đã nỗ lực, toàn tâm, toàn sức đưa công trình về đích trước kế hoạch. Cầu Mỹ Thuận 2 có kết cấu và thi công phức tạp hơn nhiều so với các loại cầu về kiểm soát kích thước hình học, độ vồng thi công, nội lực và chuyển vị của các bó cáp dây văng. Gói thầu XL03B lại là gói thầu phức tạp nhất của Dự án cầu Mỹ Thuận 2, nên tháng 10/2023, khi hoàn thành công tác kéo bó cáp cuối cùng số MC14-MC16 và thi công khối đúc hẫng cuối của nhịp cầu chính, tập thể Trung Nam E&C rất tự hào.

Cầu Mỹ Thuận 2 là một trong những công trình trọng điểm đầu tiên tại khu vực Tây Nam Bộ mà Trungnam E&C thực hiện. Trong quá trình thi công, các nhà thầu đã gặp không ít khó khăn như sông sâu, dòng nước chảy xiết, công trường không có đường ô tô tiếp cận, tất cả đều vận chuyển bằng đường thủy nên công tác tập kết, di chuyển vật tư, vật liệu từ bãi tập kết ra vị trí thi công gặp nhiều cản trở, phụ thuộc vào con nước; đỉnh tháp trụ cầu chính T16 cao dương 125m, việc thi công trên cao rất nguy hiểm và thực sự khó khăn trong thời tiết có mưa gió và sấm sét.

Tuy có các khác biệt địa chất và thực tế thi công công trình, nhưng đội ngũ Trungnam E&C đã hoàn thành tốt, đáp ứng mọi tiêu chí kỹ thuật và an toàn. Đây là cơ sở để Trung Nam E&C nâng cao uy tín, kinh nghiệm, tham gia nhiều hơn các dự án cầu lớn trên cả nước.

Vượt mọi nghịch cảnh để đưa các đại dự án về đích đúng kế hoạch

Ông Đào Ngọc Thanh, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex)

Dự án cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết có chiều dài tuyến khoảng 100,8 km, tổng mức đầu tư 10.853,9 tỷ đồng, do Ban Quản lý dự án 7 làm Chủ đầu tư. Dự án được khởi công vào ngày 30/9/2020, ngay sau đó là thời gian dài bùng phát dịch Covid-19 tại khu vực phía Nam, ảnh hưởng nặng nề tới công tác thi công. Tuy nhiên, Chủ đầu tư và nhà thầu dưới sự lãnh đạo của Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải đã vượt khó, hoàn thành tuyến chính vào ngày 19/5/2023 và đưa Dự án vào sử dụng tháng 6/2023.

Tham gia vào Dự án, Vinaconex đặt mục tiêu duy trì tiến độ, đảm bảo cao nhất chất lượng công trình. Đơn cử, Gói thầu XL04 Thi công xây dựng đoạn Km185+400 - Km235+000, nút giao Ma Lâm và nút giao Phan Thiết (3.225 tỷ đồng) có khối lượng thi công lớn trong điều kiện địa chất, địa hình phức tạp, nhiều đồi núi, khối lượng phá đá lên tới hàng triệu mét khối. Trong khi đó, đại dịch Covid-19 bùng phát dẫn tới phải dừng thi công hoặc thi công gián đoạn, điều kiện thời tiết bất lợi do mưa nhiều bất thường, biến động đột biến của giá nguyên, nhiên, vật liệu, đặc biệt là vướng mắc trong giải phóng mặt bằng và thiếu hụt nguồn đất đắp nền (đến đầu tháng 4/2023 mới được giải quyết) đã ảnh hưởng rất lớn tới kế hoạch và tiến độ Dự án. Tuy nhiên, Chủ đầu tư và nhà thầu đã vượt qua tất cả các trở ngại để đưa công trình vào sử dụng, phát huy hiệu quả nguồn vốn đầu tư.

Doanh nghiệp logistics mong chờ Cảng hàng không quốc tế Long Thành hoàn thành đúng hẹn

Ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA)

Dự án Cảng hàng không quốc tế (HKQT) Long Thành tạo tiền đề hình thành trung tâm logistics hàng không Long Thành, giúp các công ty logistics có điều kiện xử lý hàng hóa và cung cấp dịch vụ tốt hơn. Đông Nam Bộ có khoảng 14.800 doanh nghiệp cung ứng dịch vụ logistics (chiếm gần 50% tổng số doanh nghiệp logistics cả nước), đảm nhận 45% tổng khối lượng hàng hóa và hơn 60% khối lượng hàng container của cả nước. Vùng Đông Nam Bộ là thị trường đầy tiềm năng và hấp dẫn cho ngành logistics phát triển, tuy nhiên còn nhiều "điểm nghẽn”.

Cùng với Nhà ga T3 Cảng HKQT Tân Sơn Nhất, nhà ga Cảng HKQT Long Thành đang được xây dựng góp phần tháo "điểm nghẽn" hạ tầng. Các nhà ga hàng không này cùng với cụm cảng biển nước sâu Cái Mép - Thị Vải, các trung tâm logistics của TP.HCM, các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai sẽ hình thành một trung tâm logistics vùng Đông Nam Bộ tầm cỡ khu vực.

Để khai thác tốt Cảng HKQT Long Thành, VLA cho rằng, nên có quy hoạch vùng xung quanh cảng hàng không này. Các mô hình sân bay Changi (Singapore) và trung tâm logistics hàng không phụ cận; Sân bay Incheon (Hàn Quốc) và vùng trung tâm logistics phụ cận là những gợi ý rất tốt. Quy hoạch tốt vùng xung quanh Cảng HKQT Long Thành mới phát huy được thế mạnh của những dịch vụ thuộc chuỗi cung ứng logistics hàng không.

Hạ tầng là yếu tố then chốt nâng tầm kinh tế

Ông Võ Tấn Đức, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai

Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đóng góp 32% GDP và 44,7% tổng thu ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, những năm gần đây, tăng trưởng kinh tế của vùng chậm lại. Một trong những nguyên nhân là sự quá tải của hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông. Để tháo gỡ, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều nghị quyết triển khai các dự án: Cảng HKQT Long Thành, Vành đai 3 TP.HCM, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, cao tốc Dầu Giây - Liên Khương, cao tốc Bến Lức - Long Thành… Trong các dự án trên, Cảng HKQT Long Thành giữ vai trò trung tâm, mở thêm không gian phát triển cho Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Việc hình thành Cảng HKQT Long Thành sẽ giúp Đồng Nai hình thành trung tâm logistics mang tầm cỡ quốc tế. Do vậy, chúng tôi định hình phát triển trung tâm này thông qua công tác quy hoạch. Trong Nghị quyết 154/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, UBND tỉnh Đồng Nai là cơ quan chủ trì thực hiện nhiệm vụ xây dựng trung tâm logistics hàng không gắn với sân bay quốc tế Long Thành.

UBND tỉnh Đồng Nai đang tổ chức lập Quy hoạch Tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó dự kiến quy hoạch 2 khu trung tâm logistics gồm khu phía Đông Bắc và khu phía Nam Cảng HKQT Long Thành với quy mô mỗi khu vực khoảng 100 ha để kết hợp với Cảng HKQT Long Thành, hệ thống cảng biển nhóm IV trên địa bàn hình thành chuỗi liên kết dịch vụ logistics phục vụ xuất nhập khẩu hàng hóa cho các khu công nghiệp trên địa bàn.

Tỉnh đã giao Sở Xây dựng quy hoạch tổng kho trung chuyển miền Đông (huyện Trảng Bom). Hệ thống trung tâm logistics và kho bãi như trên kết hợp với Cảng HKQT Long Thành, hệ thống đường bộ cao tốc, quốc lộ, đường sắt, cảng biển trên sông Đồng Nai, sông Lòng Tàu - Nhà Bè, sông Thị Vải sẽ góp phần to lớn cho phát triển dịch vụ logistics, tạo động lực phát triển kinh tế trong thời gian tới.

Chuyên đề