Đánh giá sâu hơn về hiệu quả của đầu tư và tín dụng

(BĐT) - Trong báo cáo thẩm tra đánh giá bổ sung tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, những tháng đầu năm 2022, Ủy ban Kinh tế cho rằng năm 2021 nền kinh tế đạt kết quả khá toàn diện trên các lĩnh vực, tuy nhiên, còn một số vấn đề Chính phủ cần bổ sung, đánh giá sâu hơn.  
UBKT đề nghị Chính phủ bổ sung, đánh giá sâu hơn về hiệu quả của đầu tư và tín dụng. Ảnh: Internet
UBKT đề nghị Chính phủ bổ sung, đánh giá sâu hơn về hiệu quả của đầu tư và tín dụng. Ảnh: Internet

Sáng ngày 11/5/2022, tại phiên họp thứ 11 Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV, UBTVQH thảo luận cho ý kiến về báo cáo đánh giá bổ sung tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, những tháng đầu năm 2022.

Thêm 1 chỉ tiêu không đạt mức dự kiến

Theo Báo cáo của Chính phủ, so với số báo cáo tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, nhiều chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 sau khi đánh giá bổ sung đã đạt được kết quả tích cực hơn, tuy nhiên một số chỉ tiêu không đạt được như mức đã dự kiến.

Những thay đổi tích cực như chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân cả năm chỉ tăng 1,84%, thấp nhất kể từ năm 2016 (số đã báo cáo Quốc hội là dưới 4%); thu NSNN đạt khoảng 1.568,4 nghìn tỷ đồng, tăng 202,9 nghìn tỷ đồng so với số đã báo cáo Quốc hội; bội chi NSNN thực hiện khoảng 286,5 nghìn tỷ đồng, bằng khoảng 3,41% GDP, thấp hơn dự toán là 4% (343,67 nghìn tỷ đồng). Xuất siêu đạt hơn 4 tỷ USD (số đã báo cáo là nhập siêu khoảng 2 tỷ USD). Thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) đạt kết quả ấn tượng với mức tăng trưởng cao 25,2% (số đã báo cáo Quốc hội là giảm 0,2-3,4%);...

Có 5/12 chỉ tiêu chủ yếu không đạt mục tiêu đề ra (số đã báo cáo Quốc hội là 4 chỉ tiêu) do có thêm chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động xã hội chỉ đạt 4,71%, thấp hơn mục tiêu đề ra (4,8%); năng suất lao động đạt thấp do tăng trưởng GDP cả năm chỉ đạt 2,58%, thấp hơn mức phấn đấu đã báo cáo Quốc hội (3-3,5%).

Hiệu quả của đầu tư và tín dụng suy giảm

Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Ủy ban Kinh tế (UBKT) của Quốc hội đánh giá, năm 2021, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, bùng phát mạnh, nước ta lần đầu đối mặt với các tác động nghiêm trọng cả về y tế, kinh tế và xã hội nhưng nền kinh tế vẫn đạt được nhiều kết quả, thành tích quan trọng và khá toàn diện trên các lĩnh vực.

UBKT đề nghị Chính phủ bổ sung, đánh giá sâu hơn một số vấn đề cần quan tâm từ kết quả phát triển kinh tế xã hội năm 2021. Trong đó, động lực tăng trưởng chính trong nền kinh tế là vốn đầu tư và tín dụng vẫn được duy trì. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt khoảng 2.891,9 nghìn tỷ đồng, bằng khoảng 34,4% GDP, tương đương so với các năm trước đây; tăng trưởng tín dụng năm 2021 ở mức 13,61%, cao hơn so với mức 12,17% của năm 2020. Tuy nhiên, với mức tăng trưởng thấp hơn tương đối so với năm 2020 (năm 2021 là 2,58%; năm 2020 là 2,91%), các ý kiến đánh giá hiệu quả của đầu tư và tín dụng suy giảm.

Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu năm 2021 tăng gần 23%, tuy nhiên, cơ cấu hàng hóa xuất, nhập khẩu chậm thay đổi. Xuất khẩu tăng mạnh nhưng tỷ trọng đóng góp của khu vực FDI vẫn lớn nhất trong cấu trúc thương mại quốc tế của Việt Nam, năm 2021 đóng góp 74% tổng kim ngạch xuất khẩu, trong khi năm 2020 là 72,2%; đóng góp phần lớn vào xuất khẩu là các mặt hàng công nghiệp chế biến, chế tạo (99,3% xuất khẩu điện thoại và linh kiện; 98,1% điện tử, máy tính và linh kiện…).

Nhập khẩu tăng 26,5%, chủ yếu là nguyên vật liệu, linh kiện, phụ kiện để gia công, tận dụng các chính sách ưu đãi, chi phí năng lượng, môi trường, sức lao động... giá rẻ, vị trí địa lý cửa ngõ và các hiệp định đã ký kết để xuất hàng sang các thị trường lớn như Mỹ, EU, Trung Quốc, ASEAN..., tạo ra ít giá trị gia tăng cho nền kinh tế. Trong khi khu vực FDI (cả dầu thô) xuất siêu 27,01 tỷ USD, khu vực doanh nghiệp trong nước nhập siêu cao, khoảng 22,9 tỷ USD. Cả đầu vào và đầu ra của công nghiệp chế biến, chế tạo, được coi là giữ vai trò chủ chốt dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế, đều phụ thuộc vào bên ngoài, hàm lượng giá trị gia tăng chủ yếu thuộc về khu vực FDI, phần giá trị khu vực kinh tế trong nước được hưởng rất thấp. Có ý kiến cho rằng nếu cấu trúc sản xuất và xuất khẩu thời gian tới không được cải thiện, nguy cơ luồng tiền chi trả sở hữu ra nước ngoài ngày càng tăng, sẽ có tác động tiêu cực đến tỷ lệ tiết kiệm, tổng thu nhập quốc gia và khả năng đầu tư trong tương lai.

Năm 2022 tiếp tục giữ ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát

Theo báo cáo của Chính phủ, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt khá, GDP Quý I ước tăng 5,03% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, khu vực dịch vụ tăng 4,58%, gấp gần 1,5 lần so với cùng kỳ các năm 2020-2021, qua đó tạo niềm tin vào chính sách phục hồi và phát triển KTXH và tạo đà tích cực cho Quý II và cả năm.

UBKT cũng đánh giá tiếp theo đà hồi phục của Quý IV/2021, kinh tế - xã hội Quý I/2022 tiếp tục thu được những kết quả tích cực. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt khá, kinh tế vĩ mô duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong tháng 4 lần đầu vượt mốc 15 nghìn doanh nghiệp, 4 tháng đầu năm đạt kỷ lục hơn 80,5 nghìn doanh nghiệp, tăng 12,3% so với cùng kỳ năm 2021. Đây là dấu hiệu tăng trưởng tích cực cho năm 2022, phản ánh kỳ vọng, niềm tin mạnh mẽ của cộng đồng doanh nghiệp vào tiến trình mở cửa, phục hồi của nền kinh tế sau hơn 2 năm chịu tác động của dịch bệnh...

UBKT cho rằng những tháng cuối năm dự báo sẽ tiếp tục khó khăn, thách thức đan xen thuận lợi và thời cơ, nhiều diễn biến có thể không dự báo được, đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương “cần tiếp tục giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và bảo đảm các cân đối lớn, điều hành chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ chính sách tiền tệ và tài khóa”; triển khai nhanh, khẩn trương và hiệu quả Nghị quyết số 43/2022/QH15 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, xác định đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của năm 2022 và 2023, là một trong các tiêu chí quan trọng để đánh giá, xếp loại cuối năm đối với tổ chức, cá nhân, nhất là người đứng đầu.

Theo UBKT, chỉ số CPI 4 tháng tăng 2,1%, không cao hơn so với cùng kỳ các năm 2018-2020, tuy nhiên trong bối cảnh giá năng lượng tăng cao kỷ lục, cầu trong nước có xu hướng hồi phục sẽ gây sức ép lớn đến lạm phát. Cần đặc biệt chú ý về nguy cơ nhập khẩu lạm phát từ bên ngoài; nghiên cứu kịch bản tiếp tục giảm thuế tiêu thụ đặc biệt để ứng phó trong trường hợp giá dầu thế giới biến động lớn, tăng cao hơn, cũng như thực hiện hoãn, giãn việc tăng các sắc thuế, phí nhằm bình ổn giá các mặt hàng tiêu dùng khác.

Chuyên đề