Ảnh minh họa. |
Phản hồi về dự kiến tăng thuế bảo vệ môi trường cho xăng dầu, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn chia sẻ với PV: "Mọi việc sẽ phải đúng quy trình, quy định".
Ông cho hay, việc tăng thuế bảo vệ môi trường cho xăng dầu đang được Vụ Ngân sách Nhà nước nghiên cứu, tính toán kỹ trong bối cảnh giá dầu thô thế giới xuống thấp. Các mức tăng ra sao, thời điểm tăng như thế nào sẽ phải đảm bảo nguyên tắc cân đối lợi ích hợp lý giữa các bên.
Đặc biệt, cũng giống như lần trước, việc tăng thuế bảo vệ môi trường đảm bảo không được để ảnh hưởng đến giá xăng dầu.
"Mấy ngày gần đây, giá dầu thô dao động ở mức 32-33 USD/thùng nhưng nếu xuống nữa thì sẽ phải đưa thuế vào", ông Tuấn nhấn mạnh.
Theo quy trình, sau khi hoàn tất phương án nghiên cứu này, Bộ Tài chính sẽ phải có văn bản trình Chính phủ để Chính phủ trình ra trong kỳ họp Ủy ban thường vụ Quốc hội vào tháng 3. Nếu chấp thuận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ là cơ quan có thẩm quyền ban hành Nghị quyết về việc điều chỉnh thuế bảo vệ môi trường cho xăng dầu.
Ông Tuấn cũng nhấn mạnh, các mức thuế bảo vệ môi trường đang áp dụng cho xăng dầu hiện nay chưa phải là mức kịch trần.
Luật Bảo vệ môi trường đã ban hành khung thuế với mức trần cho xăng là 4.000 đồng/lít, cho dầu diezen là 3.000 đồng/lít, dầu hỏa và madut là 2.000 đồng/lít,kg.
So với hiện nay, dư địa để tăng theo đúng Luật vẫn còn 1.000 đồng/lít với xăng, còn 1.500 đồng/lít đối với dầu diezen, còn 1.100 đồng đối với dầu hỏa và 1.700 đồng/kg đối với madut.
Theo nguồn tin riêng của P.V, việc tăng thuế bảo vệ môi trường cho xăng dầu chỉ là một trong nhiều phương án nhằm ứng phó với giá dầu thô đang suy giảm mạnh. Nếu tăng lên từ 33-60% thuế thì ngân sách sẽ tăng thu thêm khoảng 9.000 tỷ đồng.
Theo các nghiên cứu dự kiến hiện nay của Vụ Ngân sách Nhà nước, nếu giá dầu xuống dưới 30 USD, ngân sách giảm thu 56.800 tỷ đồng; nếu giá ở mức 20 USD/thùng thì giảm tới hơn 75.500 tỷ đồng.
Tháng 5/2015, khi thuế bảo vệ môi trường tăng 300% thì cũng đồng thời, Bộ Tài chính giảm mạnh từ 10-15% thuế nhập khẩu MFN ngang bằng với mức thuế ưu đãi ATIGA trong ASEAN nên tác động tổng hòa, giá xăng dầu không tăng.