Vài ngày trở lại đây, cuộc đua tăng lãi suất huy động trở thành vấn đề “nóng” nhất trong hệ thống ngân hàng. Mức lãi tiền gửi được đẩy lên 8% đối với kỳ hạn gửi dài (13 tháng trở lên) phổ biến tại một số nhà băng và đối tượng nhắm đến là các khách hàng cao cấp có nhiều tiền nhàn rỗi; thậm chí, có đơn vị sẵn sàng chi trả lãi suất 8,38%/năm. Hiện cuộc đua lãi suất của các ngân hàng hiện vẫn chưa có dấu hiệu tạm dừng.
Vậy đâu là nguyên cớ các ngân hàng bước vào cuộc đua và hệ quả sẽ ra sao, xoay quanh vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Đức Độ, Viện phó Viện Kinh tế Tài chính, Học viện Tài chính (Bộ Tài chính).
PV: Thưa ông, động cơ nào khiến các ngân hàng cạnh tranh lãi suất huy động một cách quyết liệt như hiện nay?
TS. Nguyễn Đức Độ: Nhiều chuyên gia cho rằng, xu hướng lãi suất huy động gia tăng đối với các kỳ hạn dài có nguyên nhân chủ yếu liên quan đến Dự thảo sửa đổi Thông tư 36 của NHNN, theo đó tỷ lệ vốn ngắn hạn được phép cho vay trung - dài hạn giảm từ mức 60% xuống còn 40% và hệ số rủi ro đối với các khoản phải đòi trong cho vay bất động sản tăng từ mức 150% lên 250%. Tôi nghĩ đây là cách giải thích hợp lý.
Một số ý kiến cho rằng, mặt bằng lãi suất này chỉ mang tính chất danh nghĩa, có thể đây chỉ là chiêu quảng cáo tên tuổi của các ngân hàng. Tuy nhiên cũng có ý cho rằng họ đang đói vốn thật sự để chuẩn bị thanh khoản cho các dự án cho vay trung và dài hạn. Ý kiến của ông thì sao?
Nếu ngân hàng nào đó thực hiện quảng cáo bằng cách này, có thể dẫn đến hệ quả không mong muốn là nhiều người nghĩ rằng ngân hàng đó đang gặp vấn đề về thanh khoản. Các cơ quan chức năng có thể cũng sẽ “để ý” đến ngân hàng nhiều hơn.
Có lẽ khả năng lớn là thị trường dự báo Thông tư 36 thế nào cũng được sửa đổi, vấn đề chỉ là mức độ và các ngân hàng nhỏ có tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung-dài hạn ở mức cao đang chuẩn bị trước cho tình huống này.
Mặc dù vậy, cũng không loại trừ khả năng việc tăng lãi suất huy động kỳ hạn dài và chỉ áp dụng đối với khách hàng lớn là một cách thức để các NHTM truyền thông điệp đến NHNN rằng việc siết tín dụng bất động sản nên được cân nhắc một cách thận trọng.
Mặc dù lãi suất huy động tăng vọt nhưng đa số người gửi tiền không được hưởng trong khi đó người đi vay lại nơm nớp lãi suất cho vay sẽ tăng. Cuộc đua này mặc dù mới chỉ diễn ra ở các NHTM có quy mô nhỏ tuy nhiên nếu cuộc chạy đua này không dừng lại thì theo ông hệ lụy gì sẽ xảy ra?
Nếu so với lạm phát, lãi suất huy động và cho vay hiện nay đều đang ở mức cao và không có lợi cho sự phục hồi của nền kinh tế. NHNN, vì thế, sẽ có biện pháp để ngăn chặn cuộc đua này.
Từ năm ngoái, đã có rất nhiều quan điểm cho rằng lãi suất cho vay để giảm được thêm là vô cùng khó. Đến thời điểm này, ông có thể đánh giá thế nào về bài toán lãi suất từ nay đến cuối năm?
Hiện tại việc giảm lãi suất, đặc biệt là đối với kỳ hạn dài, đang gặp một số nút thắt.
Thứ nhất là tình trạng đô la hóa nền kinh tế. Khi người dân chưa sẵn sàng nắm giữ VND lâu dài và gửi vào hệ thống ngân hàng, lãi suất sẽ khó giảm. Mặc dù vậy, với việc NHNN áp dụng cách điều hành tỷ giá mới, động cơ găm giữ USD của người dân và doanh nghiệp đang có xu hướng yếu đi. Đây là cơ hội để giảm lãi suất huy động và cho vay, mặc dù cần có thêm thời gian để phát huy tác dụng.
Thứ hai là vấn đề thâm hụt ngân sách và nợ công. Gần đây, Chính phủ phát hành trái phiếu không chỉ để bù đắp thâm hụt ngân sách hàng năm, mà còn để đảo nợ. Điều này đang tạo sức ép nhất định lên mặt bằng lãi suất. Nhưng Dự thảo sửa đổi Thông tư 36 cũng đề cập đến việc nới tỷ lệ tối đa nắm giữ TPCP đối với các chi nhánh ngân hàng nước ngoài từ 15% lên 35%. Chính sách này có thể tăng cầu về TPCP và giảm áp lực đối với lãi suất phát hành. Ngoài ra, NHNN có thể sẽ mua nhiều TPCP hơn để giảm áp lực lên lãi suất khi cần thiết.
Về lạm phát, hiện nay có một số dự báo lạm phát trong năm 2016 sẽ ở mức cao và có thể ảnh hưởng đến mức lãi suất kỳ vọng. Tuy nhiên, theo tôi, lạm phát trong năm nay chủ yếu sẽ do mức điều chỉnh giá dịch vụ y tế quyết định. Nhưng đây chỉ là những cú sốc về giá mang tính nhất thời. Yếu tố mang tính quyết định đến lạm phát trong trung-dài hạn là sự phục hồi của nền kinh tế. Nhưng các số liệu được công bố gần đây cho thấy, đà phục hồi của nền kinh tế hiện đang chững lại.
Tính chung 2 tháng đầu năm 2016, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp mới tăng 6,6%, trong khi cùng kỳ năm trước tăng 12%. Chỉ số PMI tháng 2/2016 cũng chỉ ở mức 50,3 điểm. Nền kinh tế cũng đang quay trở lại xuất siêu và đây là tín hiệu cho thấy đầu tư, trong đó có đầu tư vào bất động sản, cũng đang có xu hướng chững lại. Nguyên nhân có thể do nguồn cung bất động sản, đã tăng nhanh trong thời gian qua và tín dụng bất động sản, có khả năng sẽ bị siết lại trong tương lai. Với tổng cầu như vậy, tăng trưởng GDP trong năm 2016 nhiều khả năng sẽ thấp hơn so với năm 2015 và lạm phát cao sẽ chưa thể xảy ra.
Về nút thắt nợ xấu, đây là vấn đề nan giải. Vì Chính phủ quyết định không sử dụng tiền thuế của dân để giải quyết nợ xấu, nên các NHTM sẽ phải tự kiếm tiền để bù đắp vào các khoản bị thiệt hại. Cách giải quyết này đòi hỏi phải có thời gian. Việc thị trường bất động sản phục hồi sẽ giúp cho việc giải quyết nợ xấu dễ dàng hơn. Nhưng nếu sự phục hồi của thị trường bất động sản chủ yếu do các nguồn tín dụng từ chính các NHTM cung cấp, tính bền vững sẽ không cao, thậm chí có thể dẫn đến nợ xấu gia tăng sau này. Trong khi đó các cơ sở pháp lý cho việc thanh lý tài sản đảm bảo, mua - bán nợ xấu lại chưa được hoàn thiện. Mặc dù vậy, khi thị trường bất động sản không còn tăng trưởng mạnh như năm 2015, cầu tín dụng sẽ yếu đi và có tác động giảm sức ép lên lãi suất.
Về tổng thể, khi lãi suất cao, sớm hay muộn nó cũng sẽ làm cho nền kinh tế yếu đi. Và khi nền kinh tế yếu đi, lãi suất sẽ phải chịu áp lực giảm, mặc dù mức giảm có thể không được như mong đợi do những nút thắt nói trên.
Vâng! Xin cám ơn ông đã chia sẻ.