Người dân mang chướng ngại vật chặn quốc lộ 38. |
Liên quan vụ việc người dân chặn xe QL 38 trong ngày 17 và 18/2 tại khu Quán Gỏi (xã Hưng Thịnh, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương), Chủ tịch UBND huyện Bình Giang đã lên tiếng cho rằng việc GPMB tại Bình Giang không ảnh hưởng đến tiến độ thi công.
Trao đổi với PV Kiến Thức, Chủ tịch UBND huyện Bình Giang, ông Nguyễn Trung Kiên khẳng định công tác GPMB không phải là nguyên nhân làm chậm tiến độ thi công của nhà thầu trong dự án BOT nâng cấp cải tạo mở rộng QL 38 qua địa phận xã Hưng Thịnh, huyện Bình Giang.
"Thi công trong lòng đường, giải phóng mặt bằng ở vỉa hè. Đơn vị thi công đổ công tác giải phóng mặt bằng là không hẳn. Về vấn đề này tôi sẵn sàng đối thoại, chứ tôi sợ gì. Hiện công tác giải phóng mặt bằng đợt 1 của dự án này chỉ còn 8 hộ chưa giải phóng mặt bằng, trong đó có 2 hộ không đồng thuận với phương án bồi thường hỗ trợ, 6 hộ liên quan đến khối lượng. Ví dụ liên quan đến mái che như khối lượng 1 mét đền bù 80 cm còn 20cm thì làm đúng nguyên tắc là không đền bù khiến người dân họ ý kiến. Chúng tôi sẽ tính toán đền bù hỗ trợ hết khối lượng cho người dân nốt 20cm ấy để tạo sự đồng thuận.
Có một thực tế, nhà thầu thi công đã nhận mặt bằng từ khá lâu rồi, chúng tôi không phải mới bàn giao. Phương án thi công, đảm bảo an toàn giao thông, vệ sinh môi trường đã có phương án nhưng họ vẫn không đảm bảo khiến người dân bức xúc", ông Kiên cho hay.
Theo ông Kiên, cần phải làm rõ trách nhiệm giữa chính quyền địa phương và đơn vị thi công. "Đối với lãnh đạo địa phương tiếp tục tuyên truyền người dân chấp hành chủ trương lớn. Nếu có việc ra cản trở giao thông đó là hành vi vi phạm pháp luật. Đối với nhà thầu thi công, yêu cầu thường xuyên đảm bảo vệ sinh môi trường, tưới nước toàn tuyến quốc lộ 38. Việc tưới nước cần đảm bảo không chỉ đoạn qua huyện Bình Giang mà phải đảm bảo cả khu vực qua huyện Cẩm Giàng (Hải Dương).Về mặt lâu dài, 200 mét giải phóng mặt bằng sạch từ khu vực đầu Đại Dương đến khu vực ngã 3 (thuộc huyện Bình Giang) yêu cầu phải thi công trước ngày 21/2 phải trải thảm nhựa. Từ đó ra đầu ngã 3 nút giao đến cầu vượt Quốc lộ 5 phải thi công rãnh hai bên", ông Kiên nói.
"Việc trước tết, bà con cần buôn bán nên yêu cầu nhà thầu không được thi công thì nay người dân phải chấp hành để nhà thầu thi công. Nhà thầu phải cam kết thi công đến mỗi hộ gia đình thì bao giờ phải xong, trước mặt mỗi hộ gia đình phải có kế hoạch thi công. Ở góc độ UBND huyện Bình Giang, chúng tôi cam kết giải phóng mặt bằng trước ngày 29/2. Với 8 hộ chưa đồng ý phương án GPMB, chúng tôi đã có biện pháp", ông Kiên cho biết.
Sẽ trả lại địa phương nếu không giải phóng được mặt bằng
Trong khi đó, trao đổi với PV, ông Nguyễn Hữu Chí, Phó TGĐ Công ty cổ phần BOT 38 cho biết, nhà đầu tư đang tích cực yêu cầu nhà thầu triển khai thi công để đảm bảo hoàn thành dự án đầu tư nâng cấp QL 38 nối QL1 với QL5 theo hình thức hợp đồng BOT qua địa phận Bắc Ninh và Hải Dương vào ngày 30/4/2016.
“Hiện nay công tác GPMB trên toàn dự án thì tỉnh Bắc Ninh đã hoàn thành xong khoảng 97 -98%, chỉ còn một số nhỏ nữa đang tiến hành hoàn tất. Tuy nhiên, tỉnh Hải Dương mới GPMB được khoảng 60% nhưng thực tế thi công chỉ được khoảng 40%. Với tiến độ thi công phải hoàn thành trước 30/4 để bàn giao toàn dự án thì việc GPMB của tỉnh Hải Dương là quá chậm. Trách nhiệm GPMB là của địa phương còn nhà đầu tư chỉ có nhiệm vụ phối hợp chi trả kinh phí bồi thường khi có quyết định của địa phương và tỉnh”, ông Chí cho biết.
Đến 30/4/2016, dự án nâng cấp QL38 sẽ hoàn thành và bàn giao cho Bộ GTVT.
“Thời gian qua, Bộ GTVT đã có nhiều cuộc họp với tỉnh Hải Dương – Bắc Ninh và có văn bản gửi cho tỉnh Hải Dương yêu cầu phải GPMB phải xong trước ngày 30/9/2015. Nhưng đến nay đã giữa tháng 2 nhưng vẫn chưa nhận hết được bàn giao. Hơn nữa, trong 60% giải phóng mặt bằng của tỉnh Hải Dương có 20% theo kiểu cài răng lược. Nghĩa là cách một đoạn lại có hộ chưa giải phóng mặt bằng được. Lý do ở đây có rất nhiều. Trong cuộc họp mới nhất đây nhà đầu tư và địa phương cũng rất quyết tâm. Bên nhà thầu đưa ra tiến độ cuối cùng vào ngày 29/2 phải nhận hết được mặt bằng”, ông Chí cho hay.
“Mặc dù Bộ GTVT đã có công văn nêu rõ, đến ngày 30/9/2015 đối với các đoạn tuyến chưa bàn giao xong mặt bằng sẽ giao lại cho các tỉnh thực hiện bằng nguồn kinh phí của địa phương. Nhưng chúng tôi cũng cố gắng kết hợp, gia hạn với nhau để hoàn thành dự án theo đúng quy mô và tiến độ. Chúng tôi được ký hợp đồng với Bộ GTVT phải thực hiện làm theo đúng tiến độ của hợp đồng. Nếu không giải quyết được hết mặt bằng để nhà thầu làm đúng quy mô, thì địa phương giải phóng mặt bằng đến đâu chúng tôi làm đến đó còn những vị trí nào chưa giải phóng được thì chúng tôi sẽ làm sạch bề mặt đường cũ và trải thảm nhằm thông tuyến”, ông Chí thông tin.
“Việc trải thảm nhựa trên bề mặt cũ sẽ ảnh hưởng đến chất lượng đường và ảnh hưởng đến quá trình thu phí BOT sau này. Trong trường hợp đó chúng tôi sẽ báo cáo lại Bộ GTVT xin ý kiến chỉ đạo để có mức phí BOT phù hợp, tránh bức xúc trong dư luận”, ông Chí nhận định.