Đại gia Việt chạy đua thâu tóm khách sạn Kim Liên

Thai Group của Bầu Thụy và Công ty Cơ điện lạnh của doanh nhân Nguyễn Thị Mai Thanh vừa công bố sẽ tham gia phiên đấu giá cổ phần Công ty du lịch Kim Liên.

Ngày 15/12 là ngày cuối cùng chốt danh sách nhà đầu tư tham gia đấu giá 3,65 triệu cổ phần, tương ứng tỷ lệ 52,43% mà Tổng công ty Đầu tư vốn nhà nước (SCIC) dự định thoái tại Công ty du lịch Kim Liên - đơn vị đang trực tiếp quản lý khách sạn và nhà hàng Kim Liên.

dai-gia-viet-chay-dua-thau-tom-khach-san-kim-lien
Đang có một cuộc đua mua lại khách sạn Kim Liên

Cuộc đua mua lại khách sạn Kim Liên đã nóng ngay từ khi SCIC thông báo sẽ thoái vốn tại công ty này với giá khởi điểm mỗi cổ phiếu là 30.600 đồng. Tổng giá trị của đợt thoái vốn theo giá khởi điểm khoảng 112 tỷ đồng.

Mới đây nhất, Tập đoàn Thaigroup của Bầu Thụy cũng chính thức đánh dấu tên trong bảng danh sách các công ty, cá nhân đăng ký mua cổ phần của Công ty Du lịch Kim Liên. Thaigroup là công ty được thành lập năm 2007, tiền thân là Công ty Xuân Thành Group của doanh nhân Nguyễn Đức Thụy - thường gọi là Bầu Thụy. Công ty có vốn điều lệ 2.500 tỷ đồng.

Ngành nghề kinh doanh chủ yếu là bất động sản, nghỉ dưỡng, xây dựng, sản xuất xi măng. Bầu Thụy từng có thời gian mở rộng đầu tư sang bóng đá, chứng khoán…

Công ty Cơ điện lạnh (Mã CK: REE) của doanh nhân Nguyễn Thị Mai Thanh cũng vừa thông báo sẽ tham gia vào cuộc đua này. Công ty đang có vốn điều lệ khoảng 2.690 tỷ đồng. Với tiềm lực tài chính dồi dào, REE được kỳ vọng là cái tên có thể làm nên chuyện tại phiên đấu giá này.

Trước đó, hàng loạt các nhà đầu tư là các công ty, tập đoàn lớn trên cả nước đã đăng ký mua lại Khách sạn Kim Liên như: Văn Phú Invest, Tổng công ty du lịch Hà Nội, Tổng công ty Bảo hiểm Bưu Điện, Tập đoàn Phú Mỹ, Tập đoàn Phúc Lộc, Tập đoàn Xây dựng miền Trung...

Danh sách các công ty có vốn điều lệ hàng nghìn tỷ đồng tham gia đấu giá

Tên công ty Vốn điều lệ (tỷ đồng
Tổng công ty du lịch Hà Nội 2.850
Tổng công ty Cơ điện lạnh Hà Nội 2.691
Thaigroup 2.500
Tập đoàn Xây dựng Miền Trung 2.089
Tập đoàn Phúc Lộc 2.000
Tập đoàn Đầu tư xây dựng Cường Thịnh Thi 1.089
Tập đoàn Trường Thịnh 1.060
Công ty Đầu tư phát triển Hoàng Thành 925
Tổng công ty Bảo hiểm Bưu điện 804

Theo thống kê, hiện nay có gần 20 nhà đầu tư tổ chức là các doanh nghiệp, tập đoàn đến từ trong nước đăng ký mua cổ phần trong phiên đấu giá. Ngoài ra, còn hàng loạt các nhà đầu tư cá nhân cũng sẵn sàng chi hàng trăm tỷ đồng để sở hữu khách sạn Kim Liên.

Đây mới chỉ là bản đăng ký tham gia mua cổ phần đấu giá. Với việc kinh doanh trên một khu đất rộng nằm ngay ở vị trí trung tâm của khách sạn Kim Liên, phiên đấu giá diễn ra ngày 22/12 tới đây sẽ còn nhiều những bất ngờ.

Trước đó, một nhà đầu tư sinh năm 1992 - ông Vũ Thế Cường đã đăng ký mua toàn bộ số cổ phần đấu giá với mục đích đầu tư tài chính và phát triển kinh doanh.

Công ty du lịch Kim Liên chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực nhà hàng và dịch vụ ăn uống, lưu trú ngắn ngày. Năm 2014, doanh thu của công ty đạt 127 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 13,5 tỷ đồng.

Khách sạn Kim Liên có lịch sử lâu đời ở Hà Nội, có vị trí rất đắc địa khi toạ lạc trên khu đất 3,5ha trên phố Đào Duy Anh (Đống Đa). Tiền thân của khách sạn Kim Liên là khách sạn Bạch Mai được thành lập năm 1961. Khách sạn hiện có 9 toà nhà, 437 phòng và 5 nhà hàng.

Đây không phải là đất thuộc sở hữu của khách sạn Kim Liên mà là đất thuê dài hạn. Tháng 9/2014 UBND TP Hà Nội đã có quyết định cho Công ty du lịch Kim Liên thuê 3,5ha đất với hạn thuê đất 50 năm kể từ năm 1993. Như vậy, thời hạn thuê đất còn tới 2043.

Chuyên đề