Đã thu gần 5 nghìn tỷ đồng tiền thuế từ kinh doanh trên môi trường mạng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tham gia giải trình tại phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 16/3, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, ngành tài chính đã chủ động, chỉ đạo quản lý đối với dòng thuế từ kinh doanh trên mạng internet.
Số thu thuế từ dịch vụ kinh doanh trên mạng năm 2021 đạt 1.317 tỷ đồng. Ảnh minh họa.
Số thu thuế từ dịch vụ kinh doanh trên mạng năm 2021 đạt 1.317 tỷ đồng. Ảnh minh họa.

Năm 2021, số thu thuế từ dịch vụ kinh doanh trên mạng đạt 1.317 tỷ đồng, tăng 15,2% so với năm 2020. Trong thời gian qua, ngành thuế đã thu gần 5.000 tỷ đồng từ kinh doanh trên môi trường mạng. Một số doanh nghiệp có số nộp thuế lớn như Facebook là 1.694 tỷ đồng, Google là 1.618 tỷ đồng, Microsoft 576 tỷ đồng và thương mại xuyên biên giới 1.317 tỷ đồng...

Bộ Tài chính cũng đã chỉ đạo Tổng cục Thuế xây dựng cổng thông tin điện tử về kê khai thuế trên môi trường mạng và xuyên biên giới, dự kiến khai trương ngày 21/3 để doanh nghiệp nước ngoài khi bán hàng xuyên biên giới có thể trực tiếp kê khai thuế, nộp thuế.

Đồng thời, Bộ Tài chính cũng kết nối cơ sở dữ liệu của thuế với dữ liệu dân cư của Bộ Công an, lấy mã định danh dân cư làm mã định danh thuế.

Bộ trưởng cho biết, Bộ Tài chính đang tập trung xây dựng trung tâm dữ liệu điện tử về thuế và áp dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) trong phân tích dữ liệu để phát hiện rủi ro về thu thuế. Ngày 31/3, sẽ áp dụng nộp thuế điện tử trên điện thoại di động thay vì đến cơ quan thuế. 63 tỉnh thành sẽ thực hiện hóa đơn điện tử từ 1/7.

2 năm gần đây, hành lang pháp lý cho quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử (TMĐT) đã được xây dựng.

Theo đó, Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 có hiệu lực thi hành từ 1/7/2020 đã thiết lập nền tảng pháp lý vững chắc cho hoạt động quản lý thuế đối với lĩnh vực kinh doanh này. Cụ thể, đã bổ sung nghĩa vụ phải đăng ký, kê khai, nộp thuế đối với nhà cung cấp nước ngoài kinh doanh TMĐT, kinh doanh dựa trên nền tảng số nhưng không có cơ sở thường trú tại Việt Nam; bổ sung quy định về quyền hạn và trách nhiệm của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong quản lý thuế đối với TMĐT.

Để hướng dẫn thi hành Luật Quản lý thuế, các nội dung về quản lý thuế đối với TMĐT đã được hướng dẫn tại Nghị định 126/2020/NĐ-CP, Thông tư 105/2020/TT-BTC, Thông tư 40/2021/TT-BTC, Thông tư 80/2021/TT-BTC và Thông tư 100/2021/TT-BTC.

Bên cạnh việc áp dụng các nghiệp vụ quản lý thuế thông thường, thời gian vừa qua, ngành tài chính đã triển khai các nghiệp vụ đặc thù để kiểm soát giao dịch TMĐT, như ban hành Quyết định số 2146/QĐ-BTC về Đề án Quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT. Trong đó, xác định rõ các nội dung, phương pháp và các biện pháp quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT.

Theo đó, Bộ Tài chính triển khai ký thỏa thuận phối hợp công tác với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công Thương, trong đó có nội dung phối hợp xây dựng, hoàn thiện pháp luật trong lĩnh vực TMĐT; chia sẻ cơ sở dữ liệu, kết nối để khai thác thông tin phục vụ cho công tác quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh TMĐT.

Cơ quan thuế cũng đã tiến hành rà soát dữ liệu về các tổ chức, cá nhân có thu nhập nhận được từ các trang mạng xã hội như Google, Facebook, Youtube… để thông báo kê khai, nộp thuế; phối hợp với các ngân hàng thương mại truy xuất dòng tiền, thực hiện thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm theo quy định.

Chuyên đề