Cuối năm 2020, nợ xấu nội bảng có thể ở mức trên 4%

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Dự kiến nợ xấu nội bảng toàn hệ thống ngân hàng dự báo có thể tăng lên 4% vào cuối năm nay, cao hơn so với mức 1,89% cuối năm 2019 do tăng trưởng tín dụng thấp, doanh nghiệp vẫn còn khó và Thông tư 01 hết hiệu lực.
Doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn là một trong những nguyên nhân khiến nợ xấu tăng. Ảnh: Internet
Doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn là một trong những nguyên nhân khiến nợ xấu tăng. Ảnh: Internet

Đó là dự báo của Viện Nghiên cứu và Đào tạo BIDV tại báo cáo kinh tế vĩ mô 6 tháng vừa công bố.

Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, tính đến 19/6/2020, tăng trưởng tín dụng ở mức 2,45% so với đầu năm, mức thấp so với cùng kỳ các năm trước (6 tháng năm 2019 tăng 7,36%, 6 tháng 2018 tăng 7,82%) do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đã làm suy giảm tổng cầu của nền kinh tế và nhu cầu vay vốn.

Trong đó, tín dụng lĩnh vực nông nghiệp nông thôn tăng 0,35%, sản xuất xuất khẩu tăng 4,94%, công nghệ cao tăng 2,92%, công nghiệp hỗ trợ tăng 2,27%, cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa giảm 0,7%.

Mặc dù dịch bệnh đã được khống chế tại Việt Nam từ đầu tháng 5 và các hoạt động kinh tế - xã hội dần được khôi phục song trong bối cảnh thương mại toàn cầu suy giảm, nhu cầu tiêu dùng của người dân chưa thực sự hồi phục và hoạt động của doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn khiến nhu cầu tín dụng ở mức thấp, dù lãi suất cho vay giảm.

Bên cạnh đó, rủi ro nợ xấu tăng lên khiến các tổ chức tín dụng dù tích cực thực hiện chủ trương của NHNN về hỗ trợ doanh nghiệp (miễn giảm lãi suất, giữ nguyên nhóm, gia hạn, tái cơ cấu nợ…) nhưng vẫn thận trọng (không hạ chuẩn) trong việc xét duyệt các khoản vay mới.

Bên cạnh đó, tính đến 19/6/2020, tổng phương tiện thanh toán tăng 4,59% và huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 4,35% (thấp hơn so với cùng kỳ năm 2019 là 6,05% và 6,09%).

Đây là sự cải thiện rõ rệt so với 4 tháng đầu năm khi tổng huy động vốn 4 tháng đầu năm chỉ tăng 0,07% so với cùng kỳ. Tăng trưởng huy động vốn cao hơn tăng trưởng tín dụng trong nửa đầu năm 2020 một mặt cho thấy thanh khoản của hệ thống được cải thiện, nhưng mặt khác cho thấy khó khăn của các tổ chức tín dụng trong việc thúc đẩy tăng trưởng tín dụng .

Dự báo trong 6 tháng cuối năm, lãi suất tiếp tục ổn định hoặc có thể giảm nhẹ (0,25%) với tác động của một số yếu tố. Đó là, NHNN tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng nhằm duy trì thanh khoản cho hệ thống (dư địa tiếp tục giảm lãi suất vẫn còn song không nhiều trong bối cảnh lạm phát vẫn duy trì ở mức cao và áp lực thâm hụt ngân sách gia tăng).

Bên cạnh đó, nhu cầu tín dụng dù có khả năng phục hồi song mức tăng trưởng tín dụng cả năm sẽ không quá lớn (dự kiến 9 - 10%).

Tỷ giá duy trì xu hướng ổn định. Trong 6 tháng cuối năm, dự báo tỷ giá có thể chịu áp lực tăng giá từ những biến động từ thị trường quốc tế song mức tăng sẽ không quá lớn nhờ một số yếu tố hỗ trợ. Đó là, dự trữ ngoại hối đầy đủ (cuối tháng 4/2020 ở mức 84 tỷ USD, tương đương gần 4 tháng nhập khẩu, cao hơn mức khuyến nghị dự trữ ngoại hối trung bình ở mức 3 tháng nhập khẩu đối với các nước đang phát triển).

Bên cạnh đó, triển vọng tăng trưởng kinh tế tốt (Việt Nam là một trong số ít các nước được IMF, WB, ADB dự báo giữ được mức tăng trưởng dương trong năm 2020).

Đồng thời, thương mại dự kiến tiếp tục thặng dư; trong khi kiều hối có thể suy giảm 10 - 20% song vẫn sẽ góp phần bổ sung nguồn ngoại tệ. Do đó, tỷ giá năm 2020 dự kiến tăng ở mức 1,5 - 2% so với cuối năm trước.

Dự kiến nợ xấu nội bảng toàn hệ thống ngân hàng dự báo có thể tăng lên 4%, cao hơn so với mức 1,89% cuối năm 2019 do tăng trưởng tín dụng ở mức thấp, hoạt động của doanh nghiệp gặp khó khăn trong bối cảnh kinh tế tăng trưởng thấp. Ngoaifra, Thông tư 01 hết hiệu lực vào cuối năm khiến dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 (khoảng 23% tổng dư nợ) không còn được giữ nguyên nhóm nợ khiến quy mô nợ xấu tăng lên.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư