“Cuộc chơi” không như mơ của DATC tại Haprosimex

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC) vừa thông báo bán đấu giá toàn bộ cổ phần sở hữu tại Công ty CP Tập đoàn Haprosimex (chiếm 99,78% vốn điều lệ) kèm khoản nợ phải thu có giá trị hơn 325 tỷ đồng tại doanh nghiệp này với giá khởi điểm chỉ gần 198 tỷ đồng. DATC thoái sạch vốn tại Haprosimex sau nhiều năm thực hiện tái cơ cấu nhưng chưa mang lại kết quả tích cực.
Tính đến cuối năm 2020, lỗ lũy kế của Haprosimex lên đến 282 tỷ đồng, vượt xa vốn điều lệ 120 tỷ đồng. Ảnh St
Tính đến cuối năm 2020, lỗ lũy kế của Haprosimex lên đến 282 tỷ đồng, vượt xa vốn điều lệ 120 tỷ đồng. Ảnh St

Haprosimex tiền thân là Liên hiệp các hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp Hà Nội thành lập năm 1993. Tháng 2/2017, Công ty tiến hành cổ phần hóa khi bán đấu giá gần 4 triệu cổ phần ra công chúng tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX). Tuy nhiên, chỉ có 2 cá nhân mua 0,78% số lượng cổ phần trên. Theo nguồn tin từ một cán bộ của Haprosimex, sau đó DATC đã mua lại số cổ phần không bán hết và nắm giữ hơn 90% vốn điều lệ của Haprosimex.

Sau khi cổ phần hóa, Haprosimex định hướng tập trung vào 3 lĩnh vực: sản xuất và kinh doanh các sản phẩm may mặc, chủ yếu là hàng dệt kim, được sản xuất bằng thiết bị tiên tiến, công nghệ cao; kinh doanh xuất nhập khẩu hàng may mặc, thủ công mỹ nghệ, nông sản, và quản lý vốn tại các công ty có vốn đầu tư từ trước; khai thác, xử lý và cung cấp nước sạch.

Năm 2017, năm đầu tiên thực hiện tái cơ cấu toàn diện, Haprosimex đặt mục tiêu 563 tỷ đồng doanh thu. Các năm 2018 và 2019, Công ty đặt mục tiêu doanh thu lần lượt là 701 tỷ đồng và 838 tỷ đồng. Trong cơ cấu doanh thu của Haprosimex, nhà máy dệt kim mang lại nguồn thu chính, chiếm trên 60% tổng doanh thu. Về chỉ tiêu lợi nhuận trong 3 năm sau cổ phần hóa, Công ty đặt mục tiêu có lãi 24 tỷ đồng năm 2017. Hai năm tiếp theo, Công ty đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận hàng năm lần lượt là 30% và 23%. Đặc biệt, Công ty đặt ra kế hoạch trả cổ tức 5% trong năm 2017 và tăng thêm 5% cho các năm tiếp theo.

Tham vọng tái cơ cấu Haprosimex hoạt động hiệu quả trở lại là vậy, nhưng thực tế, Công ty ngập trong thua lỗ. Cụ thể, năm 2018 và 2019, doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ đều đạt chưa đến 3 tỷ đồng, lỗ ròng lần lượt gần 42 tỷ đồng và 40,1 tỷ đồng. Năm 2020, Công ty tiếp tục thua lỗ 38,1 tỷ đồng. Từ năm 2017 đến nay, Haprosimex chỉ còn duy trì hoạt động cầm chừng với mảng dệt may và cho thuê văn phòng, nhà xưởng. Doanh thu ít ỏi nhưng phải chịu chi phí lãi vay và quản lý doanh nghiệp là nguyên nhân dẫn đến tình trạng hiện nay của Haprosimex. Tính đến cuối năm 2020, lỗ lũy kế của Haprosimex lên đến 282 tỷ đồng, vượt xa số vốn điều lệ 120 tỷ đồng.

Cùng với bức tranh kinh doanh ảm đạm, bức tranh tài chính của Haprosimex cũng không mấy sáng sủa. Tính đến thời điểm cuối năm 2020, tổng nợ phải trả của Công ty là gần 432 tỷ đồng, tăng 5% so với thời điểm đầu năm và gấp 1,6 lần tổng tài sản. Trong khi đó, số dư tiền mặt của Công ty còn chưa đến 100 triệu đồng.

Haprosimex hiện quản lý và sử dụng 4 cơ sở nhà đất trên địa bàn TP. Hà Nội gồm 353 m2 đất tại số 22 phố Hàng Lược, quận Hoàn Kiếm đang được sử dụng làm trụ sở làm việc; 81 m2 đất tại số 115 phố Đội Cấn; 30.862,75 m2 đất tại Khu công nghiệp Ninh Hiệp, Gia Lâm và 7.800 m2 đất tại lô số 1 - CN1, Cụm công nghiệp vừa và nhỏ Nguyên Khê, huyện Đông Anh dùng để xây dựng trạm cung cấp nước.

Với hoạt động kinh doanh không mấy khả quan và tình hình tài chính yếu kém, DATC không dễ tìm được người mua cổ phần Haprosimex và khoản nợ phải thu trong thương vụ đấu giá này.

Chuyên đề