Điều quan trọng trong điều hành chính sách tỷ giá là phải đem lại lợi ích cho xuất khẩu, cho nền kinh tế. Ảnh: Lê Tiên |
Theo các chuyên gia, thời gian tới, lãi suất cần phải điều hành “rất nhuyễn” để bảo đảm giữ được mục tiêu lớn ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát nhưng vẫn hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Tác động từ cuộc chiến tiền tệ
Xung quanh ảnh hưởng của động thái phá giá đồng nhân dân tệ của Trung Quốc trong căng thẳng thương mại với Mỹ, ông Ngô Đăng Khoa - Giám đốc Khối kinh doanh tiền tệ và thị trường vốn thuộc Ngân hàng HSBC Việt Nam cho rằng, Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, trong khi Việt Nam có tỷ trọng nhập siêu lớn từ Trung Quốc nên bất kỳ biến động nào trên cán cân thương mại với hệ lụy là cuộc chiến tiền tệ sẽ có những tác động đến hoạt động xuất nhập khẩu của nước ta.
Tỷ giá đã bắt đầu "nổi sóng" từ cuối tháng 6 đến nay. Trên thị trường liên ngân hàng, tỷ giá đã tăng từ 22.800 VND lên 23.040 VND đổi 1 USD trong tháng 6. Tỷ giá trên bảng niêm yết của các ngân hàng thương mại cũng liên tục tăng vượt qua mốc 23.000 VND/USD, còn giá trên thị trường tự do có lúc đạt mức đỉnh điểm là 23.230 VND/USD.
Cụ thể, sáng 16/7, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố tỷ giá trung tâm của VND với USD ở mức 1 USD bằng 22.653 VND, tăng 5 VND so với cuối tuần trước. Với biên độ +/-3%, tỷ giá trần các ngân hàng được áp dụng ngày 16/7 là 23.332 VND và tỷ giá sàn là 21.973 VND. Tuần trước, tỷ giá trung tâm đã có 4 ngày tăng liên tiếp và mới chỉ giảm được 5 VND hôm thứ Sáu, ngày 13/7.
Tại các ngân hàng, giá USD đầu giờ sáng ngày 16/7 khá tĩnh lặng. Vietcombank niêm yết ở mức 23.010 - 23.080 VND (mua vào - bán ra) đổi 1 USD. Sacombank là ngân hàng niêm yết tỷ giá ở mức cao nhất trên thị trường, điều chỉnh giảm 2 VND so với cuối tuần trước, hiện niêm yết tại 23.009 - 23.102 VND. Giá USD tại Techcombank, VIB, DongABank... vẫn như cuối tuần trước, hiện là 22.990 - 23.090 VND.
Tại thị trường tự do, giá USD đầu giờ sáng ngày 16/7 vẫn niêm yết tương tự cuối tuần trước, quanh 23.230 VND.
Tỷ giá bị “vạ lây”
Những diễn biến trên thị trường ngoại tệ có vẻ bình lặng, nhưng theo phân tích của giới chuyên môn, tỷ giá trong nước vẫn chịu ảnh hưởng bởi hàng loạt áp lực bên trong lẫn bên ngoài.
Theo phân tích của Ngân hàng VietinBank, diễn biến khó lường của USD và nhân dân tệ trên thị trường thế giới khi Mỹ - Trung chính thức áp thuế đối với hàng hóa của nhau cũng như Trung Quốc hạ 0,5% tỷ lệ dự trữ bắt buộc từ ngày 5/7 cũng tạo áp lực nhất định lên tỷ giá trong nước. Vì khi Trung Quốc hạ 0,5% tỷ lệ dự trữ bắt buộc, tương đương với 108 tỷ USD được bơm vào thị trường...
Ông Bùi Quốc Dũng, Trợ lý Trưởng ban Kinh tế Trung ương, nguyên Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ thuộc NHNN cho rằng, mức tăng 1,4% của tỷ giá từ đầu năm đến nay là không nhiều. Tuy nhiên, theo ông Dũng, nhà đầu tư bị ảnh hưởng nặng bởi yếu tố tâm lý, khi cùng lúc có quá nhiều thông tin như cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, chứng khoán giảm mạnh, trong khi người dân lại quá quen với tỷ giá ổn định.
Thêm vào đó, ngân hàng cũng góp phần "khuấy động" giá USD. Lãi suất liên ngân hàng ở mức thấp nên tâm lý của các ngân hàng thương mại cũng muốn nắm giữ USD nhiều hơn.
Phân tích sâu về sự ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, ông Bùi Ngọc Sơn thuộc Viện Kinh tế và Chính trị thế giới cho rằng, cuộc chiến này sẽ đem tới những bất lợi cho nền kinh tế Việt Nam. Do vậy, không phải cứ giữ ổn định tỷ giá là tốt, mà điều quan trọng trong điều hành chính sách tỷ giá là phải đem lại lợi ích cho nền kinh tế. Chính sách tỷ giá phải điều chỉnh để có lợi cho xuất khẩu.
Bên cạnh đó, phải thay đổi quan điểm khi điều hành tỷ giá, không nên chỉ chú trọng tới tỷ giá giữa VND với USD mà phải "nhìn ngó" tới đồng nhân dân tệ.
Về giải pháp cho vấn đề này, TS. Võ Trí Thành, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho hay, như diễn biến hiện tại, không thể đặt vấn đề giảm lãi suất huy động cũng như giảm lãi suất cho vay. Vấn đề quan trọng nhất hiện nay là làm sao giữ được mức lãi suất như hiện tại; hoặc là có thay đổi thì rất nhỏ đã là thành công rất lớn trong điều hành chính sách lãi suất.
“Dù chưa thể khẳng định ở ngay thời điểm này, nhưng tôi nghĩ rằng, với kinh nghiệm trong điều hành thời gian qua, NHNN sẽ có những giải pháp điều hành phù hợp để giữ được mặt bằng lãi suất như hiện nay. Chẳng hạn, theo dõi tình hình để bơm - hút, căn chỉnh liều lượng tiền đưa ra nền kinh tế cho thích hợp. Chắc chắn với tình hình hiện nay, tôi nghĩ rằng, NHNN sẽ thận trọng hơn trong việc tăng cung tiền, tín dụng” - TS. Thành nhận định.