“Cuộc cách mạng” làm sạch dữ liệu nhà đầu tư chứng khoán

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Sau chuỗi tăng hàng trăm nghìn tài khoản mới mỗi tháng, lần đầu tiên thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam chứng kiến việc giảm ròng số tài khoản lên tới hơn 377 nghìn trong tháng 10/2023. Việc rà soát, đóng các tài khoản không giao dịch nhằm trả số liệu về thực chất, phòng/tránh các hành vi lừa đảo, mở nhiều tài khoản, thao túng thị trường.
Nguồn: Ủy ban Chứng khoán Nhà nước
Nguồn: Ủy ban Chứng khoán Nhà nước

Trong chỉ đạo mới đây của Thủ tướng Chính phủ, ngành chứng khoán phải kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để làm sạch dữ liệu người tham gia giao dịch, mục tiêu hoàn thành trong tháng 11/2023.

Xóa tài khoản trùng lặp, không phát sinh giao dịch

Theo thông tin về số lượng tài khoản giao dịch được Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSDC) công bố, số lượng tài khoản giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư tại ngày 31/10/2023 là hơn 7.445,5 nghìn tài khoản, bao gồm 7.425,1 nghìn tài khoản của nhà đầu tư cá nhân và 20.408 tài khoản của nhà đầu tư tổ chức.

Cũng theo số liệu của VSDC, tháng 10/2023 có 167.659 tài khoản chứng khoán được mở mới và có tới 545.386 tài khoản đóng lại, qua đó ghi nhận tháng đầu tiên trong lịch sử TTCK Việt Nam giảm ròng số lượng tài khoản, lên tới 377,7 nghìn tài khoản.

Thực tế, đóng bớt tài khoản chứng khoán theo yêu cầu của khách hàng khi không còn nhu cầu sử dụng dịch vụ là nghiệp vụ phát sinh thường xuyên tại các công ty chứng khoán (CTCK). Từ đầu năm tới nay, số lượng tài khoản đóng có xu hướng tăng khi các CTCK thực hiện yêu cầu rà soát của các cơ quan quản lý theo quy định “tại mỗi CTCK, mỗi nhà đầu tư chỉ được mở 1 tài khoản”, dẫn đến việc đóng bớt các tài khoản trùng lặp của khách hàng, nguyên nhân chủ yếu do khách hàng đã mở tài khoản bằng Chứng minh nhân dân, sau đó vô tình mở thêm tài khoản bằng Căn cước công dân. Tuy vậy, số tài khoản đóng chưa bao giờ vượt số tài khoản mở mới cho tới tháng 10/2023.

Theo VSDC, số tài khoản đóng nhiều nhất trong tháng qua được ghi nhận tại Công ty CP Chứng khoán MB (MBS) với 543.753 tài khoản, nguyên nhân là CTCK này đang trong quá trình rà soát danh sách các tài khoản mở tại MBS và chủ động đóng các tài khoản không phát sinh giao dịch.

Theo số liệu của Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam, hiện có 76 CTCK là thành viên giao dịch trên TTCK niêm yết. Nếu các CTCK khác cũng thực hiện hoạt động rà soát tương tự MBS, số tài khoản có thể sẽ giảm tới hàng triệu. Tuy vậy, cho tới nay, thị trường chưa ghi nhận CTCK nào công bố chủ động rà soát, đóng bớt tài khoản không hoạt động như MBS.

Giảm nguy cơ thuê giấy tờ tùy thân mở tài khoản

Ngày 10/11/2023, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) công bố quyết định xử phạt vi phạm hành chính 1,5 tỷ đồng đối với ông Nguyễn Hữu Đức (địa chỉ tại TP. Đà Nẵng) do có hành vi vi phạm thao túng TTCK. Cụ thể, trong khoảng thời gian từ 4/1 - 17/6/2022, ông Nguyễn Hữu Đức sử dụng tài khoản chứng khoán của chính mình và 75 tài khoản của 21 nhà đầu tư để liên tục mua, bán, giao dịch cổ phiếu của Công ty CP Địa ốc First Real (FIR) nhằm tạo cung, cầu giả, thao túng giá cổ phiếu FIR.

Trong các vụ việc tương tự bị UBCKNN xử phạt, con số tài khoản mượn tên để giao dịch thường xuyên lên đến vài chục. Thậm chí, trong vụ việc vi phạm liên quan tới lĩnh vực đầu tư, chứng khoán tại Công ty CP Tập đoàn FLC, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an công bố kết luận điều tra mới đây cho biết, ông Trịnh Văn Quyết đã chỉ đạo em gái là bà Trịnh Thị Minh Huế liên hệ với 45 người thân, họ hàng để làm các thủ tục thành lập, đứng tên 20 doanh nghiệp và mở tới 500 tài khoản chứng khoán nhằm thao túng chứng khoán. Như vậy, trung bình thông tin mỗi cá nhân được sử dụng để mở tới 11 tài khoản.

Với sự bùng nổ của công nghệ, kênh đầu tư chứng khoán ngày càng được “phổ cập” rộng rãi, nhà đầu tư có thể dễ dàng và nhanh chóng tạo tài khoản chính chủ với chi phí gần như bằng 0, chi phí duy trì tài khoản gần như không có. Việc mở tài khoản dễ dàng dẫn đến tình trạng thuê, mượn giấy tờ tùy thân mở tài khoản, “mua tay trái, bán tay phải” của cùng một chủ thể. Theo một số chuyên gia, nếu không được kiểm soát chặt, việc mở tài khoản chứng khoán qua công nghệ eKYC sẽ làm phát sinh nguy cơ các đối tượng sử dụng giấy tờ tùy thân giả qua mặt hệ thống công nghệ của các CTCK để mở tài khoản.

Liên quan tới một số vi phạm trong lĩnh vực đầu tư, chứng khoán gần đây, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an cho biết, đã nhận thấy một số sơ hở, thiếu sót trong các quy định của pháp luật về hoạt động chứng khoán để các đối tượng lợi dụng, thực hiện hành vi phạm tội, trong đó có việc mở tài khoản chứng khoán dễ dàng, không kiểm soát dẫn đến các đối tượng lợi dụng thuê, nhờ người khác đứng tên mở tài khoản để mua bán, tạo cung cầu giả, đẩy giá lên cao, bán ra thu lợi bất chính.

Bởi vậy, việc rà soát lại toàn bộ dữ liệu tài khoản chứng khoán, kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được đánh giá là cần thiết, góp phần giảm nguy cơ thuê, mượn giấy tờ tùy thân mở tài khoản, thao túng, lũng đoạn thị trường.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư