Covid-19 làm khó việc xử lý nợ xấu

(BĐT) - Nợ xấu của các ngân hàng thương mại đã và đang được xử lý tích cực trong những năm vừa qua. Tuy nhiên, diễn biến khó lường của dịch bệnh Covid-19 đang gây khó cho hoạt động của nhiều doanh nghiệp, do đó, nỗ lực giảm nợ xấu trong hệ thống ngân hàng sẽ càng thách thức.
Tính từ năm 2012 đến nay, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý được 1.064 nghìn tỷ đồng nợ xấu. Ảnh: Nhã Chi
Tính từ năm 2012 đến nay, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý được 1.064 nghìn tỷ đồng nợ xấu. Ảnh: Nhã Chi

Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho biết, đến cuối năm 2019, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của toàn hệ thống ở mức 1,89%. Tính từ năm 2012 đến nay, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý được 1.064 nghìn tỷ đồng nợ xấu.

Báo cáo tài chính năm 2019 của 22 ngân hàng cho thấy, tính đến 31/12/2019, có 6/22 ngân hàng có số nợ xấu giảm so với đầu năm. Điều hình trong số đó là VietinBank, ACB và MSB với mức giảm lần lượt 21%, 13% và 11%. Một số ngân hàng có tổng nợ xấu tăng mạnh như SeABank tăng 80%, TPBank tăng 43%, ABBank tăng 33,34%. Tại thời điểm cuối năm 2019, tổng số nợ xấu của 22 ngân hàng ở mức 78.522 tỷ đồng, tăng 41% so với cuối năm 2018.

Về tỷ lệ nợ xấu so với dư nợ tín dụng, đứng đầu danh sách các ngân hàng này là VPBank với 3,42%, PGBank với 2,8%, SeABank và ABBank cùng ở mức 2,31%. Đáng chú ý, 3 ngân hàng có tỷ lệ này dưới 1% là Vietcombank với 0,78%, Bắc Á Bank với 0,68% và ACB với 0,54%.

Một điểm tích cực khác trong bức tranh nợ xấu là có 11 ngân hàng thương mại đã công bố sạch nợ tại Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), gồm: Kienlongbank, Vietcombank, VIB, Techcombank, TPBank, NamABank, OCB, Agribank, SeABank, MB và VPBank.

Bình luận về diễn biến nợ xấu của các ngân hàng thương mại, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, tỷ lệ nợ xấu nội bảng cuối năm 2019 ở mức dưới 2% là một tín hiệu cho thấy đã có chuyển biến tích cực, tỷ lệ nợ xấu đã giảm đáng kể so với giai đoạn trước đó. Đáng chú ý, nhiều ngân hàng đã sạch nợ xấu tại VAMC.

Tuy nhiên, điều đáng ngại là một số ngân hàng vẫn còn tỷ lệ nợ xấu tăng mạnh trong năm qua và tỷ lệ nợ xấu vẫn ở mức cao so với tổng dư nợ. Điều này lại càng đáng lo hơn trong năm nay khi nợ xấu có thể gia tăng bởi nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn do dịch Covid-19, đặc biệt là các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, du lịch, hạ tầng giao thông.

“Mức độ tác động cụ thể với nợ xấu sẽ được nhìn rõ hơn ở báo cáo tài chính của các ngân hàng trong các quý tiếp theo. Trước mắt, có thể thấy rõ là việc giảm tỷ lệ nợ xấu sẽ gặp thách thức đáng kể trong năm nay”, ông Hiếu nhấn mạnh.

Để hỗ trợ các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, Ngân hàng Nhà nước đang soạn thảo Thông tư quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona.

Nhận xét về động thái này của cơ quan điều hành chính sách tiền tệ, ông Hiếu cho rằng, chính sách đó sẽ có lợi cho cả doanh nghiệp và ngân hàng. Khi gặp trở ngại về kinh doanh dẫn đến khó có khả năng trả nợ cho ngân hàng, các doanh nghiệp có thể đề xuất được giãn nợ, cơ cấu lại nợ và có thể được giảm lãi suất vay. Về phía ngân hàng, việc giữ nguyên nhóm nợ có thể giúp các ngân hàng không phải tăng mức trích lập dự phòng do nợ xấu gia tăng.

Tuy nhiên, cũng theo vị chuyên gia này, điều đáng ngại là cần kiểm soát chặt chẽ để tránh tình trạng lợi dụng nhằm cơ cấu lại nợ hoặc giảm lãi suất với những khoản vay không đủ điều kiện được hưởng ưu đãi. Do đó, ông Hiếu đề xuất, Ngân hàng Nhà nước cần yêu cầu các ngân hàng thương mại hàng tháng phải có báo cáo cập nhật về tình hình cơ cấu nợ, giãn nợ và xem xét kỹ các điều kiện thực hiện, có chế tài xử lý nghiêm với các trường hợp vi phạm quy định.

Chuyên đề