Công ty Nga nuôi tham vọng đóng tàu sân bay hạt nhân khổng lồ

Trung tâm nghiên cứu Nhà nước Krylov đang tích cực vận động chính phủ Nga cho chế tạo tàu sân bay hạt nhân thuộc Đề án 23000E Shtorm.

Mô phỏng hình dáng và tính năng của Đề án 23000E

Tàu sân bay thuộc Đề án 23000E "Shtorm" có kích cỡ và tính năng tương đương các siêu tàu sân bay lớp Nimitz hoặc Ford của Mỹ. Bộ Quốc phòng Nga không thực sự quan tâm tới dự án này, nhưng Trung tâm nghiên cứu Nhà nước Krylov (KGNTs) đang cố gắng thuyết phục hải quân Nga mua một chiếc, theo National Interest

"Dù có nhiều sự quan tâm tích cực tới dự án, chưa có đề xuất từ phía Bộ Quốc phòng Nga hay các đối tác nước ngoài", ông Vladimir Pepeliaev, trưởng bộ phận Kế hoạch của KGNTs cho biết. Công ty này cũng hy vọng nhận được hợp đồng từ một khách hàng nước ngoài, có thể là hải quân Ấn Độ.

Ông Pepeliaev cho biết Nga có khả năng chế tạo tàu sân bay Đề án 23000E tại nhà máy Sevmash, phía bắc nước này. Đây cũng là nơi từng tân trang tàu sân bay Đô đốc Gorshkov của Liên Xô thành chiếc INS Vikramaditya cho hải quân Ấn Độ.

Tuy nhiên, từ khi Liên Xô tan rã, Nga chưa bao giờ đóng một tàu sân bay mới. Tất cả hàng không mẫu hạm từ thời Liên Xô đều được chế tạo tại nhà máy đóng tàu Nikolayev, nằm tại Ukraine ngày nay. Điều đó khiến giới phân tích quốc phòng Mỹ và Nga hoài nghi về triển vọng của việc chế tạo tàu sân bay Đề án 23000E.

Theo thiết kế, tàu sân bay Đề án 23000E dài khoảng 330 m, rộng 40 m, giãn nước đầy tải tới 100.000 tấn. Tàu có thể chở theo 90 máy bay các loại, bao gồm tiêm kích MiG-29K và phiên bản hải quân của tiêm kích tàng hình Sukhoi T-50, máy bay cảnh báo sớm và chỉ huy trên không, cũng như trực thăng Ka-27. Đề án 23000E vẫn sử dụng phương thức nhảy cầu (ski-jump) cho máy bay, thay vì hệ thống phóng hơi nước hay điện từ.

Mô hình tàu sân bay lớp Shtorm được KGNTs giới thiệu năm 2016. Ảnh:Global Security.

"Điều đó không khả thi cả về mặt kỹ thuật và quan điểm tài chính. Bộ Quốc phòng Nga không thể hiện sự quan tâm đến dự án này. Nói cách khác, KGNTs đang cố gắng để ai đó chú ý đến thiết kế của họ, nhưng quân đội Nga không muốn loại tàu sân bay này", Dmitry Gorenburg, chuyên gia về vấn đề quân sự Nga tại Trung tâm Phân tích Hải quân (CNA) Mỹ cho biết.

Các chuyên gia quốc phòng Nga cũng đồng ý với đánh giá của Gorenburg.

"Tất nhiên nó sẽ không được chế tạo. Hải quân Nga gặp vấn đề rất lớn trong việc thay thế số ít tàu khu trục Đề án 1155 và 956 vẫn hoạt động. Trong tình thế như vậy, ý tưởng về tàu sân bay là điều không thực tế", nhà phân tích quốc phòng Vasily Kashin tuyên bố.

Nga là một cường quốc lục địa, tàu sân bay không có nhiều giá trị quân sự đối với nước này. Chúng chủ yếu phục vụ với vai trò biểu tượng cho sức mạnh siêu cường của Moscow. Hơn nữa, Nga phải mất một thời gian trước khi đủ khả năng chế tạo chiến hạm có kích thước của Shtorm.

"Tôi nghĩ Nga sẽ mất ít nhất 5 năm để chuẩn bị cơ sở hạ tầng tại Sevmash, trước khi họ có thể bắt đầu đóng con tàu sân bay này", Gorenburg nói.

KGNTs cũng khó có khả năng thu hút khách hàng nước ngoài tiềm năng như Ấn Độ. New Delhi chưa quên trải nghiệm không mấy vui vẻ với việc tân trang tàu sân bay INS Vikramaditya, khi dự án liên tục bị trì hoãn và đội giá quá cao so với kế hoạch. Ấn Độ nhiều khả năng sẽ tự sản xuất tàu sân bay nội địa, thay vì dựa vào các nhà máy đóng tàu của Nga.

Như vậy, Shtorm có thể chỉ là một dự án nằm trên giấy trong tương lai gần. Nga có thể vẫn cân nhắc thay thế Đô đốc Kuznetsov, tàu sân bay duy nhất của nước này. Tuy nhiên, quyết định chế tạo con tàu lớn có thể mất tới hàng năm hoặc thậm chí hàng chục năm.

Chuyên đề