Ảnh minh họa. Nguồn Internet |
Đây là kết quả nghiên cứu về “Minh bạch trong công bố thông tin của doanh nghiệp: Đánh giá các công ty đa quốc gia ở thị trường mới nổi” năm 2016 (TRAC EMM) của Tổ chức Minh bạch quốc tế (TI) vừa được công bố.
Trong lĩnh vực công bố chương trình phòng, chống tham nhũng (PCTN) nội bộ, 18/22 công ty có hoạt động ở Việt Nam không công bố chính sách nghiêm cấm các khoản chi phí bôi trơn, và 16/22 công ty không công bố yêu cầu các cơ sở đại diện của họ ở Việt Nam phải tuân thủ các chính sách PCTN như đang áp dụng tại trụ sở.
Trong lĩnh vực minh bạch về cơ cấu tổ chức, điểm trung bình của 22 công ty nói trên là 3,9/10. Nhiều công ty thậm chí không công bố tên của các công ty con mà họ sở hữu toàn bộ tại Việt Nam.
Trong lĩnh vực công bố số liệu tài chính của công ty tại các quốc gia mà họ hoạt động, có sự khác biệt lớn giữa mức độ công ty công bố dữ liệu trong nước và ở nước ngoài. Đặc biệt, 19/22 công ty có hoạt động tại Việt Nam không công khai các số liệu tài chính cơ bản (như doanh thu, chi phí vốn, thu nhập trước thuế, thuế và các khoản đóng góp cho cộng đồng) liên quan đến các hoạt động tại Việt Nam, trong khi vẫn công bố những số liệu này ở quốc gia nơi họ đặt trụ sở.
Cũng theo TI, công bố thông tin là yêu cầu và hoạt động cơ bản để doanh nghiệp thể hiện và đảm bảo tính công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình cũng như xây dựng niềm tin với khách hàng, đối tác và công chúng. Để tăng cường công khai minh bạch, các doanh nghiệp cần thông tin đầy đủ về chương trình PCTN nội bộ, cơ cấu tổ chức và số liệu tài chính cơ bản tại các quốc gia mà doanh nghiệp hoạt động. Thông tin nên được thể hiện bằng ngôn ngữ địa phương và ít nhất một ngôn ngữ quốc tế để tạo điều kiện cho việc theo dõi của công chúng.
Bên cạnh đó, các quy định pháp luật điều chỉnh việc công khai thông tin của doanh nghiệp có thể tạo ra tác động to lớn và bền vững. Chính phủ Việt Nam cần ban hành quy định yêu cầu doanh nghiệp công bố rộng rãi thông tin về cơ cấu tổ chức, dữ liệu tài chính cơ bản của doanh nghiệp ở tất cả các quốc gia nơi họ có hoạt động. Đặc biệt, cần quy định vai trò, trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc thiết lập chương trình PCTN nội bộ và bảo đảm các điều kiện cần thiết cho việc thực thi hiệu quả.