Công nghệ hiện đại tạo nên những công trình đẳng cấp thế giới

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Thi công xây dựng công trình tại Việt Nam đang trở thành cuộc đua ứng dụng sáng tạo, khoa học công nghệ và thiết bị hiện đại. Thực tế cho thấy, đầu tư cho thiết bị và công nghệ trong thi công giúp nhà thầu rút ngắn tiến độ, tăng hiệu quả, năng suất lao động, định vị được thương hiệu, năng lực trong cuộc cạnh tranh gay gắt trên thị trường.
Tập đoàn Sơn Hải tự tin có thể đưa các hạng mục thi công tại Dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đoạn Vân Phong - Nha Trang về đích trước kế hoạch gần 1 năm. Ảnh: Trần Hướng
Tập đoàn Sơn Hải tự tin có thể đưa các hạng mục thi công tại Dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đoạn Vân Phong - Nha Trang về đích trước kế hoạch gần 1 năm. Ảnh: Trần Hướng

Những công nghệ chưa có trong định mức, đơn giá

Có mặt trên công trường thi công Gói thầu XL02 thuộc Dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Vân Phong - Nha Trang mới thấy rõ những dấu ấn mạnh mẽ từ việc ứng dụng tiến bộ khoa học vào thi công đường bộ cao tốc của nhà thầu Việt Nam. Đó là hình ảnh các kỹ sư, công nhân của Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải thi công dải phân cách giữa bằng thiết bị tự động, sản xuất ra sản phẩm dải phân cách ngay tại chỗ đạt chất lượng quốc tế, nâng hiệu suất lao động lên mức cao nhất.

“Để đưa ứng dụng này vào công trình khi chưa có trong đơn giá, định mức của ngành xây dựng, chúng tôi cần sự đồng ý của cấp cao nhất là Chính phủ. Ngay sau khi được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, Tập đoàn Sơn Hải đã áp dụng công nghệ mới thi công dải phân cách tự động. Với sự tân tiến của dàn thiết bị hoàn toàn nhập khẩu này, Nhà thầu không chỉ tiết kiệm hơn, thi công an toàn hơn, hiệu quả hơn, thẩm mỹ hơn mà còn đẩy nhanh tiến độ rất nhiều so với phương pháp thi công truyền thống”, ông Nguyễn Viết Hải - Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải chia sẻ.

Dự án thành phần đoạn Vân Phong - Nha Trang có tổng chiều dài tuyến 83,35 km với tổng mức đầu tư 11.808,02 tỷ đồng. Tại dự án này, Tập đoàn Sơn Hải thi công xây dựng toàn bộ phần đường và các công trình khác đoạn từ Km345+620 đến Km368+350 với tổng chiều dài 22,73 km. Các hạng mục cầu bao gồm: cầu Cà Hon, cầu vượt ĐT.652H-2, cầu Sông Chò, cầu vượt ĐT.653E, cầu Sông Cái 2, cầu vượt ĐT.652, cầu vượt QL27C, cầu vượt nút giao QL27C đều do Sơn Hải đảm nhận. Sơn Hải tự tin hoàn toàn có thể đưa các hạng mục thi công về đích trước kế hoạch gần 1 năm.

Năm 2023, khi đưa công trình cao tốc Nha Trang - Cam Lâm vào sử dụng trước kế hoạch 3 tháng, Tập đoàn Sơn Hải với tư cách là nhà đầu tư từng chia sẻ “bí quyết” phần lớn nhờ vào sự mạnh dạn đầu tư cho công nghệ, thiết bị. Cụ thể, tại dự án này, lần đầu tiên Sơn Hải đưa vào vận hành máy cấp liệu trong thi công mặt đường bê tông nhựa, đây cũng là thiết bị lần đầu tiên được sử dụng tại Việt Nam. Theo Nhà thầu, ứng dụng dàn thiết bị Power Curber 5700 thuộc thế hệ mới nhất của máy bê tông ván khuôn giúp nhà thầu triệt tiêu hoàn toàn các vết hằn trên mặt đường, giúp gia nhiệt thảm bê tông nhựa, cấp phối bê tông nhựa đều chuẩn mực, tạo ra độ nhám mặt đường hoàn hảo. Việc sử dụng dàn thiết bị trên giúp tiết kiệm thời gian thi công, tăng độ thẩm mỹ, nâng cao năng suất tối đa cho nhà thầu.

Với việc ứng dụng những tiến bộ vượt bậc của công nghệ thi công cao tốc, Sơn Hải mạnh dạn cam kết bảo hành 10 năm với mặt đường không hằn lún, không bong bật, bằng phẳng, êm thuận kể cả đoạn tiếp giáp vào cầu, trong mọi trường hợp xe quá tải trọng. Đồng thời, Nhà nước không phải tốn chi phí cho duy tu, bảo trì đường bộ.

Hệ thống đường bộ Việt Nam mỗi năm tốn hàng nghìn tỷ đồng để duy tu, bảo trì, sửa chữa. Theo các nhà thầu, với công nghệ thi công cũ, công nhân duy tu, sửa chữa thủ công, cào bóc bỏ đi rất lãng phí. Chưa kể việc thi công tốn nhiều thời gian, công sức, chi phí, ảnh hưởng đến hoạt động lưu thông của người dân. Đặc biệt, sau khi sửa chữa, duy tu, mặt đường không đồng đều, kém thẩm mỹ. Từ năm 2017, Công ty CP Hoàng An đã mạnh dạn đầu tư hơn 80 tỷ đồng nhập dây chuyền mang thương hiệu Wirtgen của Đức với công nghệ cào bóc, tái sinh nguội lớp bê tông nhựa tại chỗ bằng bitum bọt (chất kết dính đa năng, còn được gọi là nhựa đường bọt) và xi măng (công nghệ Wirtgen). Ưu điểm là tận dụng tối đa vật liệu cũ, khống chế được cao độ mặt đường, tiết kiệm 20 - 30% so với duy tu, bảo trì thủ công. Dây chuyền này bao gồm nhiều loại xe, mỗi xe có một chức năng riêng như: xe rải xi măng, rải chất phụ gia kết dính, xe bồn chở nước, trống cào bóc và trộn nghiền bê tông nhựa, xe trải thảm nhựa mặt đường.

Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, đại diện Nhà thầu Hoàng An chia sẻ, hành trình “định danh” cho công nghệ này cũng nhiều gian nan và tốn kém chi phí. Thực tế, đến năm 2020, Bộ Khoa học và Công nghệ mới có tiêu chuẩn quốc gia (TCVN 13150-2) về tái chế sâu sử dụng nhựa đường bọt và xi măng. Khi nhập khẩu công nghệ Wirtgen, Nhà thầu đã tự nguyện xin thử nghiệm, lấy mẫu, thi công thử, lấy số liệu, xin ý kiến chuyên gia đầu ngành về thi công đường giao thông. Quá trình đó đã góp phần xây dựng các quy định của Bộ Giao thông vận tải về việc ứng dụng công nghệ mới vào thi công hạng mục sửa chữa đường bộ. Và các quy định này hoàn toàn có thể nâng lên thành tiêu chuẩn Việt Nam.

Công nghệ đào hầm bằng robot khiên đào TBM được ứng dụng trên tuyến Metro số 1 TP.HCM

Công nghệ đào hầm bằng robot khiên đào TBM được ứng dụng trên tuyến Metro số 1 TP.HCM

Những mũi khoan thế kỷ

Là chuyên gia nhiều năm theo dõi hoạt động xây dựng các công trình giao thông, PGS.TS Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam, nhận định, việc ứng dụng, làm chủ công nghệ hiện đại trong thi công các công trình trọng điểm của các nhà thầu xây dựng Việt Nam ngày càng phổ biến, mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

Chỉ tính riêng công trình giao thông, công nghệ khoan hầm tiên tiến nhất là TBM - đối với khoan hầm trong khu vực đô thị và công nghệ New Austrian Tunneling Method (NATM) của Áo, công nghệ hiện đại hàng đầu trên thế giới với những đột phá trong công nghệ bê tông phun, đều đang được thực hiện hiệu quả bởi chính các nhà thầu Việt Nam.

Theo Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM, công nghệ khoan ngầm TBM trên tuyến Metro số 1 TP.HCM (đoạn từ Ba Son đến Nhà hát Thành phố dài 781m) đã mở ra các công nghệ thi công khác chuyển giao cho ngành xây dựng Việt Nam. Nhà thầu trực tiếp khoan hầm bằng máy TBM tại dự án trên là Công ty CP FECON đã được tín nhiệm giao thực hiện hạng mục này cho Dự án metro Nhổn - Ga Hà Nội. Công nghệ đào hầm bằng robot khiên đào TBM là công nghệ hiện đại, tốt nhất trên thế giới hiện nay, phù hợp với điều kiện địa chất yếu và đã được nhiều nước áp dụng. FECON cho biết, đã dành hơn 12 năm để liên kết đào tạo thạc sỹ địa kỹ thuật và công trình ngầm tại Viện Công nghệ châu Á (AIT) - Thái Lan; cử kỹ sư và công nhân lành nghề tham gia đào tạo vận hành máy khoan hầm TBM tại Học viện đào tạo khoan hầm (TTA) - Malaysia.

Với sự tân tiến của dàn thiết bị, Nhà thầu không chỉ tiết kiệm hơn, thi công an toàn hơn, hiệu quả hơn, thẩm mỹ hơn mà còn đẩy nhanh tiến độ rất nhiều so với phương pháp thi công truyền thống.

Ông Nguyễn Viết Hải, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải

Ông Nguyễn Viết Hải, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải

Cũng tại Dự án cao tốc Bắc Nam đoạn Nha Trang - Cam Lâm, có một hạng mục vượt tiến độ tới 6 tháng là công trình hầm Dốc Sạn. Đây là một trong những mắt xích quan trọng trên tuyến cao tốc này. Hầm Dốc Sạn thuộc Gói thầu xây lắp 3 có tổng vốn đầu tư 1.200 tỷ đồng, do Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh (Bộ Giao thông vận tải) là cơ quan đại diện chủ đầu tư. Công trình bắt đầu khởi công tháng 11/2021, có chiều dài 1.480m gồm 2 ống hầm hoàn chỉnh song song, mỗi ống hầm dài hơn 700m. Việc ứng dụng công nghệ NATM đã giúp nhà thầu khai thác tối ưu các ưu điểm về khả năng tự chống đỡ của địa hình, được đánh giá là một trong những kỹ thuật kinh tế và hiệu quả nhất trong việc xây dựng hầm. Đồng thời, NATM cũng giúp giảm thiểu chi phí về vật liệu, nhân công và rút ngắn tiến độ dự án.

Theo Chủ đầu tư, công nghệ NATM đặc biệt hiệu quả trong việc chống chịu áp lực địa chất tại các khu vực có nguy cơ động đất cao. Phương pháp này đã trở thành giải pháp chủ đạo trong việc xây dựng nhiều hầm đường bộ trên khắp thế giới. Do đó, dù là hạng mục phức tạp nhất, nhưng nhờ làm chủ công nghệ tiên tiến, nhà thầu Việt đã thi công vượt tiến độ 6 tháng.

“Chúng ta mất 20 năm để làm chủ công nghệ thi công cầu dây văng, hoàn toàn không còn phụ thuộc vào nhà thầu ngoại. Và đến nay, các công nghệ thi công đường cao tốc, hầm… đều được nhà thầu Việt làm chủ tuyệt đối. Các nhà thầu mạnh dạn đầu tư cho công nghệ tiên tiến, thiết bị hiện đại, chuẩn bị nguồn nhân lực trình độ cao để làm chủ công nghệ đem lại hiệu quả bền vững trong quá trình thi công. Đó là đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật phức tạp, an toàn, thẩm mỹ, hiệu quả, đồng bộ, tăng năng suất lao động. Việt Nam cần đông đảo hơn các nhà thầu như vậy, đưa nhiều dự án trọng điểm sớm về đích, phát huy hiệu quả đầu tư”, ông Chủng đánh giá.

Chuyên đề