Còn nhiều dư địa cải cách chính sách bảo hiểm xã hội

(BĐT) - Chính sách bảo hiểm xã hội (gồm bảo hiểm xã hội – BHXH, bảo hiểm y tế - BHYT và bảo hiểm thất nghiệp – BHTN) là một trong bốn trụ cột cơ bản, quyết định nhất của hệ thống an sinh xã hội. Mặc dù ngành BHXH đã có nhiều nỗ lực và giải pháp được thực hiện, nhưng nếu vẫn giữ tốc độ tăng trưởng như hiện nay, thì mục tiêu mở rộng diện bao phủ để tiến tới mục tiêu BHXH toàn dân là khó đạt được.
Hiện nay có 14,65 triệu người tham gia BHXH
Hiện nay có 14,65 triệu người tham gia BHXH

Số người tham gia bảo hiểm tăng nhanh

Theo số liệu của BHXH Việt Nam, diện bao phủ BHXH ngày càng được mở rộng. Từ mốc 2,2 triệu người tham gia năm 1995, đến tháng 8/2019, con số này đã được nâng lên thành 14,65 triệu người (tức là tăng khoảng 5,7 lần).

Cùng với đó, số người tham gia BHXH tự nguyên tăng từ 6,11 nghìn người lên 437 nghìn người (tăng 70 lần). Số người tham gia BHTN cũng tăng nhanh, đạt 12,9 triệu người, gấp hơn 6 lần so với thời điểm bắt đầu triển khai vào năm 2009.

Đặc biệt, đến tháng 9/2019, số người và tỷ lệ tham gia BHYT trên tổng dân số tăng ấn tượng, các chỉ tiêu đều vượt kế hoạch được giao với trên 85,2 triệu người tham gia, tương ứng với tỷ lệ bao phủ 89,8% dân số, tăng 68,8 triệu người so với năm 2003. Cùng với sự gia tăng của đối tượng tham gia, số thu BHXH, BHYT, BHTN cũng liên tục tăng theo thời gian. Năm 2018, tổng số thu toàn Ngành đạt 332.006 tỷ đồng, tăng 11,26 lần so với năm 2006 và tăng 425,7 lần so với năm 1995.

Trong 10 năm qua (2009 - 2018), tốc độ phát triển đối tượng tham gia BHXH bắt buộc dao động từ 3,24 đến 7,03% và bình quân số người tham gia BHXH bắt buộc tăng 5,83%/năm. Tính đến hết năm 2018, số người tham gia BHXH bắt buộc đạt gần 14,5 triệu người, tăng 6,3% so năm 2017.

Qua gần 10 năm thực hiện chế độ BHTN, đã có gần 5 triệu lượt người lao động được hưởng trợ cấp thất nghiệp, có trên 180.000 người thất nghiệp được hỗ trợ học nghề, hơn 1,39 triệu lượt người được tư vấn giới thiệu việc làm. Trong lĩnh vực BHYT, từ năm 2003 đến 2018, ngành BHXH, ngành y tế đã phối hợp để đảm bảo quyền lợi cho trên 1.748,5 triệu lượt người khám chữa bệnh (KCB) BHYT, bình quân mỗi năm có trên 109 triệu lượt người thanh toán chi phí KCB BHYT.

Theo ghi nhận của TS. Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội ngành BHXH đã có nhiều nỗ lực trong việc đẩy mạnh cải cách TTHC, dẫn dầu về ứng dụng CNTT… Kết quả khảo sát của các tổ chức trong và ngoài nước cho thấy, niềm tin, sự hài lòng của người từng bước được cải thiện, tăng cao...

Cụ thể, trong khoảng 10 năm gần đây, ngành BHXH đã cắt giảm từ 263 thủ tục xuống còn 27 thủ tục; thời gian giao dịch thực hiện thủ tục hành chính (TTHC) về BHXH, BHYT của các doanh nghiệp (DN) giảm còn 51 giờ/năm… BHXH Việt Nam cũng đẩy mạnh giao dịch điện tử, cung cấp 19 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4. BHXH còn triển khai cấp số định danh quản lý người tham gia BHXH, BHYT trên cơ sở dữ liệu hộ gia đình; Khai trương Trung tâm Dịch vụ khách hàng phục vụ tư vấn, giải đáp cho người dân, người lao động các vấn đề liên quan đến BHXH, BHYT...

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Báo cáo môi trường kinh doanh toàn cầu về chỉ số nộp thuế và BHXH năm 2017, BHXH xếp thứ 86/190 (tăng 81 bậc so với năm 2016). Hệ thống thông tin giám định BHYT đã kết nối, liên thông giữa cơ quan BHXH và các cơ sở khám, chữa bệnh BHYT trên phạm vi toàn quốc. BHXH Việt Nam được Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá là cơ quan triển khai hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), dịch vụ công trực tuyến và được xếp hạng 2 trong Bảng xếp hạng chung khối các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có dịch vụ công. Cũng trong Bảng xếp hạng này năm 2018, BHXH Việt Nam đã vươn lên dẫn đầu, đánh dấu bước tiến đáng kể của ngành BHXH trong việc ứng dụng CNTT vào công tác quản lý…

Khó đạt được mục tiêu nếu không đẩy mạnh cải cách

“Bên cạnh kết quả, thành tựu đạt được, việc thực hiện các chính sách BHXH, BHYT, BHTN ở Việt Nam hiện đang gặp nhiều khó khăn, thách thức”, Phó Tổng Giám đốc Đào Việt Ánh nhận định tại Hội thảo khoa học được tổ chức mới đây.

Theo thống kê của ngành BHXH, trong 10 năm qua (2009 - 2018) tốc độ phát triển đối tượng tham gia BHXH bắt buộc dao động từ 3,24 đến 7,03% và bình quân số người tham gia BHXH bắt buộc tăng 5,83%/năm. Tính đến hết năm 2018, số người tham gia BHXH bắt buộc đạt gần 14,5 triệu người, tăng 6,3% so năm 2017. Nếu duy trì tốc độ phát triển đối tượng nêu trên, dự kiến đến năm 2021, 2025 và 2030 số người tham gia BHXH bắt buộc sẽ đạt tương ứng lần lượt là 17,1 triệu, 21,5 triệu và 28,5 triệu. Lực lượng lao động (LLLÐ) trong độ tuổi tương ứng sẽ là 50,4 triệu, 52,1 triệu và 53,8 triệu người, kéo theo tỷ lệ số người tham gia BHXH bắt buộc so với LLLÐ trong độ tuổi lần lượt là 34%, 41,3% và 53%.

Trong khi đó, Nghị quyết số 28-NQ/TW của Trung ương đặt mục tiêu đến năm 2021 phải đạt khoảng 35% LLLÐ trong độ tuổi tham gia BHXH, tăng lên 45% vào năm 2025, và 60% vào năm 2030.

Mặt khác, theo đánh giá của WB trong 2 năm trở lại đây, chỉ số cải cách về chỉ số BHXH đang có chiều hướng chững lại, giảm điểm nhẹ, từ 24,5 năm 2018 giảm xuống còn 24,3 điểm. Điều này cho thấy, đòi hỏi của người dân và cộng đồng DN đối với lĩnh vực BHXH là rất lớn.

Như vậy, nếu vẫn giữ tốc độ tăng trưởng như thời gian qua, mục tiêu đề ra rất khó đạt được.

Từ kết quả khảo sát mức độ hài lòng của gần 10.000 DN đối với việc thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ (VCCI) về cải cách TTHC, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, dư địa cải cách trong lĩnh vực BHXH vẫn còn rất lớn. Mặc dù Ngành đã có nhiều nỗ lực cải cách đáng ghi nhận, nhưng theo nhiều chuyên gia, kết quả đó vẫn chưa đáp ứng được sự kỳ vọng của người dân và DN, bởi sự đòi hỏi của họ ngày càng cao. Do đó, VCCI kiến nghị các cơ quan quản lý nhà nước cần tiếp tục đẩy mạnh việc đơn giản hóa các thủ tục liên quan đến khởi sự kinh doanh, trong đó có đăng ký bảo hiểm.

Ðối với việc mở rộng diện bao phủ BHXH, ông Trần Hải Nam - Phó Vụ trưởng BHXH thuộc Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho rằng, phải có chính sách mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc với các nhóm chủ hộ kinh doanh, người quản lý DN, người quản lý, điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương, người lao động làm việc theo chế độ linh hoạt; đẩy nhanh quá trình gia tăng số lao động tham gia BHXH trong khu vực phi chính thức...

Chuyên đề