Còn bất nhất trong thực hiện “bình thường mới”

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Để doanh nghiệp (DN) hồi phục, nhiều ý kiến cho rằng, cần tiếp tục thực hiện các giải pháp về thuế, phí, tín dụng, song quan trọng nhất là có chiến lược phòng, chống dịch tổng thể theo giai đoạn ngắn hạn và trung hạn để DN có cơ sở xây dựng kế hoạch hoạt động. Hơn hết, cần thống nhất cách thực hiện từ Trung ương đến địa phương để đảm bảo hiệu quả thực thi.
Cần có chiến lược ngắn hạn, trung hạn về việc từng bước mở cửa, linh hoạt chống dịch và phục hồi kinh tế để doanh nghiệp có cơ sở xây dựng kế hoạch hoạt động. Ảnh: Lê Tiên
Cần có chiến lược ngắn hạn, trung hạn về việc từng bước mở cửa, linh hoạt chống dịch và phục hồi kinh tế để doanh nghiệp có cơ sở xây dựng kế hoạch hoạt động. Ảnh: Lê Tiên

Trao đổi với Báo Đấu thầu, ông Vũ Đình Hồng, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Cơ khí chính xác Thăng Long cho biết, DN đã được giảm lãi suất 0,5% với các khoản vay cũ và được hưởng một số ưu đãi từ chính sách thuế, phí. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay là đưa hoạt động sản xuất kinh doanh trở lại bình thường. “Tôi vừa đi công tác từ Séc về và đang phải cách ly 7 ngày tại khách sạn, tiếp đó sẽ cách ly 7 ngày tại nhà. Trong khi đó, trước khi lên máy bay trở về Việt Nam, tôi và các hành khách khác đều đã xét nghiệm PCR âm tính. Việc cách ly 14 ngày như vậy là quá dài và tốn kém. Lãnh đạo DN cứ phải quanh quẩn ở khu cách ly đến nửa tháng trong khi công việc cần xử lý chồng chất, người lao động hoang mang nên có tâm lý ngại quay lại làm việc”, ông Hồng nói.

Vị giám đốc này cho rằng, khi đã có chủ trương “sống chung với dịch” thì cần thực hiện thống nhất từ Trung ương đến các cơ quan, ban ngành và địa phương. Chính sách tốt nhất hiện nay là đẩy mạnh tiêm vắc xin, nhanh chóng đạt tỷ lệ cao với khu vực sản xuất, dịch vụ, đồng thời thay đổi cách thức khoanh vùng và cách ly y tế theo hướng rút ngắn thời gian và thu hẹp diện thực hiện.

Theo ông Võ Thanh Đàng, Tổng giám đốc Công ty CP Đường Quảng Ngãi, cần có chiến lược rõ ràng, cụ thể về việc thực hiện chủ trương từng bước mở cửa, linh hoạt chống dịch và phục hồi phát triển kinh tế theo giai đoạn 1 năm, 3 năm để DN có định hướng và xây dựng chiến lược cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

“Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP quy định tạm thời thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, song cách thức thực hiện chưa thống nhất từ Trung ương đến địa phương, gây khó khăn cho lưu thông hàng hóa và hoạt động sản xuất, kinh doanh. Khi đã xác định dịch sẽ còn kéo dài thì cần có chính sách ngắn hạn và trung hạn để DN có căn cứ thực hiện. Bên cạnh đó, việc kéo dài thời hạn thực hiện các giải pháp gia hạn nợ, giãn, giảm thuế, phí cũng rất cần thiết với DN”, ông Đàng nói.

Từ góc độ DN dịch vụ, ông Đào Trọng Khoa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Logistics Việt Nam (VLA) kiến nghị tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hóa và cải thiện thủ tục hành chính. Theo đó, cần tạo điều kiện thuận lợi nhất cho lưu thông hàng hóa trong nước và xuất nhập khẩu với quy định thống nhất giữa các địa phương. Tại các tỉnh, thành phố có cửa khẩu quốc tế, đường biển, hàng không, cần ưu tiên luồng xanh cho vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu, không để xảy ra tình trạng chậm trễ kết nối hàng hóa với tàu biển hoặc máy bay đã được đặt chỗ trước.

Về các chính sách thuế, phí và tiền tệ, theo ông Khoa, cần tiếp tục cải thiện để DN bị ảnh hưởng dịch bệnh có thể được hưởng hỗ trợ. Chẳng hạn, trong thời gian qua, cước vận tải tăng cao từ 5 đến 10 lần, có nhiều DN nhỏ sau một đêm trở thành DN lớn với doanh thu vượt 200 tỷ đồng và không được hưởng chính sách giảm thuế là rất thiệt thòi. Bên cạnh đó, cần kéo dài thời gian thực hiện các chính sách giảm thuế, phí, lãi suất và cơ cấu nợ bởi khó khăn vẫn còn ở trước mắt rất nhiều DN.

Liên quan chính sách cơ cấu nợ và giảm lãi suất, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho biết, dư địa của các tổ chức tín dụng hiện đã hết hoặc còn rất nhỏ. Sự sụt giảm về mức tiền gửi cho thấy người dân có xu hướng tìm đến các kênh đầu tư khác và các tổ chức tín dụng sẽ khó khăn trong huy động vốn.

“Trong khi đó, các tổ chức tín dụng phải cơ cấu nợ, giảm lãi vay cho DN nên vòng quay đồng tiền khó khăn hơn, tính thanh khoản của các tổ chức tín dụng cũng bị ảnh hưởng. Nếu tiếp tục giảm lãi suất cho vay thì phải đi cùng giảm lãi suất huy động, nhưng nếu giảm lãi suất huy động thì ảnh hưởng tới tính thanh khoản”, ông Hùng nói.

Về các giải pháp phòng, chống dịch, theo PGS.TS. Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), phải thống nhất về nguyên tắc đi lại, lưu thông hàng hóa giữa các địa phương. Cách thức cách ly và phong tỏa cũng vậy, tránh kiểu làm tùy tiện, tức là, chỉ cách ly F1 và F0, trong đó, ưu tiên cách ly F0 nhẹ tại nhà và phải xác định đúng F1 thì mới cách ly. “Đã có tình trạng, phân xưởng này cách xa phân xưởng kia, công nhân ở các phân xưởng cũng không tiếp xúc, gặp gỡ nhau nhưng khi có F0 là cách ly cả nhà máy. Cách làm như vậy sẽ gây tốn kém và dẫn đến tình trạng đứt gãy dây chuyền sản xuất”, ông Phu nói.

Cũng theo vị chuyên gia này, điều quan trọng vẫn là đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin. Hiện chưa đủ vắc xin thì xác định đối tượng nguy cơ gắn với địa bàn nguy cơ để tiêm trước. “Hiện các địa phương vẫn còn quá lo lắng dẫn đến nhiều cách làm tùy tiện và tốn kém. Thực tế, địa bàn nào không có nguy cơ thì cần làm thoáng mới phát triển được. Tiếp đó, cần chiến lược phòng, chống dịch tổng thể cho cả nền kinh tế”, ông Phu nhấn mạnh.

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Chuyên đề