“Cởi nút thắt” vật liệu xây dựng cho các dự án giao thông

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Mặc dù Nhà nước đã có cơ chế đặc thù khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án giao thông trọng điểm. Tuy nhiên, trên thực tế, nguồn cung vật liệu cho các dự án giao thông lớn rất khan hiếm, khó khăn, gây chậm tiến độ thực hiện do thủ tục trình, thẩm định để cấp phép khai thác mỏ theo cơ chế đặc thù của các địa phương rất chậm.
Các dự án giao thông đang bị chậm chủ yếu là do nguồn vật liệu đắp chưa đáp ứng yêu cầu. Ảnh chỉ mang tính minh họa
Các dự án giao thông đang bị chậm chủ yếu là do nguồn vật liệu đắp chưa đáp ứng yêu cầu. Ảnh chỉ mang tính minh họa

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho biết, trong nhiều cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ đã có các chỉ đạo quyết liệt liên quan đến việc cấp phép, giao mỏ theo cơ chế đặc thù để khắc phục tình trạng khan hiếm vật liệu xây dựng, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án. Tuy nhiên, hiện việc triển khai tại Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 còn chậm. Đến đầu tháng 8/2023 mới hoàn thiện thủ tục xác nhận bản đăng ký khối lượng khai thác được thêm 14 mỏ. Hiện còn 27 mỏ gồm: Quảng Bình có 3 mỏ đất (1 mỏ mới trình), Quảng Trị có 5 mỏ đất (3 mỏ phải hoàn thiện hồ sơ), Quảng Ngãi có 8 mỏ đất (7 mỏ phải hoàn thiện hồ sơ) và 2 mỏ cát, Bình Định có 4 mỏ đất và 2 mỏ cát, Phú Yên có 1 mỏ đất (mới trình) và 1 mỏ cát, Khánh Hòa có 1 mỏ đất đã trình các cơ quan nhưng chưa được chấp thuận. Dự án Vành đai 4 Hà Nội, thành phố Hà Nội đã họp và triển khai thủ tục giao mỏ cho các nhà thầu theo cơ chế đặc thù. Dự án Vành đai 3 TP.HCM và Dự án Biên Hòa - Vũng Tàu chưa xác định đủ nguồn vật liệu đắp. Dự án Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đoạn qua Hậu Giang và TP. Cần Thơ chưa triển khai các thủ tục để khai thác mỏ tại An Giang.

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm, nguyên nhân Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 đang bị chậm so với kế hoạch đề ra chủ yếu là do nguồn vật liệu đắp chưa đáp ứng yêu cầu. Mặc dù, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các địa phương hoàn thành thủ tục xác nhận bản đăng ký khối lượng khai thác đối với 69 mỏ đã trình trong tháng 7/2023; thành lập Tổ công tác bao gồm chính quyền địa phương, các chủ đầu tư, nhà thầu để tổ chức thỏa thuận với các chủ sở hữu về giá chuyển nhượng, thuê đất, bảo đảm phù hợp với mặt bằng giá bồi thường của Nhà nước quy định; giao chỉ tiêu cung cấp vật liệu cát đắp cho các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long nhưng việc triển khai còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu.

Hiện các nhà thầu mới khai thác được 15 mỏ trong số 42 mỏ đã được xác nhận bản đăng ký (các nhà thầu trình 69 mỏ). Số mỏ chưa khai thác cũng như chưa xác nhận bản đăng ký chủ yếu do việc thương thảo với chủ sở hữu đất về giá chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất để sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn; một số mỏ phải thực hiện các thủ tục chuyển mục đích sử dụng rừng, mục đích sử dụng đất.

Ảnh minh họa: Internet

Ảnh minh họa: Internet

Chia sẻ với phóng viên Báo Đấu thầu, một nhà thầu ở miền Trung cho biết, hiện một số mỏ cát đang khai thác trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình các chủ mỏ không đồng ý nâng công suất nếu không được nâng trữ lượng khai thác tương đương với phần khối lượng cung cấp cho dự án cao tốc.

UBND tỉnh An Giang cho biết, tỉnh này đã có quyết định quyết định bố trí 1,1 triệu m3 cát cho Dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau từ 4 mỏ đang khai thác. Đến nay, các nhà thầu đã ký hợp đồng được 2/4 mỏ, còn 2 mỏ chưa ký hợp đồng. Tuy nhiên, trên thực tế, việc cung cấp cát cho Dự án còn hạn chế, chưa đáp ứng kế hoạch. Từ cuối tháng 7/2023 đến nay, 2 mỏ dù đã ký hợp đồng nhưng bị tạm dừng hoạt động (1 mỏ bị Tỉnh thu hồi giấy phép; 1 mỏ doanh nghiệp khai thác bị khởi tố, điều tra).

Bộ GTVT cũng cho biết, tình trạng chậm bàn giao mỏ vật liệu cũng diễn ra ở nhiều địa phương khác ở phía Nam. Chẳng hạn, tỉnh Vĩnh Long cần bố trí 5 mỏ để đáp ứng nhu cầu trữ lượng 5 triệu m3, nhưng hiện mới giao được 2 mỏ cho các nhà thầu song lại chưa hoàn thành thủ tục để khai thác; chưa có chủ trương giao nhà thầu 3 mỏ còn lại. Còn tỉnh Đồng Tháp dự kiến tăng công suất mỏ đang khai thác để tiếp tục bố trí cho cao tốc Bắc - Nam 0,5 triệu m3 nhưng đến nay chưa hoàn thành thủ tục. Đối với 6 mỏ đã cấp cho các nhà thầu, việc triển khai các thủ tục để khai thác chưa hoàn thành nên chưa thể khai thác được. Dự án Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đến nay vẫn chưa triển khai các thủ tục để giao mỏ cho nhà thầu.

Hiện nay, không chỉ các dự án giao thông lớn bị chậm tiến độ mà rất nhiều dự án mới khởi công ở các địa phương đang “treo” tiến độ vì không có vật liệu xây dựng để thi công

Lãnh đạo Công ty CP Xây dựng và Tư vấn đầu tư 18 cho biết, do đặc thù về địa lý nên tỉnh Lâm Đồng rất ít mỏ vật liệu xây dựng. Nguồn vật liệu xây dựng phục vụ thi công các công trình lớn, bé đi qua địa bàn tỉnh Lâm Đồng phải trông chờ vào các mỏ vật liệu ở các địa phương lân cận. Do đó, sau khi trúng thầu ở Lâm Đồng, khó khăn lớn nhất của nhà thầu là phải xoay xở đủ vật liệu để phục vụ quá trình thi công.

Còn theo ông Phạm Văn Khôi - Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư và Xây dựng giao thông Phương Thành, khó khăn trong việc đưa các mỏ vật liệu xây dựng vào khai thác hiện nay là do nhận thức về cơ chế đặc thù trong cấp phép khai thác mỏ làm vật liệu xây dựng thông thường của các cơ quan chức năng ở mỗi địa phương khác nhau. Để có thể cấp phép khai thác 1 cái mỏ vật liệu xây dựng, cần ý kiến và sự đồng thuận của nhiều cơ quan chức năng ở địa phương với nhiều thủ tục hành chính (các thủ tục hành chính này quy định trong các văn bản pháp luật khác nhau). Trong khi đó, các địa phương vẫn thiếu những quy định để cụ thể hóa cơ chế đặc thù của Nhà nước nên dẫn đến lúng túng trong thực hiện hoặc mỗi nơi làm một kiểu.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ đã giao bộ này nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 18/NQ-CP ngày 11/2/2022, trong đó UBND các tỉnh (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa) được phép quyết định nâng công suất các mỏ cát đã cấp phép, đang hoạt động, còn thời hạn khai thác như đã áp dụng cho các mỏ cát đang khai thác khu vực Đồng bằng sông Cửu Long; quy định được phép sử dụng các mỏ vật liệu nằm trong hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng (sau khi đã rà soát, bổ sung) phục vụ dự án đường cao tốc để cung cấp phục vụ thi công các khu tái định cư phục vụ giải phóng mặt bằng dự án đường cao tốc. Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ sửa đổi Nghị định 158/2016/NĐ-CP để cho phép nâng công suất các mỏ cát đã cấp phép.

Còn Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, thời gian qua có một số mỏ vật liệu xây dựng đề xuất được cấp phép khai thác nhưng đi qua khu vực rừng trồng. Do đó, cần phải thực hiện chuyển mục đích sử dụng rừng nhưng địa phương không có quỹ đất trồng rừng thay thế. Bộ này đã có văn bản hướng dẫn nhưng các địa phương thực hiện vẫn còn vướng mắc và đề xuất cần có hướng dẫn cụ thể hơn.

Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, một chuyên gia đầu tư cho biết, hiện nay, cả nước đang đồng loạt triển khai nhiều công trình giao thông lớn, nhỏ nên nhu cầu về vật liệu xây dựng rất lớn. Với thủ tục cấp phép, bàn giao mỏ chậm chạp như hiện nay (phần lớn là các cơ quan chức năng ở địa phương sợ sai, thận trọng và dè dặt trong việc thẩm định cấp phép mỏ vật liệu xây dựng nên khi có tình huống phát sinh thì “ngâm” hồ sơ hoặc không đẩy nhanh các thủ tục đối với hồ sơ trình cấp phép, nâng công suất các mỏ) dẫn đến việc thiếu trầm trọng vật liệu xây dựng đang ngày càng gia tăng. Hiện nay, không chỉ các dự án giao thông lớn bị chậm tiến độ mà rất nhiều dự án mới khởi công ở các địa phương đang “treo” tiến độ vì không có vật liệu xây dựng để thi công. Do đó, không còn cách nào khác là các địa phương, nhất là người đứng đầu phải quyết liệt, tập trung, có giải pháp đẩy nhanh các thủ tục hành chính để cấp phép khai thác mỏ vật liệu xây dựng.

Theo đề xuất của Bộ GTVT, thời gian tới cần thành lập các tổ công tác theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để làm việc, thỏa thuận với các chủ sở hữu về giá chuyển nhượng, thuê đất bảo đảm phù hợp với mặt bằng giá bồi thường của Nhà nước quy định, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, nâng giá, ép giá. Đồng thời có chế tài để xử lý các trường hợp cố tình nâng giá, ép giá, đầu cơ đất khu vực mỏ; hoàn thành thủ tục để khai thác trong tháng 8/2023 đối với 27 mỏ đã được địa phương xác nhận bản đăng ký và trong tháng 9/2023 đối với 27 mỏ đã trình địa phương xác nhận bản đăng ký.

Bộ GTVT đề nghị tỉnh An Giang bố trí các mỏ đang khai thác khác thay thế các mỏ đã tạm dừng để bảo đảm cung cấp đủ 1,1 triệu m3 cát trong tháng 9/2023; hoàn thiện các thủ tục để cung cấp 2,2 triệu m3 cát còn lại từ tháng 10/2023. Tỉnh Vĩnh Long đẩy nhanh các thủ tục để các nhà thầu khai thác 2 mỏ đã giao trong tháng 9/2023. Tỉnh Đồng Tháp sớm hoàn thiện thủ tục để tiếp tục cung cấp 0,5 triệu m3 từ các mỏ đang khai thác cho Dự án Cần Thơ - Cà Mau trong tháng 8/2023; đẩy nhanh thủ tục để các nhà thầu khai thác 6 mỏ đã giao trong tháng 9/2023.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư