Có thể an tâm vì kết dư Quỹ BHTN còn khoảng 56.000 tỷ đồng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Việc sử dụng 24.000 tỷ đồng trong tổng số 38.000 tỷ đồng kết dư của Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) để hỗ trợ người lao động (LĐ) và người sử dụng LĐ, cũng như tính an toàn của Quỹ trong thời gian tới là một trong những vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm, đặt câu hỏi đối với Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) trong Phiên thảo luận và chất vấn tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV.
Theo nhận định của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, sau khi gói hỗ trợ này giải ngân xong, kết dư từ Quỹ BHTN còn khoảng 56.000 tỷ đồng.
Theo nhận định của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, sau khi gói hỗ trợ này giải ngân xong, kết dư từ Quỹ BHTN còn khoảng 56.000 tỷ đồng.

Phải đảm bảo an toàn kết dư Quỹ BHTN

Liên quan đến vấn đề này, ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu (Bình Định) đặt câu hỏi: Nếu dịch Covid-19 tiếp tục có diễn biến phức tạp thì việc hỗ trợ sẽ được thực hiện như thế nào? Liệu số tiền kết dư còn lại của Quỹ BHTN có an toàn không? Việc ứng dụng công nghệ thông tin để triển khai Gói hỗ trợ có thể tránh được sự nhầm lẫn hay không, khi người cần thì chưa được nhận, trong khi có người lại được nhận nhiều lần, từ nhiều nguồn khác nhau?

ĐBQH Vương Thị Hương (Hà Giang) cũng đề nghị Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH làm rõ thông tin một địa phương phát nhầm và nhận nhầm hỗ trợ do bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Trả lời các nội dung chất vấn, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết tính hết năm 2020, kết dư từ Quỹ BHTN là 90.600 tỷ đồng. Đây là mức tốt và an toàn cao. Chính phủ phấn đấu kết dư gấp 2 lần mức chi của năm liền kề và năm 2020 đã chi khoảng 1/4 số kết dư này.

Trước tình hình dịch bệnh phức tạp, ảnh hưởng đến đời sống người dân trong đó có người đang tham gia BHTN, sau khi đánh giá tác động và cân nhắc làm sao kết dư an toàn trong 5 năm tới, Chính phủ nhận thấy hoàn toàn có căn cứ để đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc sử dụng 38.000 tỷ đồng từ kết dư Quỹ BHTN, trong đó sử dụng 30.000 tỷ đồng hỗ trợ người LĐ và 8.000 tỷ đồng hỗ trợ việc giảm đóng cho người sử dụng LĐ.

“Tuy nhiên, đây chỉ là một giải pháp tình thế”, ông Đào Ngọc Dung chia sẻ.

Như vậy, theo nhận định của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, sau khi gói hỗ trợ này giải ngân xong, kết dư từ Quỹ BHTN còn khoảng 56.000 tỷ đồng, đảm bảo gấp 2 lần tổng mức chi trong năm qua nên có thể an tâm được với mức kết dư này.

Đến nay, đại diện Bộ LĐ-TB&XH cho biết, Gói hỗ trợ đã rà soát, hỗ trợ được 363 nghìn người sử dụng LĐ; hỗ trợ tiền từ kết dư Quỹ BHTN cho trên 8 triệu người LĐ, với tổng số tiền giải ngân 20,644 nghìn tỷ đồng.

Sau 4 tháng triển khai Gói hỗ trợ 26 nghìn tỷ đồng, trong quá trình thực hiện, tuy còn “điều này, điều kia”, khiếm khuyết, nhưng cơ bản các chính sách đều đang đi đúng hướng. Phấn đấu đến ngày 15/11 sẽ giải quyết căn bản chính sách hỗ trợ này. Kết quả triển khai bước đầu cho thấy chính sách hỗ trợ đã phát huy hiệu quả, có tác dụng thiết thực ở cơ sở, được dư luận xã hội cũng như người thụ hưởng đồng thuận cao.

Trong các chính sách hỗ trợ, khoảng 50% là chính sách có tính chất hỗ trợ tức thì, còn lại cho phép kéo dài hơn. Ví dụ như chính sách vay trả lương để phục hồi sản xuất cho phép kéo dài hết ngày 31/3/2022, chính sách để hỗ trợ đào tạo lại cho lực lượng LĐ sau giãn cách kéo dài thời hạn làm thủ tục đến hết tháng 6/2022.

Ngoài ra, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng phản bác đối với đề xuất nghiên cứu sử dụng Quỹ Bảo hiểm xã hội để xây nhà cho công nhân.

Theo Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, đây là quỹ dài hạn, là lương, là cuộc sống của hàng triệu người. Không thể sử dụng Quỹ này cho việc khác được. Các nước họ cũng không cho phép, vì đây là quỹ ngoài ngân sách, quỹ của những người tham gia BHXH. Nguyên tắc quan trọng nhất của Quỹ là có đóng thì có hưởng, đóng ít thì hưởng ít, đóng nhiều thì hưởng nhiều. Theo đó, không thể lấy Quỹ này sử dụng cho những đối tượng khác được.

“Muốn đầu tư xây nhà cho công nhân, chúng ta nên sử dụng ngân sách, sử dụng nguồn khác chứ không thể dùng Quỹ BHXH để làm vì không đúng nguyên tắc, trái quy định. Hiện nay, một năm chúng ta phải chi tiền lương cho người nghỉ hưu khoảng hơn 200.000 tỷ đồng. Do vậy, Quỹ BHXH phải được bảo toàn và phát triển bền vững” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.

Cần kết hợp cơ sở dữ liệu dân cư và LĐ để tránh nhầm lẫn

Làm rõ những băn khoăn về thông tin phát nhầm và nhận nhầm hỗ trợ, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, đây là sự nhầm lẫn đáng tiếc.

Ngay sau thời điểm nhận được thông tin, Bộ trưởng đã liên hệ với Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương, nghiên cứu kỹ báo cáo của ngành LĐ-TB&XH địa phương; đồng thời cử ngay đoàn công tác vào xử lý. Tham gia Đoàn còn có đại diện Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tổng Liên đoàn LĐ và một số bộ, ngành liên quan… Tại địa phương, Đoàn đã kiểm tra thực tế tình hình, gặp những người trực tiếp phát, trực tiếp nhận. Kết quả kiểm tra cho thấy, con số cụ thể không phải là 22.000 người, mà chỉ khoảng 1.490 trường hợp.

Đây là chính sách của tỉnh Bình Dương hỗ trợ thêm cho người LĐ như: giảm giá nhà trọ trong lúc khó khăn với mức 800 nghìn đồng/người. Tuy nhiên trong quá trình kê khai, số lượng tăng lên quá nhiều, tỉnh Bình Dương thấy bất thường, nên đã tiến hành rà soát lại bằng máy, đồng thời mời Bộ Công an và Ngân hàng Chính sách xã hội vào cuộc, cùng rà soát trên cơ sở dữ liệu mới phát hiện có tình trạng trùng lắp. Trên cơ sở đó, tỉnh Bình Dương đã dừng việc chi trả này và tiến hành rà soát lại. Tại thời điểm này, đã có 1.990 người nhận với số tiền khoảng 1,6 tỷ đồng. Đến nay, phần lớn các trường hợp nhận nhầm đã hoàn trả lại, vì tự nhận thấy mình nhận không đúng. Đến nay, công việc này đã được giải quyết xong và thu hồi đầy đủ 1,6 tỷ đồng nêu trên.

Về việc ứng dụng công nghệ thông tin trong triển khai Gói hỗ trợ, ông Đào Ngọc Dung cho biết, đối với trường hợp của Bình Dương, nhờ sử dụng công nghệ thông tin để rà soát, điều chỉnh danh sách thì mới phát hiện và loại ra được các trường hợp nhận nhầm tiền hỗ trợ.

“Nếu đồng thời đưa công nghệ thông tin kết hợp với cơ sở dữ liệu dân cư và cơ sở dữ liệu LĐ vào sử dụng, thì cơ bản sẽ khắc phục được các bất cập trong việc triển khai chính sách hỗ trợ.

Chuyên đề