Có thật sự cần nâng lô giao dịch cổ phiếu?

0:00 / 0:00
0:00

Những nhà đầu tư có lẽ sẽ tìm cách thanh lý hết lượng cổ phiếu đang nắm giữ dưới mốc 100 cổ phiếu trên sàn HOSE phòng trường hợp quy định nâng lô giao dịch từ 10 cổ phiếu lên 100 cổ phiếu được thông qua, vì sau đó nếu phải bán lại lô lẻ cho các công ty chứng khoán thì nhà đầu tư sẽ không tránh khỏi thiệt hại.

Việc tăng lô giao dịch nếu được thực hiện kỳ vọng sẽ giúp tăng phí giao dịch cho các CTCK. Ảnh: THÀNH HOA
Việc tăng lô giao dịch nếu được thực hiện kỳ vọng sẽ giúp tăng phí giao dịch cho các CTCK. Ảnh: THÀNH HOA

Về lại nơi bắt đầu?

Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (HOSE) mới đây lấy ý kiến thành viên là các công ty chứng khoán (CTCK) về việc nâng đơn vị giao dịch lô chẵn (lô giao dịch) từ 10 cổ phiếu lên 100 cổ phiếu. Nếu điều này được thông qua, dự kiến sẽ áp dụng từ đầu năm 2021. Với việc giá trị giao dịch của thị trường thời gian gần đây thường ở mức trên 10.000 tỉ đồng/phiên, một số CTCK cho rằng việc nâng lô giao dịch là cần thiết để giảm tải cho hệ thống.

Cũng cần biết rằng quy định giao dịch 100 cổ phiếu cho một lệnh giao dịch đã từng được thực hiện trên HOSE khi sàn này mới đi vào hoạt động cách đây 20 năm. Tuy nhiên, sau thời gian đầu thực hiện, quy định này trở thành lực cản cho sự phát triển của thị trường chứng khoán, vì nhà đầu tư mới tham gia không có kinh nghiệm sẽ là rủi ro lớn, nên cần được giao dịch thử nghiệm với các giao dịch lô nhỏ để giảm rủi ro.

Về cơ bản, lô giao dịch được chia thành lô chẵn và lô lẻ. Hiện nay, quy định lô chẵn trên HOSE là 10 cổ phiếu và bội số của 10, trên sàn HNX và UpCom là 100 cổ phiếu và bội số của 100, trong khi lô lẻ trên HOSE là từ 1-9 cổ phiếu còn trên HNX và UpCom là 1-99 cổ phiếu. Việc phát sinh lô lẻ trong tài khoản của nhà đầu tư thường do nhận cổ tức bằng cổ phiếu, phát hành bán ưu đãi cho cổ đông hiện hữu,...

Đề xuất thay đổi ở sàn HOSE kể trên nếu được thông qua sẽ giúp lô giao dịch đồng nhất trên cả ba sàn, giúp các nhà đầu tư mới nắm bắt nhanh hơn về khối lượng giao dịch tối thiểu khi không còn sự khác biệt, cũng như có thể giúp giảm tải cho hệ thống như đã nói.

Ngoài ra, thời gian qua trên sàn HOSE, trong các phiên xác định giá mở cửa (ATO) và giá đóng cửa (ATC), các lệnh giao dịch theo lô 10 cổ phiếu thường được sử dụng để đặt cho các mức giá sàn, giá trần, mà nhiều nhà đầu tư tin rằng đó là chiêu trò của các “đội lái” nhằm che lệnh để gom hàng, xả hàng. Nhưng dù có nâng lô giao dịch lên 100 cổ phiếu thì có lẽ cũng khó tránh khỏi hiện tượng này.

Một số ý kiến cho rằng đề xuất trên đi ngược lại xu hướng phát triển thị trường, khi tạo ra những rào cản không cần thiết cho những nhà đầu tư nhỏ lẻ với số vốn giao dịch bị hạn chế. Nếu nhìn sang thị trường phát triển nhất thế giới là Mỹ, vốn không có hạn chế về quy mô của lô giao dịch, do đó các nhà đầu tư ở đây có thể mua được ít nhất... một cổ phiếu.

Lợi cho ai?

Thứ nhất, lý do thanh khoản sàn HOSE gần đây đạt 10.000 tỉ đồng/ngày dẫn đến yêu cầu cần phải nâng lô giao dịch, có lẽ chưa phù hợp. Trong bối cảnh thị trường đang tăng trưởng tích cực, thanh khoản gia tăng là điều tất yếu, nhưng liệu xu thế này sẽ duy trì được bao lâu? Nếu thời gian sau này thanh khoản lại “tụt áp” thì chẳng lẽ lại giảm lô giao dịch? Ngoài ra, nếu việc đặt lô chỉ có 10 cổ phiếu tạo áp lực lên hệ thống giao dịch, thì thiết nghĩ HOSE và các CTCK nên nâng cấp hệ thống để theo kịp sự phát triển, thay vì đẩy vấn đề về phía nhà đầu tư.

Thứ hai, việc tăng lô giao dịch nếu được thực hiện kỳ vọng sẽ giúp tăng phí giao dịch cho các CTCK, vốn đang tính theo phần trăm giá trị giao dịch, phổ biến ở mức 0,2-0,3%. Tuy nhiên, không loại trừ khả năng ngược lại là khi lô giao dịch được nâng lên sẽ làm hạn chế dòng tiền rót vào thị trường, khiến quy mô giao dịch sụt giảm và ảnh hưởng đến nguồn thu phí môi giới của các CTCK.

Thứ ba, nếu như hiện nay các cổ phiếu lô lẻ trên sàn HNX vẫn có thể bán trên sàn như giao dịch lô chẵn, dù tùy thuộc vào chính sách của từng CTCK, thì ngược lại nhà đầu tư muốn bán lô lẻ trên sàn HOSE chỉ có thể bán lại cho các CTCK đang mở tài khoản, theo mức giá mà các CTCK đưa ra và thường thấp hơn đáng kể so với thị giá trên sàn, thậm chí chỉ bằng 70-80% mức giá sàn.

Ngoài ra, có CTCK chỉ thực hiện thu mua lô lẻ theo đợt nên dẫn đến rủi ro là CTCK sẽ không mua vào khi giá thị trường đang lên, mà mua vào khi giá xuống thấp. Đặc biệt, nhà đầu tư sẽ phải chờ đợi trong một khoảng thời gian nhất định, dài hay ngắn tùy thuộc vào CTCK. Vì vậy, nhà đầu tư có lẽ sẽ tìm cách thanh lý hết lượng cổ phiếu đang nắm giữ dưới mốc 100 cổ phiếu trên sàn HOSE phòng trường hợp quy định trên được thông qua, vì sau đó nếu phải bán lại lô lẻ cho các CTCK thì sẽ không tránh khỏi thiệt hại.

Đứng ở góc độ nhà đầu tư, quy định trên nếu được triển khai rõ ràng sẽ tác động đến các nhà đầu tư nhỏ lẻ nhiều nhất, như Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) gần đây cũng đã phản đối khi chỉ ra rằng việc nâng lô giao dịch tối thiểu lên 100 cổ phiếu sẽ ngăn cản sự phát triển thị trường chứng khoán, loại bỏ 10 lần cơ hội được thử nghiệm đào tạo đầu tư chứng khoán thành công, đồng thời đẩy các nhà đầu tư nhỏ lẻ vào các cổ phiếu kém chất lượng do cổ phiếu blue-chip trở nên “rất đắt đỏ”.

Một ví dụ cụ thể như trường hợp của Vinamilk, cổ phiếu blue-chip thu hút rất nhiều nhà đầu tư, hiện đang giao dịch quanh vùng giá 110.000 đồng/cổ phiếu. Nếu giao dịch theo lô 10 cổ phiếu, một nhà đầu tư cá nhân có 10 triệu đồng vẫn có thể mua được 90 cổ phiếu, nhưng khi nâng lô giao dịch lên thành 100 cổ phiếu, nhà đầu tư đó sẽ không còn cơ hội mua được cổ phiếu này.

Hoặc với nhà đầu tư có số vốn lớn hơn 20 triệu đồng, sẽ mua được 180 cổ phiếu với trường hợp lô 10 cổ phiếu, nhưng khi nâng lên lô 100 cổ phiếu, nhà đầu tư này chỉ có thể mua được 100 cổ phiếu với vốn bỏ ra là 11 triệu đồng, 9 triệu đồng còn lại có thể nằm im lãng phí thay vì có thể đổ thêm vào thị trường, hoặc buộc phải tìm đến những cổ phiếu khác có thị giá thấp hơn nhưng không nằm trong danh mục ưa thích của nhà đầu tư.

Nếu so sánh giá trị giao dịch giữa sàn HOSE và HNX sẽ thấy sự chênh lệch rất lớn, có lẽ ngoài yếu tố hàng hóa trên sàn HOSE thường có chất lượng hơn, còn là vì lô giao dịch trên sàn HOSE từ trước đến nay thấp nên thu hút được nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ tham gia hơn. Thử tưởng tượng trong trường hợp của một cổ phiếu tương tự như Vinamilk đang có trên sàn HNX, chỉ riêng một tài khoản đã có 9 triệu đồng đang phải nằm bên lề thị trường nếu không muốn mua một cổ phiếu nào khác, thì với số lượng tài khoản lớn hơn nếu bị hạn chế tương tự thì số tiền lãng phí sẽ lên đến bao nhiêu?

Thống kê 10 tháng qua, số lượng tài khoản mở mới gần 290.000, nâng tổng số tài khoản lũy kế đạt 2,67 triệu, tương đương 2,8% dân số Việt Nam. Không thể phủ nhận dòng tiền mới từ các nhà đầu tư F0, trong số đó không ít là nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ với số vốn giao dịch khiêm tốn, đã đóng góp quan trọng vào sự phục hồi của thị trường chứng khoán từ tháng 4 đến nay.

Đề xuất nâng lô giao dịch trên liệu có làm cản trở ý định tham gia thị trường của những nhà đầu tư nhỏ lẻ, ảnh hưởng đến mục tiêu đưa số lượng nhà đầu tư đạt 3% dân số vào năm 2020 và 5% vào năm 2025, khi mà ai cũng biết quy định lô giao dịch tối thiểu càng nhỏ sẽ càng linh hoạt cho nhà đầu tư.

Chuyên đề