Các doanh nghiệp săm lốp đang phát triển nhiều sản phẩm mới. Ảnh: Nhã Chi |
Đó là “cơn ác mộng” đối với các doanh nghiệp cao su thiên nhiên, nhưng lại là thông tin tốt lành đối với các doanh nghiệp săm lốp, khi cao su là nguyên liệu chính của ngành này.
Trên sàn giao dịch chứng khoán, hiện chỉ có 3 doanh nghiệp thuộc lĩnh vực kinh doanh này, bao gồm: CTCP Công nghiệp Cao su Miền Nam – Casumina (Mã chứng khoán CSM), CTCP Cao su Đà Nẵng (DRC) và CTCP Cao su Sao Vàng (SRC).
Không ngừng đầu tư
Trả lời câu hỏi cổ đông tại ĐHCĐ thường niên 2016 gần đây, đại diện lãnh đạo Casumina cho biết giá nguyên vật liệu năm 2015 tăng trung bình từ 7 – 8% so với năm 2014. Trong quý I/2016, giá nguyên vật liệu có giảm nhẹ ở một số nhóm. Tuy nhiên, riêng cao su tổng hợp là không giảm do các nhà sản xuất đồng loạt giảm sản lượng. Như vậy, rõ ràng việc giá cao su thiên nhiên đang ở giai đoạn thấp điểm không mang lại nhiều lợi ích cho Casumina. Tuy nhiên, Công ty vẫn tự tin đầu tư giai đoạn II cho dự án lốp toàn thép với số tiền rót thêm vào khoảng 800 tỷ đồng. Với mức vốn điều lệ 740 tỷ đồng hiện tại, dự án này của Casumina là tương đối lớn. Casumina đặt nhiều kỳ vọng vào dự án này, mặc dù sản phẩm bị cạnh tranh đáng kể về giá từ các sản phẩm Trung Quốc.
Cũng không tỏ ra kém cạnh, tháng 4 năm ngoái, Cao su Đà Nẵng, doanh nghiệp có vốn điều lệ gần 914 tỷ đồng cũng đã ra quyết định phê duyệt dự án đầu tư Giai đoạn II Nhà máy Sản xuất lốp xe tải radial công suất 600.000 lốp/năm với tổng mức đầu tư 705 tỷ đồng. Cuối tháng 3 vừa qua, sau gần 1 năm ấp ủ, Cao su Đà Nẵng chính thức phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công bổ sung và dự toán cho dự án này. Dự án sẽ huy động khoảng 503 tỷ đồng từ vốn vay, còn lại 202 tỷ đồng từ vốn chủ sở hữu.
Khác với 2 ông lớn Casumina và Cao su Đà Nẵng, Cao su Sao Vàng lại gây chú ý trong giới đầu tư không phải ở hoạt động mở rộng kinh doanh, đầu tư, mà ở dự án bất động sản mà công ty này manh nha tiến hành.
Với mục đích mở rộng quy mô đầu tư sản xuất, đặc biệt là dòng lốp radial, theo kế hoạch, Cao su Sao Vàng sẽ tiến hành di dời nhà máy khỏi cơ sở hiện tại 231 Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Sẽ chẳng có gì đáng nói khi đó không phải là mảnh đất vàng vốn được nhiều đại gia nhòm ngó từ lâu. Công ty đã ký hợp đồng đầu tư Dự án Khu phức hợp Thương mại – Nhà ở Cao su Sao Vàng để cùng khai thác mảnh đất rộng trên 62 nghìn m2 trên mặt đường Nguyễn Trãi. Thông tin được công bố đã nhanh chóng “kích” giá cổ phiếu SRC tăng trần ngay trong phiên.
Quan sát biến động giá cổ phiếu CSM, DRC và SRC trong 6 tháng trở lại đây, xu hướng tăng giá thấy khá rõ đối với 2 ông lớn CSM và DRC. Cổ phiếu SRC hiện đang giao dịch xung quanh mức giá 30.600 đồng/CP, giảm nhẹ so với cách đây 6 tháng, nhưng đã tăng trưởng vượt bậc so với mức giá xung quanh 23.000 đồng/CP cách đây 1 năm.
Vinachem vớ bẫm từ cổ tức
Một đặc điểm chung đối với 3 doanh nghiệp săm lốp này là tỷ lệ nắm giữ đa số (trên 50%) của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem). Trong khi khoản đầu tư vào Đạm Ninh Bình đang bị “mắc kẹt” với con số thua lỗ lũy kế trên 2.000 tỷ đồng, thì Tập đoàn này vẫn đang đều đặn hái “quả ngọt” từ các doanh nghiệp làm ăn có lãi, điển hình là 3 doanh nghiệp săm lốp.
Theo nghị quyết ĐHCĐ thường niên 2016, tỷ lệ cổ tức năm 2015 của Casumina, Cao su Đà Nẵng và Cao su Sao Vàng lần lượt đạt 35%, 30% và 22%. Tất cả đều bằng tiền mặt. Theo tính toán của chúng tôi, số tiền cổ tức năm 2015 mà Vinachem thu từ mảng săm lốp đạt 293 tỷ đồng. Với kế hoạch kinh doanh khả quan năm 2016, số tiền cổ tức nhận được của Vinachem hứa hẹn sẽ không kém “hoành tráng” so với năm 2015. 3 doanh nghiệp săm lốp không nằm trong kế hoạch thoái vốn của Vinachem trong năm 2016 vì vậy cũng không quá khó hiểu.