Các doanh nghiệp ngành vận tải vẫn duy trì ổn định cả về doanh thu và lợi nhuận. Ảnh: Nhã Chi |
Kinh doanh ổn định
Trong những tháng đầu năm 2016, kết quả kinh doanh của các DN vận tải có sự tăng trưởng tích cực. Riêng trong quý I/2016, một số trường hợp nổi bật như: Công ty CP Dịch vụ Vận tải Dầu khí Cửu Long (PV Trans, mã chứng khoán PCT) đạt 6,2 tỷ đồng lợi nhuận, tăng 15%, Hoàng Hà đạt 5,2 tỷ đồng lợi nhuận, tăng 35%... Theo công văn giải trình của Hoàng Hà, kết quả kinh doanh đột biến trong quý I/2016 do chính sách hỗ trợ DN của Nhà nước phát huy tính hiệu quả, đặc biệt là chính sách hạ lãi suất tiền vay, nên chi phí tài chính của DN giảm đáng kể so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh đó, do chính sách quản lý sản xuất kinh doanh tiết giảm chi phí của DN được áp dụng triệt để, tránh lãng phí. Hoạt động kinh doanh hãng xe ô tô Hyundai Đô Thành và TMT Cửu Long có hiệu quả cao, một số phương tiện vận tải của Công ty đã hết khấu hao nhưng vẫn hoạt động tốt. Đặc biệt, giá xăng, dầu quý I/2016 giảm mạnh so với quý I/2015 đã hỗ trợ tích cực hoạt động kinh doanh của Công ty.
Đối với PV Trans, cùng với việc tiết kiệm chi phí sản xuất kinh doanh, nguyên nhân lợi nhuận sau thuế tăng so với cùng kỳ năm trước còn do trong quý I/2016, Công ty đã thực hiện tái cấu trúc hoạt động kinh doanh taxi, bán thanh lý một số phương tiện vận tải để thu hồi vốn đầu tư. Thu nhập từ việc thanh lý này đã góp phần làm tăng lợi nhuận trong kỳ.
Nhìn chung trong quý I/2016, các DN kinh doanh vận tải đều có sự tăng trưởng so với cùng kỳ năm ngoái cả về doanh thu và lợi nhuận. Một số DN quy mô lớn có mức tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận thấp hơn như Vinasun. Hai yếu tố quan trọng khiến doanh thu và lợi nhuận tăng là lãi suất ổn định ở mức thấp và giá xăng dầu giảm.
Triển vọng dài hạn
Bên cạnh đó, kinh doanh bến bãi cũng mang lại lợi nhuận lớn cho các DN vận tải nói chung và DN chuyên kinh doanh bến bãi nói riêng. Bến xe lớn phía Nam là bến xe Miền Đông đứng đầu về doanh thu với 172 tỷ đồng. Đến cuối năm 2015, Công ty TNHH MTV Bến xe Miền Đông có vốn điều lệ 72 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu chỉ 141 tỷ đồng nhưng lợi nhuận gần 97 tỷ đồng. Năm 2014, DN này cũng đạt tới 92,5 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.
Trên sàn giao dịch chứng khoán, Công ty CP Bến xe Miền Tây (WCS) được biết đến là DN có mức lợi nhuận trên một cổ phần (EPS) thuộc hạng cao, hơn 19.000 đồng năm 2015. Với vốn điều lệ chỉ 25 tỷ đồng, lợi nhuận hàng năm của DN này trong nhiều năm qua luôn lớn hơn vốn điều lệ, thậm chí lớn gấp đôi. Một trường hợp tương tự đăng ký giao dịch trên thị trường là Công ty CP Bến xe Nghệ An. Doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng khá đều đặn và với vốn điều lệ chỉ hơn 31 tỷ đồng, mức lợi nhuận hàng năm của công ty này luôn đạt trên 20 tỷ đồng. EPS từ 7.000 - 8.000 đồng.
Công ty CP Hoàng Hà một công ty kinh doanh vận tải hành khách cũng kinh doanh tại bến xe khách Hoàng Hà tại Thái Bình. Nhờ sở hữu bến xe, Hoàng Hà không phải chi tiền lệ phí bến bãi, tiết kiệm được 6,2 tỷ đồng/năm. Hiện tại mỗi ngày có gần 350 lượt xe khách ra vào bến xe của Hoàng Hà. Ngoài ra, công ty này cũng góp 34,67% vốn tại Công ty CP Bến xe khách trung tâm Cẩm Phả tại Quảng Ninh, một bến xe có doanh thu khoảng 2,5 tỷ đồng/năm.
Với tốc độ tăng trưởng của nhu cầu đi lại ngày càng lớn, phần lớn các bến xe lớn đều đã hoạt động hết công suất và đều có kế hoạch di dời để nâng cao quy mô, công suất phục vụ. Theo phân tích của các công ty chứng khoán, cổ phiếu ngành vận tải khó có sự đột biến về doanh thu và lợi nhuận. Tuy nhiên các DN này sẽ duy trì được ổn định cả về doanh thu và lợi nhuận phù hợp với những nhà đầu tư ưa thích ăn chắc mặc bền và nắm giữ dài hạn.