Cổ phiếu ngân hàng tăng quá “nóng”?

(BĐT) - Kết thúc quý I/2018, giá cổ phiếu ngân hàng trên sàn chứng khoán đã tăng tới 40%, cao hơn hẳn mức tăng 19,3% của chỉ số VN-Index. Trước đó, giá cổ phiếu ngành này đã tăng 73,2% trong năm 2017. 
Cổ phiếu Ngân hàng TMCP Phương Đông đang được giao dịch với giá khoảng 27.000 đồng/CP trên sàn OTC. Ảnh: Kim Tiến
Cổ phiếu Ngân hàng TMCP Phương Đông đang được giao dịch với giá khoảng 27.000 đồng/CP trên sàn OTC. Ảnh: Kim Tiến

Không chỉ diễn ra sôi động trên thị trường thứ cấp, một số cổ phiếu ngành ngân hàng và cả công ty tài chính có kế hoạch niêm yết trong năm 2018 cũng đã giao dịch rất nóng trên thị trường OTC.

Nóng ngay trên OTC

Trong khi phiên đấu giá 4 tháng trước Vietcombank chỉ bán được 70% cổ phần của Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) chào bán với giá đấu thành công bình quân là 13.005 đồng/CP thì toàn bộ cổ phiếu đấu giá ngày 17/4/2018 đã được bán hết với giá trúng bình quân cao gần gấp đôi. Cụ thể, 677 nhà đầu tư đã mua trọn hơn 6,6 triệu cổ phần OCB với giá đấu thành công bình quân là 25.771 đồng/CP. Mức giá này vẫn còn thấp hơn so với giá đang được giao dịch trên sàn OTC hiện nay là 27.000 đồng/CP. Năm 2018, OCB lên kế hoạch lợi nhuận trước thuế 2.000 tỷ đồng, tăng trưởng 96% so với năm 2017.

Một cổ phiếu ngân hàng khác trên OTC cũng mang lại cho nhà đầu tư tỷ suất sinh lời lên đến 30% trong 2 tháng là Techcombank. Nếu như cách đây 2 tháng, cổ phiếu Techcombank được giao dịch trên OTC quanh mức giá 90.000 đồng/CP thì hiện tại có nhà đầu tư sẵn sàng bỏ ra 118.000 đồng cho một cổ phiếu của ngân hàng này. Trước đó, giá cổ phiếu Techcombank đã tăng một mạch từ 2x lên 9x chỉ trong 1 thời gian và nhiều người lo lắng đây là mức giá khá cao.

Còn đối với TPBank, ngân hàng này chính thức niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) với giá khởi điểm 32.000 đồng/CP. So sánh với mức giá đấu thành công bình quân 8.900 đồng trong phiên đấu giá ngày 25/4/2016 do Tổng công ty Viễn thông Mobifone tổ chức, cổ phiếu TPBank đã tăng giá tới 3,6 lần trong gần 2 năm. Tại buổi Roadshow giới thiệu cơ hội đầu tư, TPBank cho biết, lợi nhuận trước thuế quý I/2018 đạt hơn 513 tỷ đồng, tăng 2,4 lần so với cùng kỳ 2017; tổng huy động đạt trên 110 nghìn tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu kiểm soát ở mức thấp 0,95%.

Một số ngân hàng có kế hoạch tái cấu trúc và lợi nhuận cao đầy tham vọng như ABBank cũng tăng một mạch từ mức giá 9.000 đồng/CP lên 16.000 - 17.000 đồng/CP trong 1 thời gian rất ngắn. 

Cơ hội và những rủi ro

Hiện nay, số lượng ngân hàng niêm yết trên hai sàn chứng khoán đã tăng từ 9 lên 15 ngân hàng, với tổng vốn hóa ở mức 40 tỷ USD và chiếm 21,5% tổng vốn hóa của toàn thị trường.

Theo ông Hoàng Minh Sơn - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Chứng khoán Vina, ngân hàng là ngành thu hút vốn cũng như là nguồn lực lớn của xã hội, lợi nhuận ngành có nhiều đột biến trong năm 2017 và quý I/2018, không ít nhà băng đặt mục tiêu tăng trưởng mạnh năm nay. Đơn cử như HDBank báo lãi 1.045 tỷ đồng quý I/2018, cao gấp 3 lần so với cùng kỳ 2017. Hay trường hợp của TPBank, kết thúc quý I/2018, ngân hàng đạt lợi nhuận trước thuế 513 tỷ đồng, gấp 2,4 lần so với cùng kỳ năm trước (215 tỷ đồng)…

Cùng với đó, các cổ phiếu ngân hàng từ sàn OTC được giao dịch trên thị trường thứ cấp đều tăng trưởng tốt và giữ nhịp này ổn định… Ngoài ra, các cổ phiếu lên sàn thường tăng 10 - 20% ngay những ngày đầu niêm yết và không giảm, có xu hướng tích lũy tăng sau một thời gian.

Tuy nhiên, vẫn có một số rủi ro đơn cử như thị trường chung đang được đánh giá ở mức cao nhất trong lịch sử và có thể có sự điều chỉnh. Tại thời điểm ngày 30/3/2018, các cổ phiếu ngân hàng được định giá bình quân ở mức P/B 3,2 lần và P/E đạt 20,3 lần. Điều này không khỏi khiến nhiều nhà đầu tư đặt câu hỏi, liệu cổ phiếu ngân hàng có tăng trưởng quá nóng? Đồng thời, hiện việc định giá mới chỉ dựa trên chỉ số rất cơ bản như P/E, EPS, hệ thống chi nhánh, phòng giao dịch…, mà chưa xét đến các yếu tố tăng trưởng bền vững.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư