Cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán rơi rụng, dầu khí “lên hương”?

0:00 / 0:00
0:00
Dòng tiền tiếp tục đổ mạnh vào thị trường phiên cuối tuần, đẩy thanh khoản lên cao kỷ lục mới. VN-Index được các trụ lớn kéo tăng, nhưng đến lượt các cổ phiếu đơn lẻ tăng, hơn là nhóm dẫn dắt...
Diễn của chỉ số VN30-Index trong phiên hôm nay.
Diễn của chỉ số VN30-Index trong phiên hôm nay.

VN-Index kết phiên tăng 0,72% tương đương có được gần 10 điểm. Trong khi đó VN30-Index chỉ tăng 0,26%. Điều đó có nghĩa là đang có sự phân hóa về trụ ở các mức trọng số khác nhau giữa hai chỉ số.

Dẫn đầu nhóm kéo VN-Index là VIC, GAS, GVR, VRE, SSB, MSN, VPB. Có thể thấy không còn sự áp đảo hoàn toàn của nhóm cổ phiếu ngân hàng nữa. Ngược lại, VN30 tuy được VPB kéo lên khá mạnh nhưng STB, VCB, VNM, TCB lại là 5 mã kéo xuống nhiều nhất.

Chỉ cần nhìn nhóm tác động chỉ số nói trên cũng thấy vai trò của nhóm cổ phiếu ngân hàng đã giảm đi nhiều trong phiên này. Vẫn còn đó các mã tăng giá khỏe, như TPB tăng 1,96%, VPB tăng 1,56%, MBB tăng 0,97%, EIB tăng 4,4%, MSB tăng 5,2%, OCB tăng 4,9%, SSB tăng 5,8%. Tuy nhiên không có hình mẫu chung nào ở các nhóm tăng giá này, từ vốn hóa tới xu hướng giá.

Ngược lại, các mã ngân hàng giảm giá cũng trải rộng từ blue-chips tới penny. ACB giảm 1,3%, VCB giảm 1,7%, TCB giảm 0,4%, STB giảm 1,8%, HDB giảm 1%, LPB giảm 1,3%, BVB giảm 2,4%, VBB giảm 2%, SGB giảm 3,5%, NAB giảm 3,2%, NVB giảm 3,7%, BAB giảm 2,9%.

Áp lực chốt lời trong nhóm ngân hàng bắt đầu tạo sự phân hóa ngay ở nhóm cổ phiếu nóng nhất thị trường. Với nhóm chứng khoán cũng vậy, bắt đầu có nhieuf mã rơi rụng. Vài mã nhỏ giảm cực mạnh như ART giảm 5,5%, BSI giảm 5,1%, BVS giảm 3,1%, MBS giảm 1,6%, VIX giảm 4%, WSS giảm 7,7%, DSC giảm 3,6%, VIG giảm 6,2%.... Ngay cả các mã lớn nhất cũng khác nhau, VCI tăng 1,19%, HCM giảm 0,48%, SSI giảm 0,31%...

Nhóm cổ phiếu dường như tăng đều hôm nay là dầu khí. Giá dầu tăng đang là lực hỗ trợ nhất định. GAS tăng 3,51%, PLX tăng 3,25%, BSR tăng 6,68%, OIL tăng 8,39%, PVC, PVD, PVS đều kịch trần...

Tuy vậy việc nhóm dầu khí có nổi lên thành nhóm dẫn dắt thị trường hay không còn rất khó biết, vì cũng giống chứng khoán, dầu khí không có nhiều mã gây ảnh hưởng được tới chỉ số. GAS là mã duy nhất tác động tới VN-Index phiên này với gần 1,6 điểm, đứng thứ hai sau VIC. Các mã như PLX cũng khá nhỏ còn PVD, PVT... thì càng không đáng kể.

Cổ phiếu dầu khi đang được trông đợi là nhóm kế tiếp sau ngân hàng, thép và chứng khoán. Tuy nhiên dòng tiền vào nhóm này không thật sự rõ ràng và có lẽ chỉ một vài cổ phiếu cá biệt là thu hút chú ý.

PVD là mã giao dịch mạnh nhất nhóm dầu khí với 24,26 triệu cổ tương đương 565,2 tỷ đồng phiên này, lọt vào Top 10 giá trị khớp lệnh sàn HoSE. PVD cũng có phiên kịch trần đầu tiên của năm nay. Thanh khoản hôm nay cũng cao gấp 3 lần mức bình quân 20 phiên. GAS, PLX cũng có thanh khoản vượt trội bình quân.

Bên sàn HNX, PVS, PVC cũng đang bùng nổ thanh khoản. Tuy nhiên các mã này đã tăng giá khá sớm từ cuối tháng 5. PVC trong 7 phiên gần nhất tăng 34,4%, PVS tăng 35%. Thực tế xu hướng tăng của PVS đã có từ cuối tháng 4 và biên lợi nhuận đến nay cũng khoảng 53%. Dù vậy nếu nhìn từ thanh khoản thì chỉ từ tuần trước đến tuần này khối lượng mới bắt đầu tăng mạnh. Điều này có thể là dấu hiệu cho thấy đang có sự quan tâm lớn hơn.

Thị trường phiên chiều thanh khoản khá tốt dù hệ thống vẫn chậm. Tổng giá trị khớp hai sàn đạt khoảng 13.232 tỷ đồng, tăng 30% so với chiều hôm qua. Nhờ giao dịch cả sáng lẫn chiều đều cao, phiên này thị trường lại lập kỷ lục mới với 33.824 tỷ đồng khớp lệnh hai sàn và 36.053 tỷ đồng tổng giao dịch.

Nhà đầu tư nước ngoài bán ròng cực mạnh tới gần 1.488 tỷ đồng, HNX bị bán ròng 45 tỷ. MBB bị rút đi tới gần 510 tỷ đồng ròng. HPG cũng bị bán ròng 427,7 tỷ đồng, VSC khoảng 362,5 tỷ đồng. VIC cũng tới 217,8 tỷ đồng, VNM là 172 tỷ đồng. Hiếm có phiên nào khối này xả ròng hàng trăm tỷ với loạt blue-chips như vậy. Phía mua có VRE khá lớn với +127,8 tỷ, PLX khoảng 70 tỷ đồng.

Chuyên đề