Cổ phiếu ngân hàng biến động sau tin bắt giam ông Trầm Bê

Ngoài cổ phiếu ngân hàng giảm giá mạnh sáng nay, hoạt động của các nhà băng không bị ảnh hưởng sau khi ông Trầm Bê cùng đồng phạm bị bắt.
Giao dịch tại Ngân hàng Sacombank sáng nay hoàn toàn bình thường. Ảnh:Lệ Chi
Giao dịch tại Ngân hàng Sacombank sáng nay hoàn toàn bình thường. Ảnh:Lệ Chi

Sau thông tin về việc bắt giữ ông Trầm Bê và 15 bị can tại 4 nhà băng, doanh nghiệp, mở đầu phiên giao dịch, sắc đỏ bao trùm hầu hết các cổ phiếu ngân hàng, trạng thái cùng chiều với thị trường chung khi chỉ số VN-Index giảm hơn 4 điểm (tương đương 0,6%). Trong đó, cổ phiếu STB của Sacombank bị bán mạnh ngay từ đầu phiên, sau phiên khớp lệnh mở cửa giảm gần 4% xuống 12.500 đồng.

Tuy nhiên, đến giữa phiên giao dịch đầu giờ, thị trường dần phục hồi với dòng tiền bắt đáy từ nhà đầu tư. Đến cuối phiên sáng, cổ phiếu STB của Sacombank phục hồi trở lại, chỉ còn giảm 2% so với giá tham chiếu, giao dịch ở mức 12.750 đồng một cổ phiếu. Cùng trong đà giảm với STB còn có cổ phiếu MBB của Ngân hàng Quân Đội (giảm 0,2%), cổ phiếu VCB của Vietcombank (giảm 0,26%), cổ phiếu NVB của Ngân hàng Quốc Dân (giảm 1,3%). Trong khi ở chiều ngược lại, cổ phiếu BID của Ngân hàng BIDV tăng hơn 2,2%, còn cổ phiếu CTG của VietinBank tăng 1,75%.

Theo một số công ty chứng khoán, nhà đầu tư trên thị trường không quá bi quan trước thông tin ông Trầm Bê và nguyên lãnh đạo Sacombank bị bắt do những khó khăn tại ngân hàng này đã được bộc lộ từ trước. Trong báo cáo mới công bố, Công ty chứng khoán Bản Việt tiếp tục giữ nguyên dự báo với cổ phiếu STB của Sacombank khi đưa ra mức giá mục tiêu chỉ hơn 4.600 đồng, giảm 64% so với mức giá cổ phiếu này đang giao dịch.

Ghi nhận của VnExpress sáng nay, Sacombank vẫn duy trì các giao dịch như thường lệ. Trụ sở ngân hàng tại TP HCM có lượng khách đến thực hiện giao dịch vẫn như mọi ngày. Chỉ khác những ngày trước là, bên cạnh các khách hàng đến giao dịch, cũng có vài người đến thăm dò thông tin rồi về.

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM cho biết, theo báo cáo của Sacombank, trong ngày hôm qua - thời điểm xuất hiện thông tin bắt các cựu lãnh đạo, huy động của toàn hệ thống Sacombank vẫn tăng 226 tỷ đồng. Mọi hoạt động đều diễn ra bình thường và thông suốt.

Ban lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước TP HCM đang túc trực tại đây để theo dõi thị trường và đưa phương án dự phòng với mục tiêu cao nhất là đảm bảo hoạt động an toàn của Sacombank, của hệ thống ngân hàng cũng như quyền lợi của khách hàng.  

Liên quan tới cán bộ ngân hàng BIDV, TPBank bị bắt tạm giam 4 tháng, chia sẻ với VnExpress, ông Đỗ Minh Phú - Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Tiên Phong (TPBank) cho biết, những cán bộ của nhà băng này bị bắt đều đã nghỉ việc từ lâu. "Họ là cán bộ cấp thấp, liên đới đến mấy công ty vay tiền, nhưng đã nghỉ việc tại TPBank nhiều năm nay", ông Phú nói và cho biết, ngân hàng không có thiệt hại, hay tổn thất gì trong vụ việc này.  Toàn bộ khoản vay gần 1.700 tỷ trong vụ án liên quan tới ông Trầm Bê, Phạm Công Danh, ngân hàng đã thu hồi hết nợ từ tháng 4/2014.

Còn đại diện Ngân hàng Đầu tư & Phát triển (BIDV) cũng khẳng định, không có cán bộ nào đang làm việc tại ngân hàng này bị bắt. "Ghi nhận trong hệ thống của BIDV tới lúc này không có cán bộ nào đang làm việc dính vào vụ việc. Những người có liên quan đều đã nghỉ việc tại ngân hàng từ lâu", ông nói và khẳng định ngân hàng vẫn hoạt động bình thường, tăng trưởng ổn định. Sáu tháng đầu năm, BIDV lãi hơn 4.000 tỷ đồng trước thuế; tổng vốn huy động hơn một triệu tỷ đồng, trong đó tiền gửi khách hàng gần 812.000 tỷ.

Ghi nhận tại một số chi nhánh, phòng giao dịch của hai ngân hàng này sáng nay vẫn diễn ra bình thường.

Trước đó chiều 1/8, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng (C46 - Bộ Công an) đã bắt tạm giam ông Trầm Bê (58 tuổi, nguyên Phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng Sacombank) về hành vi Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Cùng bị bắt với ông Bê còn có ông Phan Huy Khang (nguyên thành viên hội đồng tín dụng, nguyên Tổng giám đốc Sacombank) và 15 người là cựu cán bộ các ngân hàng TPBank, BIDV, Ngân hàng Xây dựng, giám đốc các công ty... cũng bị bắt giam 4 tháng. Chín người khác bị khởi tố, song được tại ngoại.

Động thái này được Bộ Công an tiến hành trong tiến trình điều tra giai đoạn hai, của đại án Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Xây dựng Việt Nam - VNCB, Tập đoàn Thiên Thanh) gây thất thoát tổng cộng hơn 15.000 tỷ đồng.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư