Doanh thu và lợi nhuận sau thuế nửa đầu năm 2019 của Công ty CP Cảng An Giang lần lượt đạt 36,6 tỷ đồng và 3,7 tỷ đồng. Ảnh: NC st |
Kinh doanh sa sút
Công ty CP Cảng An Giang tiền thân là Cảng Mỹ Thới An Giang - một doanh nghiệp nhà nước hoạt động trong lĩnh vực cảng biển, được thành lập tháng 4/1985 theo Quyết định số 138/QĐ.UB.TC của UBND tỉnh An Giang. Cuối tháng 3/2011, Cảng Mỹ Thới An Giang chính thức chuyển thành Công ty CP Cảng An Giang với vốn điều lệ là 138 tỷ đồng, trong đó UBND tỉnh An Giang nắm giữ 52,98%. Vốn nhà nước tại Cảng An Giang sau đó được chuyển giao cho SCIC vào cuối năm 2015.
Công ty hiện quản lý và khai thác 2 cảng lớn của An Giang là cảng Mỹ Thới và cảng thủy nội địa Bình Long, chủ yếu xuất khẩu lúa gạo. Từ năm 2016, với sự phát triển của nhiều cảng mới trong khu vực, Công ty phải chịu sự cạnh tranh gay gắt về giá khiến hiệu quả kinh doanh giảm mạnh.
Cụ thể, doanh thu thuần năm 2016 giảm 15,4% (từ 95 tỷ đồng xuống còn 82,2 tỷ đồng) và lợi nhuận sau thuế cũng giảm 21,2% so với năm 2015 (từ 13,7 tỷ đồng xuống còn 11,3 tỷ đồng). Bước sang năm 2017, kết quả kinh doanh của Cảng An Giang tiếp tục giảm mạnh. Doanh thu và lợi nhuận ròng chỉ còn đạt 67,8 tỷ đồng và 3,1 tỷ đồng, giảm tương ứng 18% và 72% so với năm 2016.
Nếu như trong giai đoạn 2013 - 2014, doanh thu và lãi ròng bình quân của Cảng An Giang lần lượt đạt 101,6 tỷ đồng và 15 tỷ đồng thì con số này trong giai đoạn 2016 - 2018 chỉ còn 72 tỷ đồng và 5,8 tỷ đồng.
6 tháng đầu năm 2019, doanh thu và lợi nhuận sau thuế của Cảng An Giang lần lượt đạt 36,6 tỷ đồng và 3,7 tỷ đồng.
Dù kết quả kinh doanh không mấy sáng sủa nhưng Cảng An Giang lại có tình hình tài chính sáng sủa với nợ phải trả chỉ chiếm 5,3% tổng tài sản. Công ty cũng đang sở hữu một vài khu đất có quy mô trên 43 nghìn m2 tại phường Mỹ Thạnh, TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang.
Mức giá “khủng”
Quay trở lại với phiên đấu giá cổ phần, SCIC sẽ thực hiện bán đấu giá hơn 7,311 triệu cổ phần nắm giữ tại Cảng An Giang theo phương thức đấu giá theo lô. Với giá khởi điểm là 99.000 đồng/cổ phần, nhà đầu tư muốn sở hữu toàn bộ lô cổ phần trên phải bỏ ra ít nhất 723,8 tỷ đồng.
Với mức giá khởi điểm này, một cổ phần Cảng An Giang đang được định giá ở mức P/E lên tới 476 lần. Nếu so sánh với mức P/E của một số doanh nghiệp hoạt động trong cùng lĩnh vực như Công ty CP Cảng Đoạn Xá là 8,13 hay Công ty CP Đầu tư và Phát triển Cảng Đình Vũ ở mức 5,72, có thể thấy phần nào mức giá khởi điểm “khủng” của Cảng An Giang.
Không phải cho đến giờ Cảng An Giang mới được công nhận là quán quân về giá cổ phần so với các doanh nghiệp cùng lĩnh vực, mà mã cổ phiếu CAG của doanh nghiệp này đã “leo dốc” từ khi mới niêm yết tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX). Ngày 4/12/2017, cổ phiếu CAG chính thức được giao dịch trên HNX với giá tham chiếu 11.000 đồng/cổ phiếu. Ngay sau đó, thị giá cổ phiếu này đã tạo ra một chuỗi tăng giá với mức đỉnh 118.776 đồng vào ngày 28/5/2018. Trong nửa tháng qua, giá cổ phiếu CAG neo tại mức 85.900 đồng và không có thanh khoản.
Đây có thể là lý do cho mức giá “khủng” của Cảng An Giang trong đợt thoái vốn của SCIC. Bởi lẽ theo quy định, giá khởi điểm chuyển nhượng vốn tại công ty cổ phần đã niêm yết/đăng ký giao dịch trên thị trường không được thấp hơn giá tham chiếu bình quân của 30 ngày giao dịch liên tiếp trên thị trường chứng khoán trước ngày công bố thông tin thực hiện bán cổ phần chuyển nhượng vốn.