Có nên lùi thời hạn siết vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Ngân hàng Nhà nước (NHNN) muốn giãn lộ trình siết vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn từ 6 tháng đến 1 năm. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng điều này là không nên trong bối cảnh kinh tế hiện tại.
Theo quy định hiện hành, các tổ chức tín dụng phải đưa tỷ lệ
vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn về mức 40% trong khoảng thời gian từ 1/1
đến 30/9/2020 và về mức 37% từ 1/10/2020. Ảnh: Lê Tiên
Theo quy định hiện hành, các tổ chức tín dụng phải đưa tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn về mức 40% trong khoảng thời gian từ 1/1 đến 30/9/2020 và về mức 37% từ 1/10/2020. Ảnh: Lê Tiên

NHNN đang lấy ý kiến Dự thảo Thông tư về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 22/2019 ngày 15/11/2019 quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Theo đó, các tổ chức tín dụng phải đưa tỷ lệ này về mức 40% trong khoảng thời gian từ ngày 1/1/2020 đến 30/9/2020 và về mức 37% từ ngày 1/10/2020, tiếp theo sẽ về mức 34% từ ngày 1/10/2021 và mức 30% kể từ ngày 1/10/2022.

NHNN cho biết, để giảm chi phí vốn và triển khai lãi suất ưu đãi cho khách hàng, các ngân hàng cần tiếp tục duy trì tỷ trọng nguồn vốn ngắn hạn trong cơ cấu huy động vốn. Do vậy, việc giảm tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung, dài hạn từ mức 40% về 37% kể từ ngày 1/10/2020 theo lộ trình tại Thông tư 22/2019/TT-NHNN có thể dẫn đến phương án cơ cấu nguồn vốn của các ngân hàng gặp khó khăn. Bên cạnh đó, do áp lực của dịch Covid-19 đến hoạt động sản xuất kinh doanh, lượng tiền gửi của khách hàng tại các ngân hàng dự kiến sẽ còn giảm.

Do đó, để bảo đảm thực hiện các chính sách ưu đãi lãi suất, duy trì dư nợ trung dài hạn ổn định cho khách hàng, cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng thuộc NHNN thấy rằng có thể xem xét lùi lộ trình áp dụng tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung, dài hạn theo 2 phương án: lùi thời hạn thêm 6 tháng hoặc thêm 1 năm.

Thực tế, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn cao có thể đem lại nguồn thu nhập lớn cho ngân hàng do chi phí trả lãi cho các khoản vốn này là thấp. Tuy nhiên, điều này chưa hẳn đã tốt vì ngân hàng sẽ khó bảo đảm khả năng thanh toán cho những khoản nợ đến hạn hay thanh toán theo yêu cầu của khách hàng.

Với chủ trương lành mạnh hóa hoạt động tín dụng và bảo đảm thanh khoản cho hệ thống ngân hàng, lộ trình siết tỷ lệ này đã được nghiên cứu và giảm dần trong những năm qua.

Liên quan đến vấn đề này, Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật Basico cho rằng, việc đề xuất giãn thời hạn thực hiện siết tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn có thể sẽ gây hiệu ứng không tốt về việc ban hành và thực thi quy định pháp luật. “Rất hạn chế việc lùi thời gian thực hiện các quy định pháp luật để tránh tình trạng “nhờn” luật. Việc lùi này chỉ nên tính đến trong trường hợp thật khẩn cấp, vô cùng bức thiết. Thực tế hiện nay, không hẳn là nhiều ngân hàng đang thiếu vốn, thậm chí ngược lại. Mặt khác, đây là quy định đã được nghiên cứu từ lâu, cân nhắc thực hiện từ nhiều năm nay nên càng không nên hoãn”, ông Đức nói.

Cùng quan điểm, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, chưa thật sự cần thiết lùi thời hạn áp dụng các quy định về giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn. Bởi lẽ, hiện thanh khoản của các ngân hàng đang rất dồi dào, điều này thể hiện rõ qua mức tăng trưởng tín dụng thấp trong khi tăng trưởng huy động vốn vẫn ở mức cao. Mặt khác, nếu không siết tỷ lệ cho vay trong bối cảnh lãi suất đang giảm và các hoạt động sản xuất, kinh doanh vẫn còn khó khăn, có thể dòng vốn trung và dài hạn sẽ chảy vào các lĩnh vực rủi ro như chứng khoán và bất động sản.

“Đồng tình với việc cần nới lỏng chính sách tiền tệ bằng các giải pháp như tiếp tục giảm lãi suất, ưu tiên tín dụng cho các lĩnh vực tăng trưởng bền vững, từ đó tạo điều kiện cho doanh nghiệp vay vốn, nhưng không nên làm chậm lại lộ trình này. Kể cả trong trường hợp dịch bệnh Covid-19 còn tiếp tục tác động đến nền kinh tế trong thời gian tới, cần tiếp tục kiểm soát và hạn chế dòng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn để bảo đảm lành mạnh hóa hoạt động tín dụng và mang lại lợi ích lâu dài”, ông Hiếu nói.

Chuyên đề