Cơ hội mới từ 29 dự án giao thông sắp khởi công

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Bộ Giao thông vận tải (GTVT) và các địa phương được giao làm cơ quan chủ quản đang gấp rút thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư để khởi công 29 dự án giao thông trọng điểm trong năm 2024. PCó nhiều cơ hội việc làm, nhưng các nhà thầu đều mong muốn cơ quan chức năng sớm vào cuộc tháo gỡ những bất cập về nguồn cung vật liệu xây dựng, đơn giá, định mức.
Bộ GTVT và các địa phương được giao làm cơ quan chủ quản đang gấp rút thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư để khởi công 29 dự án giao thông trọng điểm trong năm 2024. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Bộ GTVT và các địa phương được giao làm cơ quan chủ quản đang gấp rút thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư để khởi công 29 dự án giao thông trọng điểm trong năm 2024. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Bộ GTVT cho biết đang làm công tác chuẩn bị đầu tư và theo kế hoạch sẽ hoàn thành thủ tục khởi công 19 dự án giao thông lớn trong năm 2024. Trong đó, 3 dự án cao tốc do Bộ GTVT là cơ quan chủ quản gồm: cao tốc Dầu Giây - Tân Phú; Chợ Mới - Bắc Kạn; Lộ Tẻ - Rạch Sỏi. 6 dự án cải tạo, nâng cấp dự kiến khởi công trong năm 2024 gồm: Cải tạo, mở rộng Quốc lộ 2 đoạn Vĩnh Yên - Việt Trì, tỉnh Vĩnh Phúc; Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 28B qua tỉnh Bình Thuận và tỉnh Lâm Đồng; Cải tạo đường sắt khu vực đèo Khe Nét, tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM; Cải tạo, nâng cấp luồng Quy Nhơn cho tàu 50.000DWT; Cải tạo, mở rộng Quốc lộ 46 đoạn TP. Vinh - thị trấn Nam Đàn; Nâng cấp, cải tạo 3 tuyến Quốc lộ (53, 62, Nam Sông Hậu) tại Đồng bằng sông Cửu Long. 4 dự án xây dựng hệ thống thông tin gồm: Xây dựng hệ thống thông tin phục vụ quản lý nhà nước của Cục Đường bộ Việt Nam; Xây dựng hệ thống thông tin quản lý tích hợp phục vụ chuyển đổi số Cục Đường thủy nội địa Việt Nam; Xây dựng các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu dùng chung của Bộ GTVT giai đoạn 2021 - 2025; Xây dựng hệ thống thông tin quản lý phương tiện, người điều khiển phương tiện hàng không và kết cấu hạ tầng giao thông hàng không. 6 dự án còn lại gồm: Đường Hồ Chí Minh đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất, Gò Quao - Vĩnh Thuận; Đường Hồ Chí Minh đoạn Chợ Chu - ngã ba Trung Sơn; Xây dựng cầu Ninh Cường vượt sông Ninh Cơ trên Quốc lộ 37B; Đầu tư xây dựng công trình đường cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh giai đoạn 1; Quốc lộ 4B Lạng Sơn; Đường bộ cao tốc Cao Lãnh - An Hữu giai đoạn 1.

Bên cạnh đó, năm 2024, Bộ GTVT sẽ phối hợp, hỗ trợ các địa phương hoàn thiện hồ sơ để khởi công 10 dự án đường bộ cao tốc được phân cấp cho địa phương làm cơ quan chủ quản. Hiện nay, cao tốc Lạng Sơn - Cửa khẩu Hữu Nghị dài 60 km, bao gồm cả tuyến kết nối đến Cửa khẩu Tân Thanh đang được tỉnh Lạng Sơn hoàn chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi. Tỉnh Lâm Đồng đang trình thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi tuyến cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc dài 67 km. Cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương dài 74 km cũng đang được tỉnh Lâm Đồng hoàn thiện báo cáo nghiên cứu khả thi. Tỉnh Ninh Bình và tỉnh Thái Bình đang lập chủ trương đầu tư, phê duyệt chủ trương đầu tư tuyến cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng. Tuyến cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành dài 129 km đang được tỉnh Bình Phước chuẩn bị phê duyệt chủ trương đầu tư). Tỉnh Bình Dương chuẩn bị trình chủ trương đầu tư tuyến cao tốc TP.HCM - Chơn Thành dài 60 km. Tuyến cao tốc TP.HCM - Mộc Bài dài 65 km chuẩn bị được TP.HCM phê duyệt chủ trương đầu tư. Tuyến cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu đoạn qua Hòa Bình dài 34 km sắp được tỉnh Hòa Bình phê duyệt nghiên cứu khả thi. 4 dự án thành phần còn lại của Vành đai 4 TP.HCM các địa phương đang chuẩn bị phê duyệt thủ tục đầu tư và dự kiến khởi công trong năm 2024.

Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, ông Hồ Tuấn Nhân, Giám đốc Công ty CP Cầu đường Long Biên Hà Nội cho biết, việc Nhà nước có chủ trương đầu tư và rót nguồn lực lớn ngân sách quốc gia vào hàng loạt công trình giao thông lớn đã và đang tạo ra nhiều cơ hội việc làm cho cộng đồng nhà thầu, từ xây lắp đến sản xuất, cung cấp vật tư, thiết bị phục vụ thi công. Tuy nhiên, hiện nay, đơn giá, định mức về nhân công, vật liệu xây dựng, ca máy đều thấp so với chi phí thực tế. Nếu không có giải pháp tháo gỡ, điều chỉnh kịp thời thì dù có việc nhiều việc làm nhưng nhà thầu sẽ bị thua lỗ trong quá trình thực hiện.

Theo ông Phạm Văn Khôi, Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư và Xây dựng giao thông Phương Thành, với nguồn lực đầu tư công “khổng lồ” rót vào các dự án hạ tầng trọng điểm như hiện nay thì thời gian tới, nhà thầu không lo đói việc. Mặc dù vậy, niềm vui của nhà thầu vẫn không trọn vẹn vì đơn giá nhân công quá thấp, nguồn cung về vật liệu rất khan hiếm và bị đẩy lên cao. Do đó, nhà thầu mong muốn Nhà nước, các cơ quan chức năng vào cuộc quyết liệt, có giải pháp tháo gỡ triệt để các khó khăn, giảm áp lực về tài chính để nhà thầu yên tâm đảm nhận các công trình lớn.

Chuyên đề