Cơ hội gỡ điểm nghẽn giải phóng mặt bằng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Giải phóng mặt bằng (GPMB) luôn là một trong những vướng mắc chính làm cản trở tiến độ giải ngân đầu tư công. Trong đó, ngoài nguyên nhân chủ quan về tổ chức thực hiện, vướng mắc còn đến từ quy định pháp lý liên quan đến công tác GPMB. Hiện Luật Đất đai (sửa đổi) đang được xây dựng, nhiều luật có liên quan đến đầu tư cũng được đề xuất sửa đổi tổng thể… sẽ là cơ hội để có những đổi mới mang tính bước ngoặt trong công tác này.
Nhiều dự án đội chi phí vì giải phóng mặt bằng chậm, khiến vốn nhà nước chậm phát huy hiệu quả, ảnh hưởng tới phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: Lê Tiên
Nhiều dự án đội chi phí vì giải phóng mặt bằng chậm, khiến vốn nhà nước chậm phát huy hiệu quả, ảnh hưởng tới phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: Lê Tiên

Trong những năm qua, nhiều dự án đội chi phí, có dự án lên đến hàng nghìn tỷ đồng vì GPMB chậm, nhà thầu điêu đứng, vốn nhà nước chậm phát huy hiệu quả, ảnh hưởng tới phát triển kinh tế - xã hội.

Nhiều nhà thầu phản ánh đa số công trình hạ tầng giao thông được triển khai trong điều kiện chưa hoàn thành GPMB, mặt bằng “xôi đỗ”, đan cắt bởi công trình hiện hữu, đường giao thông dân sinh; hoặc công tác tư vấn lập dự án đầu tư khảo sát không kỹ, lập phương án GPMB, bố trí tái định cư không đúng với thực tế nên không đủ kinh phí để đền bù, thiếu quỹ đất bố trí tái định cư. Đối với những dự án này, sau khi trúng thầu, triển khai thi công, bao nhiêu trách nhiệm, gánh nặng đều đổ lên nhà thầu.

Từ góc độ cơ quan nhà nước, tại các cuộc làm việc của 6 tổ công tác của Chính phủ về giải ngân đầu tư công, lãnh đạo một số địa phương có tỷ lệ giải ngân chậm phản ánh nhiều vướng mắc trong công tác GPMB. Đó là một số quy định về đất đai chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn dẫn đến công tác GPMB gặp nhiều khó khăn. Có sự chênh lệch giữa giá đất Nhà nước thu hồi với giá đất do nhà đầu tư đền bù, bao gồm cả diện tích theo cơ chế thỏa thuận, dẫn tới sự so sánh của người dân, khiếu nại, khiếu kiện… Công tác quản lý đất đai còn lỏng lẻo, đất công bị người dân lấn chiếm, không xác định nguồn gốc đất đai của các thửa đất bị thu hồi...

Nhiều ý kiến từ địa phương kiến nghị tách GPMB thành dự án độc lập, thực hiện trước. Qua tổng hợp ý kiến từ các tổ công tác, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cũng đề xuất nghiên cứu sửa tổng thể các luật liên quan đến dự án đầu tư công, trong đó công tác GPMB được coi là dự án độc lập, được thực hiện đầy đủ, toàn bộ các hoạt động ngay sau khi chủ trương đầu tư được duyệt.

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đang được lấy ý kiến cũng đã có những quy định để tạo thuận lợi hơn cho công tác GPMB. Trong đó, bổ sung quy định tại Điều 100: “Trường hợp cần thiết, việc tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành dự án riêng đối với dự án quan trọng quốc gia do Quốc hội xem xét, quyết định; đối với dự án nhóm A do Thủ tướng Chính phủ, HĐND cấp tỉnh xem xét, quyết định. Việc quyết định tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành dự án riêng đồng thời với phê duyệt chủ trương đầu tư dự án”.

Theo một chuyên gia, quy định này sẽ đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án đầu tư. Tuy nhiên, quy định tại Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần đồng bộ, thống nhất với Luật Đầu tư công, vì Luật Đầu tư công quy định việc tách riêng nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành dự án riêng được thực hiện khi phê duyệt chủ trương đầu tư dự án, tức cấp có thẩm quyền phê duyệt việc tách tại quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án. Trong khi, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đang quy định việc tách được thực hiện “đồng thời với việc phê duyệt chủ trương đầu tư”, có thể phát sinh cách hiểu việc tách được cấp có thẩm quyền quyết định bằng một văn bản riêng đồng thời với việc phê duyệt chủ trương đầu tư dự án. Ngoải ra, hiện nhiều địa phương kiến nghị mở rộng đối tượng cho dự án nhóm B, C được tách GPMB trong Luật Đầu tư công. Nếu được mở rộng đối tượng, quy định tại Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ không phù hợp. Do đó, cần lưu ý nội dung này để tránh mâu thuẫn, khó thực thi về sau.

Bên cạnh đó, từ phản ánh của địa phương, còn rất nhiều khó khăn khi thực hiện công tác GPMB. Dù tách GPMB thành dự án riêng thì vẫn có thể xảy ra vướng mắc, mà dự án GPMB cho sân bay Long Thành là ví dụ điển hình, nếu như những nút thắt trong công tác thu hồi đất, xác định giá đất, tái định cư không được giải quyết.

Thực tiễn cũng chỉ ra vai trò tổ chức thực hiện là rất quan trọng, cùng mặt bằng pháp lý, nhiều địa phương có sự vào cuộc quyết liệt đã GPMB rất nhanh, như tỉnh Quảng Ninh với chiến dịch 30 ngày đêm hoàn thành GPMB cao tốc Vân Đồn - Móng Cái với chiều dài tuyến trên 80 km. Cùng với hoàn thiện thể chế, Bộ KH&ĐT cũng đề nghị lãnh đạo các địa phương tập trung giải quyết công tác GPMB, bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho người dân, bảo đảm đúng pháp luật và hài hòa lợi ích của Nhà nước và người dân…

Chuyên đề